Đổi mới mô hình tăng trưởng: Phát huy lợi thế cạnh tranh

Thứ Tư, 03/08/2022 | 15:08

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức lễ công bố Báo cáo kinh tế thường niên vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) 2022. Qua đó, phân tích và chỉ ra nhiều cơ hội, thách thức liên quan trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của vùng; đồng thời gợi mở nhiều vấn đề cho phát triển KT-XH trong bối cảnh liên kết vùng, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và hội nhập kinh tế toàn cầu.

Xuất khẩu thủy sản - thế mạnh kinh tế của tỉnh Bạc Liêu.

NÔNG NGHIỆP LÀ TRỤ CỘT QUAN TRỌNG

Báo cáo thường niên 2022 là công trình nghiên cứu hợp tác bởi VCCI Cần Thơ và Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM) với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực kinh tế, chính sách, nông nghiệp, môi trường, năng lượng, giao thông, logistics… nhằm cung cấp thông tin về tình hình kinh tế ĐBSCL và những vấn đề quan trọng của vùng.

Báo cáo có chủ đề “Chuyển đổi mô hình phát triển và Quy hoạch tích hợp”, tập trung nghiên cứu mô hình chuyển đổi nông nghiệp, đánh giá tác động của Quy hoạch tích hợp ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 287/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Về kinh tế, kết quả nghiên cứu cho thấy, điểm sáng lớn nhất của ĐBSCL trong hai năm 2020 - 2021 là nông nghiệp. Bất chấp dịch bệnh trong năm 2021, khu vực nông nghiệp của ĐBSCL vẫn tăng trưởng mạnh (3,4%), cao hơn hẳn so với mặt bằng chung của cả nước và tiếp tục trở thành trụ cột kinh tế quan trọng của nhiều tỉnh khu vực ĐBSCL. Trong đó, xuất khẩu nông - thủy sản của vùng đóng vai trò then chốt trong việc duy trì thặng dư thương mại cho Việt Nam.

Tuy nhiên, một mình ngành Nông nghiệp không đủ sức vực dậy nền kinh tế ĐBSCL vì khu vực công nghiệp và dịch vụ cùng nhau chiếm tới hơn 70% GRDP của vùng đều tăng trưởng âm, ước tính lần lượt là -0,8% và -1,8%.

Điều đáng lưu ý, năng lực cạnh tranh nông nghiệp của ĐBSCL không chỉ đến từ điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, những biện pháp cải tiến kỹ thuật giúp tăng năng suất mà còn đến từ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, ĐBSCL cũng đang đứng trước thử thách như: tình trạng thiếu đầu tư trầm trọng; thiếu cơ hội việc làm nên lao động trẻ di cư đến các khu vực đô thị và công nghiệp ở Đông Nam bộ… Đặc biệt, ĐBSCL đã và đang phải đối diện với những thách thức lớn nằm ở ba phương diện: kinh tế, xã hội và môi trường. Đó là nền nông nghiệp của ĐBSCL chậm hiện đại hóa, chủ yếu dựa vào kinh tế nông hộ với diện tích đất canh tác nhỏ và manh mún - là rào cản quan trọng cho việc chuyển trọng tâm từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Tỷ trọng vốn đầu tư của ĐBSCL thấp hơn nhiều so với tỷ trọng đóng góp về GDP hay dân số; thu và chi ngân sách nhà nước trên đầu người của ĐBSCL cũng thấp hơn so với mức bình quân cả nước. Các công trình thủy điện thượng nguồn làm giảm đáng kể lượng phù sa và cát do bị các hồ chứa giữ lại, dẫn đến tình trạng gây sạt lở bờ sông và làm đất bạc màu, nước mặn từ biển tràn vào làm hơn một nửa diện tích tự nhiên bị nhiễm mặn…

Những thách thức này làm tốc độ tăng trưởng GRDP của ĐBSCL thấp, chỉ đạt 5,31%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020, thấp nhất trong 4 vùng kinh tế trọng điểm cả nước. Hệ quả là ĐBSCL mặc dù giàu có về tài nguyên, phong phú về tiềm năng nhưng tiếp tục tụt hậu về mặt kinh tế…

Dự án kè chống sạt lở bảo vệ sản xuất gắn thích ứng với BĐKH ven biển Bạc Liêu. Ảnh: K.T

CẦN BỨT PHÁ

Báo cáo thường niên 2022 đề xuất 4 mục tiêu chính của chuyển đổi nông nghiệp ở ĐBSCL, bao gồm: Tăng thu nhập một cách ổn định, bền vững cho nông dân; hiện đại hóa nền nông nghiệp; phát triển nền kinh tế nông nghiệp theo cơ chế thị trường và phát triển nông nghiệp bền vững theo mô hình “thuận tự nhiên”.

