Nhìn lại môi trường đầu tư, kinh doanh từ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Thứ Hai, 30/09/2024 | 16:22

LTS: Năm 2023, Bạc Liêu tiếp tục đạt điểm chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) khá thấp và tiếp tục lọt khỏi tốp 30 các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất. Điều đó thật sự trở thành vấn đề đáng quan tâm khi chỉ số PCI của Bạc Liêu nhiều năm liền đều nằm trong tốp cuối của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Song, đáng lo hơn cả là từ chỉ số này cho thấy, môi trường đầu tư, kinh doanh của Bạc Liêu vẫn rất kém hấp dẫn!

Bài 1: Doanh nghiệp than khó!

Chỉ số PCI năm 2023, Bạc Liêu được 63,03 điểm, tăng 2,67 điểm so với năm 2022. Trong số 10 chỉ số thành phần, có 6 chỉ số tăng điểm, gồm: gia nhập thị trường; tính minh bạch; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng và tính năng động của chính quyền tỉnh. Tuy nhiên, việc tăng điểm này rất thấp và có những chỉ số tăng chưa được 1 điểm.

VCCI công bố và phân tích các chỉ số thành phần của tỉnh Bạc Liêu.

CẦN CHẤN CHỈNH

Cụ thể, chỉ số gia nhập thị trường được 7,82 điểm và chỉ tăng 0,48 điểm so với năm 2022. Trong đó, có 54% doanh nghiệp (DN) cho biết: “Hướng dẫn thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện là rõ ràng, đầy đủ”, tăng 19% so với năm 2022. 54% DN cho biết: “Chi phí cấp phép kinh doanh có điều kiện không vượt quá mức phí, lệ phí được quy định trong văn bản pháp luật”, tăng 17% so với năm 2022; 46% DN cho biết: “Quy trình giải quyết thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện đúng như văn bản quy định”, tăng 17% so với năm 2022 và 46% DN cho biết: “Thời gian thực hiện thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện không kéo dài hơn so với văn bản quy định”, tăng 17% so với năm 2022…

Nhìn vào kết quả các chỉ tiêu của các chỉ số thành phần cho thấy, việc giải quyết các thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện của tỉnh đã có bước tiến so với năm 2022. DN ghi nhận có những chuyển biến tích cực trong việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trong đăng ký DN như: hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ; cán bộ am hiểu chuyên môn; nhiệt tình, thân thiện… được cải thiện so với năm 2022. Thế nhưng, Bạc Liêu cần có những nỗ lực cải cách mạnh mẽ hơn nữa, vì theo phản ánh của DN, tuy có cải thiện về TTHC nhưng chưa nhiều và DN còn gặp khó trong giải quyết các thủ tục liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Một chỉ số thành phần khác tăng điểm nhiều nhất trong năm nay chính là chỉ số về tính minh bạch, năm 2023 được 6,35 điểm, tăng 1,46 điểm so với năm 2022 (được 4,71 điểm). Điều này cho thấy, việc thực hiện minh bạch thông tin của tỉnh được DN đánh giá cao, các thông tin trên các website của tỉnh hữu ích và cần thiết khi DN cần, nâng tỷ lệ DN thường xuyên truy cập vào website của UBND tỉnh tăng 28% so với năm 2022. Tuy nhiên, có một vấn đề đáng quan tâm từ chỉ số này chính là vẫn còn tình trạng DN thương lượng với cán bộ thuế, hay thỏa thuận về các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế để giúp DN giảm được số thuế phải nộp. Năm 2022, có đến 78% DN cho biết phải “thỏa thuận về các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế giúp DN giảm được số thuế phải nộp” và chỉ số thành phần này xếp hạng thứ 63/63 tỉnh, thành. Do vậy, cần phải có ngay các giải pháp chấn chỉnh mới có hy vọng nâng cao được chỉ số này trong năm 2024.

Giải quyết thủ tục hành chính - một trong những vấn đề được doanh nghiệp quan tâm.

Một chỉ số thành phần khác tuy có tăng điểm nhưng không nhiều là chỉ số chi phí thời gian. Năm 2023, chỉ số này được 7,22 điểm, tăng 0,76 điểm so với năm 2022 (được 6,46 điểm). Đây là chỉ số thành phần có điểm số tăng thứ 3 trong năm 2023 so với năm 2022, với một số chỉ tiêu tăng điểm khác như: DN không gặp khó khăn khi thực hiện TTHC trực tuyến; thực hiện TTHC trực tuyến giúp tiết giảm thời gian cho DN… Hay chỉ 15% DN cho biết: “Bị thanh kiểm tra trên 3 lần/năm”, giảm 24% so với năm 2022 (chỉ số có kỳ vọng thấp) và số giờ thanh, kiểm tra thuế mỗi cuộc là 16, giảm 8 so với năm 2022 (chỉ số có kỳ vọng thấp).

