Doanh nghiệp xuất khẩu cần được “tiếp sức”
So với cùng kỳ năm trước, hoạt động chế biến, xuất khẩu thủy sản của tỉnh từ đầu năm đến nay gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng và đối mặt với khó khăn về thị trường tiêu thụ.
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Âu Vững (TX. Giá Rai). Ảnh: K.T
DOANH NGHIỆP CHỒNG CHẤT KHÓ KHĂN
Tính đến tháng 11/2021, chế biến thủy sản xuất khẩu chỉ đạt trên 92.550 tấn, tương đương 83,68% so với kế hoạch. Tuy nhiên, nhờ năng động trong sản xuất và khai thác tốt các thị trường tiềm năng nên tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu trong 11 tháng của năm ước đạt khoảng 707,94 triệu USD và giảm 0,99% so với cùng kỳ. Trong đó, tôm đông đạt 688,57 triệu USD và mục tiêu đạt trên 880 triệu USD vào cuối năm nay dự kiến sẽ khó hoàn thành, nếu như từ nay cho đến cuối năm hoạt động xuất khẩu tiếp tục gặp khó. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hiện nay gần như “đuối sức”, bởi ngoài tuân thủ các quy định trong thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ”, một số doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu trên địa bàn TX. Giá Rai phải ngưng hoạt động do có công nhân bị nhiễm COVID-19. Trong khi đây là thời điểm được xem là “thời gian vàng” để doanh nghiệp dồn lực cho chế biến, nhằm cung ứng hàng hóa phục vụ thị trường Giáng sinh, tết Dương lịch và các lễ hội ở các nước châu Âu diễn ra vào cuối năm.
Đáng quan ngại hơn, thị trường xuất khẩu lớn của tỉnh là Trung Quốc, nhưng trong những tháng gần đây, nước này đã triển khai hàng loạt các quy định về kiểm nghiệm, kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác, chứng thư xuất khẩu đối với nông sản Việt Nam… Tất cả những quy định này đã làm cho doanh nghiệp Việt Nam phải tốn kém thêm khoản chi phí phát sinh và hoàn toàn bị động trong kinh doanh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu lớn đang bị đình chỉ xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc do bị cảnh báo bệnh thủy sản. Cùng với đó, việc sản xuất, chế biến, vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn, chi phí logistics gia tăng, thiếu hụt lao động, đặc biệt là chi phí phát sinh từ việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đã làm suy giảm lợi nhuận và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp so với các doanh nghiệp xuất khẩu cùng ngành hàng ở các quốc gia khác.
CẦN CÓ NGAY CÁC GIẢI PHÁP
Để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu vượt qua khó khăn và hoàn thành chỉ tiêu giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 886 triệu USD năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch xúc tiến xuất khẩu giai đoạn sau COVID-19 với mục tiêu giúp các doanh nghiệp tận dụng cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, khắc phục những ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, duy trì chuỗi cung ứng, góp phần phục hồi kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu.
Trong đó, thúc đẩy tăng kim ngạch xuất khẩu đối với các sản phẩm nông - lâm - thủy sản, duy trì chuỗi cung ứng và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao, áp dụng công nghệ sạch, bảo vệ môi trường, đáp ứng các quy định của các thị trường nhập khẩu. Đặc biệt là phấn đấu đến năm 2025, giá trị kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản của tỉnh ước đạt 1.512 triệu USD (trong đó, tôm đông ước đạt 1.300 triệu USD). Khoảng 50% sản phẩm nông - lâm - thủy sản xuất khẩu truy xuất được nguồn gốc và trên 50% giá trị xuất khẩu nông - lâm - thủy sản qua chế biến và chế biến sâu.
Để hoàn thành các mục tiêu quan trọng này, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương cần thực hiện có hiệu quả các đề án, chương trình, chính sách của Trung ương và của tỉnh về hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông - lâm - thủy sản của tỉnh, nhằm đáp ứng các quy định của thị trường nhập khẩu. Đồng thời, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa nông - lâm - thủy sản của tỉnh; tích cực tranh thủ các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia của Bộ Công thương để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa. Phối hợp với các đơn vị của Bộ Công thương tổ chức các hội nghị, tập huấn phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, nhằm giúp cán bộ quản lý các sở, ban ngành, hiệp hội và các doanh nghiệp trong tỉnh nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý. Nắm bắt và đưa những thông tin mới cũng như những chủ trương, giải pháp về vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta trong giai đoạn mới hiện nay, nhất là Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên đến các doanh nghiệp để tận dụng các cơ hội tăng cường xuất khẩu vào thị trường mới trong thời gian hậu COVID-19…
KIM TRUNG
- Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều chỉ đạo về việc chủ động ứng phó với bão số 10
- Tỉnh ủy Bạc Liêu: Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 của BCH Trung ương Đảng khóa XII
- Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Sắp xếp, tinh gọn bộ máy là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cấp bách
- Bộ Y tế triển khai nhiệm vụ năm 2025