Với những mục tiêu quan trọng mang tính chiến lược cũng đặt ra nhiều vấn đề cho phát triển KT-XH của tỉnh Bạc Liêu, nhất là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với thích ứng BĐKH. Trong năm 2022 này, Bạc Liêu đã ban hành Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với quan điểm chỉ đạo là phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Phát huy lợi thế, hiệu quả các nguồn lực (tài nguyên đất, nước, không khí, con người, truyền thống lịch sử, văn hóa), khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường. Sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững; phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với BĐKH…

Song, để hiện thực hóa các quan điểm, mục tiêu mang tính chiến lược này, rất cần một cuộc cách mạng trong đổi mới mô hình tăng trưởng và quy hoạch tổng thể ngành, lĩnh vực với nhiệm vụ là tạo ra khả năng kết nối Bạc Liêu với các tỉnh khu vực ĐBSCL. Bởi, với vị trí và nguồn lực như hiện nay, khả năng Bạc Liêu sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh, thậm chí bị tách biệt trong liên kết vùng khi mạng lưới giao thông hiện nay vẫn còn là “điểm nghẽn” và chưa tạo được những bứt phá cho Bạc Liêu tăng tốc. Cũng như thể hiện rõ vai trò là “trung tâm” của nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trung tâm ngành công nghiệp tôm, năng lượng tái tạo và du lịch.

Mạnh dạn chỉ ra những bất cập này để thấy rằng, Bạc Liêu cần phải nỗ lực và quyết tâm rất nhiều trong việc tìm ra hướng đi cho riêng, dựa trên lợi thế cạnh tranh đặc thù và chỉ có bứt phá mới tránh được tục hậu, đi sau.

KIM TRUNG

* Đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất

Để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát huy có hiệu quả từ sản xuất nông nghiệp, ứng phó với BĐKH, Bạc Liêu sẽ tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ cho sản xuất.

Theo đó, Bạc Liêu sẽ đầu tư hệ thống thủy lợi đa mục tiêu, đảm bảo cấp nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp (nhất là các vùng trồng lúa tập trung; vùng nuôi thủy sản thâm canh theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao); ưu tiên đầu tư phục vụ các lĩnh vực sản xuất có lợi thế, các vùng khó khăn về nguồn nước; xây dựng hệ thống công trình thủy lợi phải phù hợp với đặc điểm từng tiểu vùng, kết hợp chặt chẽ với phát triển giao thông nông thôn, đảm bảo phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với BĐKH.

Bên cạnh đó, thực hiện chương trình đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và vận hành các công trình thủy lợi; ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong thiết kế xây dựng và quản lý các công trình thủy lợi. Đồng thời, xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng một số dự án, công trình trọng tâm thích ứng với BĐKH như: Kè chống sạt lở cửa sông, ven biển thị trấn Gành Hào; kè chống sạt lở cửa biển Nhà Mát; dự án gây bồi tạo bãi và trồng cây chống xói lở khu vực biển Nhà Mát; dự án gây bồi tạo bãi, khôi phục rừng phòng hộ ven biển tỉnh Bạc Liêu; dự án chống xói lở gây bồi, trồng rừng ngập mặn chống xói lở, bảo vệ đê biển Gành Hào; dự án đoạn kè cấp bách chống sạt lở bảo vệ đê biển khu vực cửa biển Nhà Mát (phía Đông kênh 30/4); dự án xây dựng nâng cấp đê biển Đông và hệ thống cống qua đê cấp bách chống BĐKH. Hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng sản xuất lúa - tôm Vĩnh Lộc thuộc huyện Hồng Dân và TX. Giá Rai; dự án các trạm bơm điện; dự án nạo vét tuyến kênh trục Hòa Bình, các công trình thủy nông nội đồng theo quy hoạch, nạo vét kênh mương bị bồi lắng đảm bảo tưới, tiêu phục vụ sản xuất, nhất là đối với vùng phía Bắc Quốc lộ 1A…

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.