Tuy nhiên, DN cho biết nội dung làm việc của các đoàn thanh, kiểm tra bị trùng lặp lại có dấu hiệu tăng lên từ 4% năm 2022 lên 24% năm 2023. Tỷ lệ DN cho biết các cuộc thanh, kiểm tra tạo cơ hội cho cán bộ thanh, kiểm tra lợi dụng nhũng nhiễu DN tăng từ 10% năm 2022 lên 13% năm 2023. Đây là vấn đề cần được ngành Thanh tra quan tâm và có ngay các giải pháp chấn chỉnh, nhằm chủ động tránh tình trạng lợi dụng công tác thanh, kiểm tra để gây khó và mưu lợi bất chính.

Doanh nghiệp phản ánh những khó khăn trong sản xuất -  kinh doanh tại buổi cà phê giữa lãnh đạo tỉnh và doanh nghiệp hàng tháng. Ảnh: L.D

TRÊN NÓNG, DƯỚI LẠNH!

Có một chỉ số thành phần rất quan trọng phản ánh môi trường đầu tư, kinh doanh và được cộng đồng DN rất quan tâm chính là chỉ số chi phí không chính thức. Năm 2023, chỉ số này tỉnh được 6,69 điểm và tăng rất khiêm tốn chỉ với 0,04 điểm so với năm 2022 (được 6,65 điểm). Trong đó, đáng quan tâm nhất chính là có DN cho biết họ phải “chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức” và có 39% DN cho biết: “Công việc đạt được kết quả mong đợi sau khi đã trả chi phí không chính thức”. Đặc biệt, có đến 39% DN cho biết phải “chi trả “hoa hồng” là cần thiết để có cơ hội thắng thầu”, giảm 46% so với năm 2022 (chỉ số có kỳ vọng thấp).

Ngoài ra, vẫn còn một số lĩnh vực khác có sự gia tăng phản ánh của DN mà cụ thể là lĩnh vực an toàn phòng cháy, môi trường, quản lý thị trường… vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết TTHC. Vì lẽ đó, cần phải đẩy mạnh thúc đẩy để giảm gánh nặng chi phí không chính thức cho DN ở các lĩnh vực nêu trên trong thời gian tới. Cũng như xử lý triệt để vấn nạn “tham nhũng vặt”, tạo môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng.

Cùng với các chỉ số thành phần trên, thì một chỉ số khác cũng tăng điểm nhưng không cao, phản ánh sự chuyển biến từ các chỉ số thành phần này là chưa nhiều. Điển hình như chỉ số cạnh tranh bình đẳng, năm 2023 của tỉnh được 5,11 điểm, tăng 0,92 điểm so với năm 2022 (được 4,19 điểm). Thế nhưng, DN vẫn còn nhìn nhận tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư từ các DN lớn hơn là phát triển DN nhỏ và vừa trong tỉnh; TTHC nhanh chóng hơn là đặc quyền dành cho các DN lớn; thuận lợi trong cấp phép khai thác khoáng sản là đặc quyền dành cho các DN lớn…

Có một chỉ số rất quan trọng, chính là chỉ số tính năng động của chính quyền tỉnh năm qua được 6,37 điểm, tăng 0,10 điểm so với năm 2022. Điều này được thể hiện rất rõ trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc đồng hành, chia khó cùng DN. Ông Lê Chí Tôn - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh khẳng định: “Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo rất quyết liệt, rất cầu thị và luôn tạo mọi điều kiện để DN phát triển, nhưng đến cấp dưới hay các bộ phận chuyên môn là gặp khó, thậm chí nhũng nhiễu”. Phải chăng đây chính là nguyên nhân của tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” và cũng là vấn nạn làm cho chỉ số PCI của tỉnh Bạc Liêu luôn nằm ở tốp cuối của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước trong nhiều năm liền?

