Đừng để các sản phẩm OCOP “tự bơi”
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay toàn tỉnh có 26 sản phẩm OCOP đã được công nhận. Trong đó, 16 sản phẩm đạt 3 sao và 10 sản phẩm đạt 4 sao. Các sản phẩm tiêu biểu này sẽ làm phong phú thêm các đặc sản của địa phương và góp phần tích cực cho phát triển du lịch.
Giới thiệu đặc sản OCOP của huyện Đông Hải cho du khách tại Hội chợ thương mại - du lịch năm 2020. Ảnh: K.T
Với việc phát triển mạnh của ngành Du lịch (vốn được xác định là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh) đã mở ra nhiều cơ hội cho các sản phẩm OCOP phát triển. Bởi một trong những khó khăn của ngành Du lịch trong thời gian qua chính là thiếu những sản phẩm du lịch đặc trưng nên chưa thể đáp ứng nhu cầu mua sắm và làm quà tặng cho du khách. Do vậy, việc khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất - kinh doanh tăng cường đầu tư, nâng chất các sản phẩm để được công nhận là sản phẩm OCOP đã góp phần khai thác đúng tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, nhất là khai thác các đặc sản của từng địa phương.
Xuất phát từ điều kiện sinh thái đặc thù vừa có vùng mặn, vùng ngọt và vùng lợ nên sản phẩm OCOP của Bạc Liêu được đem ra trình làng vừa qua khá phong phú. Đơn cử như khô cá đù một nắng của Công ty Hải Tuyền (huyện Đông Hải), cá thát lát rút xương của cơ sở Bảy Lãnh (huyện Phước Long), khô cá kèo của cơ sở Xuân Thảo (huyện Vĩnh Lợi), bánh đậu xanh Hương Sen của cơ sở Hương Sen (TP. Bạc Liêu)…
Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là sau khi các sản phẩm trên đã được công nhận OCOP có tiếp tục phát triển hay vẫn “tự bơi” như hiện nay?! Bởi phần lớn các sản phẩm này lâu nay đều tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ và chưa có một điểm bán hàng tập trung để giới thiệu, thậm chí ngay các điểm du lịch hiện nay vẫn chưa hình thành các gian hàng trưng bày, giới thiệu và kinh doanh các sản phẩm OCOP phục vụ du khách.
Vấn đề đặt ra, ngành quản lý và các công ty khai thác du lịch - dịch vụ cần quan tâm đến việc xây dựng và trình làng các sản phẩm OCOP. Đó có thể là điểm trưng bày sản phẩm ở các khu du lịch trọng điểm, hoặc ở các điểm dừng chân để du khách được trải nghiệm và thưởng thức các món ngon (như việc các lò bánh mứt ở Đà Lạt cho du khách thưởng thức các đặc sản của địa phương).
Ngoài ra, ngành quản lý, các địa phương và doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận đạt OCOP cần có chiến lược quảng bá, nhằm hướng đến xây dựng thương hiệu và đưa các đặc sản này trở thành sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng.
KIM TRUNG