Mỹ áp dụng mức thuế đối ứng cho hàng hóa Việt Nam: Dự báo tôm xuất khẩu sẽ gặp khó
So với các quốc gia khác, Việt Nam là một trong những nước được Tổng thống Mỹ - Donald Trump hoãn áp dụng mức thuế đối ứng trong 90 ngày (trừ Trung Quốc), nhằm mở đường cho các phiên đàm phán. Song, không vì thế mà các doanh nghiệp (DN) Việt Nam không bị ảnh hưởng. Trong đó, có mặt hàng xuất khẩu thủy sản vốn là thế mạnh kinh tế mũi nhọn của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Bạc Liêu nói riêng.
Chế biến thủy sản xuất khẩu - thế mạnh kinh tế hàng đầu của Bạc Liêu. Ảnh: K.T
NHIỀU ÁP LỰC CHO XUẤT KHẨU
Thực tiễn cho thấy, Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu tôm truyền thống lớn của Việt Nam khi chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu, với giá trị kim ngạch dao động từ 800 triệu đến 1 tỷ USD. Vì vậy, với mức thuế 46% nếu không được điều chỉnh giảm sau đàm phán, chắc chắn tôm xuất khẩu vào thị trường Mỹ sẽ tự “đóng cửa”, bởi với mức thuế này DN sẽ thua lỗ. Song, điều đáng quan tâm hơn cả chính là sau thị trường Mỹ, các DN xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó với các thị trường tiêu thụ lớn khác, nhất là thị trường Trung Quốc. Bởi Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ tôm hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu tôm năm qua đạt 840 triệu USD và ở Bạc Liêu phần lớn DN đều xuất hàng hay gia công hàng cho thị trường Trung Quốc. Khi Mỹ đánh thuế cao vào hàng hóa Trung Quốc và để đáp trả, ứng phó lại, Trung Quốc nhất định sẽ có chiến lược phát triển và kích cầu tiêu dùng nội địa. Vì vậy, hàng thủy sản xuất khẩu nhập vào Trung Quốc sẽ gặp khó và đây cũng chính là nỗi lo của nhiều DN xuất khẩu thủy sản của Bạc Liêu.
Hiện nay, các DN đang đặt nhiều kỳ vọng vào đàm phán của Việt Nam và Mỹ thành công để DN tiếp tục xuất hàng vào Mỹ và giảm áp lực gặp khó về thị trường tiêu thụ cho con tôm xuất qua Trung Quốc với dự báo sẽ giảm sâu.
CHỦ ĐỘNG ĐỂ TRÁNH BỊ ĐỘNG
Trong quý 1/2025, kim ngạch xuất của Bạc Liêu đạt hơn 224 triệu USD và tăng 9,13% so với cùng kỳ. Trong đó, thủy sản đạt hơn 21.487 tấn và tăng 10,2% so với cùng kỳ. Qua đó, cho thấy thế mạnh này muốn phát huy tốt thì ngành quản lý và cả DN phải chủ động xây dựng chiến lược ứng phó. Trong đó, đa đạng hóa thị trường xuất khẩu và quan tâm phát triển thị trường tiêu thụ nội địa phải được xem là giải pháp căn cơ.
Về tầm nhìn, phải tập trung tái cơ cấu lại mô hình tăng trưởng theo hướng giảm sâu giá thành sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa sản phẩm theo từng thị trường. Qua đó, góp phần giảm áp lực về thị trường tiêu thụ lớn khi bị biến động và tăng khả năng cạnh tranh đối với các nước cùng mặt hàng. Cũng như, cơ cấu lại ngành hàng và tỷ trọng của con tôm trong chế biến bằng các loại thủy sản khác để khai thác, phát huy tốt các nguồn lợi thủy sản và chủ động tránh bị động khi thị trường con tôm xuất khẩu gặp khó.
Tuy nhiên, muốn thực hiện tốt các giải pháp này, cần những chính sách quản lý vĩ mô của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương phải vào cuộc quyết liệt chứ không thể dừng ở cấp vùng, khu vực hay các tỉnh, thành phố có thế mạnh về xuất khẩu. Đồng thời, cần tranh thủ, phát huy, tận dụng các hiệp định thương mại, các cam kết hợp tác và xúc tiến tiêu thụ hàng hóa sẽ là “cánh cửa” rộng mở cho hàng hóa của Việt Nam trong điều kiện diễn biến bất lợi về thuế quan, các rào cản về kỹ thuật, chất lượng do các nước nhập khẩu đặt ra.
KIM TRUNG
- Rà soát, điều chỉnh đơn vị hành chính sau sắp xếp có di tích quốc gia đặc biệt
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt thăm các Mẹ Việt Nam Anh hùng huyện Hồng Dân
- Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc hơn 300 cử tri TP. Bạc Liêu và huyện Vĩnh Lợi
- Mỹ áp dụng mức thuế đối ứng cho hàng hóa Việt Nam: Dự báo tôm xuất khẩu sẽ gặp khó
- Rầm rộ khuyến mại dịp 30/4