LƯ DŨNG - AN CHI

Bà Bùi Thanh Nguyên - Chánh Thanh tra tỉnh: Kiên quyết xử lý nghiêm việc lợi dụng công tác thanh tra, kiểm tra để gây nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực

Thanh tra tỉnh luôn xác định việc nâng cao Chỉ số PCI đóng vai trò rất quan trọng trong thu hút đầu tư và xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh. Đồng thời, thể hiện sự đồng hành và luôn chia sẻ khó khăn cùng DN.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và được phân công, Thanh tra tỉnh được UBND tỉnh giao chủ trì, theo dõi, phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong thực hiện chỉ số chi phí không chính thức với 16 chỉ tiêu cụ thể liên quan đến 4 cơ quan, đơn vị (Thanh tra tỉnh, Sở KH-ĐT, Sở TN-MT và Tòa án nhân dân tỉnh). Để thực hiện tốt chỉ số này, Thanh tra tỉnh đã ban hành Kế hoạch 17 để triển khai thực hiện Chương trình hành động số 02 của UBND tỉnh về nâng cao Chỉ số PCI giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, hằng năm, Thanh tra tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn thanh tra các sở, ngành, Thanh tra cấp huyện xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, xác định cụ thể phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra đối với DN gắn với bám sát hướng dẫn, trọng tâm của bộ, ngành Trung ương và tình hình thực tế địa phương. Đặc biệt là không được tùy tiện thanh tra làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN. Cũng như, thực hiện nghiêm quy định không được thanh tra trùng lắp 2 lần đối với DN/năm theo Chỉ thị 20, ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện tuyên truyền, thiết lập “Đường dây nóng”, phát động DN khi phát hiện có những thông báo thanh tra bất thường, trùng lắp và có biểu hiện lợi dụng công tác thanh tra, kiểm tra để gây phiền hà, nhũng nhiễu thì chủ động báo ngay cho Thanh tra tỉnh để kịp thời giải quyết, xử lý nghiêm. Thông qua đó, góp phần làm trong sạch bộ máy và xây dựng văn hóa, đạo đức công vụ; đồng thời, thực hiện quyết tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và cả hệ thống chính trị trong nâng cao chỉ số PCI trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Song song đó, Thanh tra tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện tốt Chỉ thị 10, ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN trong giải quyết công việc và Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Từ năm 2024 về sau, Thanh tra tỉnh sẽ tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch và tổ chức thanh tra thực hiện công vụ của công chức, viên chức, nhằm chủ động phát hiện, ngăn ngừa những hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu DN, nhất là đối với các cơ quan, đơn vị liên quan các chỉ số thành phần đạt thấp.

Ông Võ Đông Xuân - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh: Từng công chức thuế thay đổi phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

Để không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan thuế đối với người dân và DN, góp phần nâng cao chỉ số PCI của tỉnh nói chung, lãnh đạo ngành Thuế tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp như: Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Quyết liệt triển khai các giải pháp có hiệu quả theo kế hoạch của UBND tỉnh nhằm tiếp tục cải thiện và nâng cao điểm số của các chỉ số thành phần, góp phần nâng cao chỉ số PCI của tỉnh.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, triển khai các giải pháp chuyển đổi số trong hoạt động quản lý thuế, hướng tới nâng cao chất lượng phục vụ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất, giảm thời gian, chi phí để người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện cải cách hành chính. Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá nghiêm túc, trung thực, khách quan kết quả thực hiện cải cách hành chính theo quy định. Từng công chức thuế thay đổi phương thức phục vụ, lấy người dân, DN làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong việc đánh giá cuối năm đối với công chức trong thực thi nhiệm vụ. Không ngừng đổi mới lề lối, phương thức làm việc, nâng cao văn hóa công vụ, chuẩn mực đạo đức góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ công chức thuế, đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ. Đặc biệt, ngành Thuế sẽ đồng hành cùng người nộp thuế, tổ chức hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Cũng như, thường xuyên quan tâm công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống đối với đội ngũ công chức trong ngành. Đặc biệt là những công chức thuế trực tiếp tiếp xúc với DN, công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra luôn được giữ vững bản lĩnh chính trị trong thực thi công vụ, luôn có thái độ, tác phong ứng xử chuẩn mực trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo 100% các cuộc thanh tra, kiểm tra thực hiện đúng quy định của Luật Quản lý thuế, Luật Thanh tra, Quy trình thanh tra thuế, Quy trình kiểm tra thuế. Đồng thời, phải lồng ghép việc tuyên truyền chính sách thuế để DN thấy rằng công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế nhằm giúp DN thực hiện đúng quy định pháp luật và hướng dẫn, chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót, thực hiện chưa đúng chứ không phải mục đích tìm sai để phạt.

Cục Thuế tỉnh cũng tiếp tục triển khai các giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ dịch vụ hành chính công. Thực hiện tốt công tác tư vấn, hỗ trợ và chủ động đề xuất các giải pháp, nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực điều hành trong công tác quản lý thuế, góp phần cùng toàn tỉnh xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch và thuận lợi nhất cho DN đúng theo pháp luật quy định…

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.