Nhìn lại môi trường đầu tư, kinh doanh từ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Thứ Tư, 02/10/2024 | 16:00

>>> Bài 1: Doanh nghiệp than khó!

Bài 2: Doanh nghiệp “không đất dụng võ”

Thực trạng về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giảm gần như không phanh trong nhiều năm qua đã phản ánh sâu sắc cái nhìn của doanh nghiệp về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Bạc Liêu. Đặc biệt, trong 10 chỉ số thành phần có đến 4 chỉ số tiếp tục giảm điểm sâu và thể hiện sự bức xúc của doanh nghiệp khi “không có đất dụng võ”!

Chủ động giao đất cho các doanh nghiệp sẽ góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng thu ngân sách (Trong ảnh: Lao động làm việc tại khu công nghiệp Trà Kha, TP. Bạc Liêu).

KHÓ TIẾP CẬN ĐẤT ĐAI

Một trong những chỉ số thành phần gây bức xúc và được doanh nghiệp phản ánh nhiều nhất chính là chỉ số tiếp cận đất đai. Năm 2023, chỉ số này được 6,66 điểm, giảm 0,37 điểm so với năm 2022 (được 7,03 điểm). Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp chỉ số thành phần này bị giảm điểm. Trong đó, đáng quan tâm nhất chính là có đến 94% doanh nghiệp cho biết “phải trì hoãn, hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) đất đai”, cũng như, có 51% doanh nghiệp cho biết “cán bộ nhận hồ sơ và giải quyết TTHC không hướng dẫn chi tiết, đầy đủ”. Từ kết quả cho thấy, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn về tiếp cận đất đai, mở rộng mặt bằng kinh doanh khi đánh giá điểm số của chỉ tiêu này giảm đáng kể (27%) so với năm 2022. Cụ thể, năm 2023, tỷ lệ doanh nghiệp có thực hiện các TTHC về đất đai mà không gặp khó khăn chỉ ở mức 56%, trong khi năm 2022 là 89% (giảm 33%). Đặc biệt, số doanh nghiệp phải trì hoãn, hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do gặp khó khăn khi thực hiện các TTHC đất đai lên tới 94% trong năm 2023.

Thực tế, đất đai là cơ sở đầu tiên phải có để doanh nghiệp triển khai thực hiện các dự án đầu tư. Có thể lấy ví dụ về Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu được thành lập từ năm 2017 và đã thu hút 9 doanh nghiệp tham gia đầu tư, nhưng đến nay các doanh nghiệp đầu tư vào đây vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để triển khai dự án! Trong khi, khu nông nghiệp này được ví như “trái tim” của “thủ phủ” ngành công nghiệp tôm.

Quả thật, vấn đề tiếp cận đất đai đối với doanh nghiệp thật sự gặp nhiều khó khăn và nếu như bất cập này không được tập trung giải quyết thì Bạc Liêu trong tương lai gần sẽ trở thành “vùng trũng” rất sâu về thu hút mời gọi đầu tư, khi các thủ tục về đất đai chưa được tháo gỡ và Bạc Liêu chưa làm tốt công tác chuẩn bị về mặt bằng sạch, hay đầu tư hoàn chỉnh về hạ tầng để “đón đầu” trong việc chủ động giao đất cho các doanh nghiệp đầu tư triển khai dự án. Trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa có nhiều khu, cụm công nghiệp được đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ để giao cho doanh nghiệp thuê đất đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh. Có thể kể như: Khu công nghiệp Trà Kha còn khoảng 0,8ha có thể cho doanh nghiệp thuê đất, nhưng còn vướng mắc về cơ chế cho thuê đất theo Điều 149 Luật Đất đai 2013; Khu công nghiệp Láng Trâm chưa lựa chọn được nhà đầu tư, hay Cụm công nghiệp Vĩnh Mỹ B tuy đã lựa chọn được nhà đầu tư nhưng lại chưa giải phóng mặt bằng xong, chưa đầu tư kết cấu hạ tầng...

Xuất phát từ khó khăn trên, một số dự án do doanh nghiệp đầu tư đề xuất xin đầu tư ngoài các khu, cụm công nghiệp nhưng không có trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện. Trong khi, để có cơ sở thực hiện thủ tục đất đai, phải điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 cấp huyện. Thế nhưng, đến tháng 12/2023 trong quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1598, Sở KH-ĐT phối hợp với Sở TN-MT hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch tỉnh, phương án phân bổ khoanh vùng đất đai, mới đủ cơ sở triển khai điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện. Do vậy, việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện chưa kịp thời trong năm 2023 và làm ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư, triển khai dự án của các doanh nghiệp.

Cần một chiến lược cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để cung cấp cho các doanh nghiệp (Trong ảnh: Đào tạo nghề tại Trường cao đẳng KT-KT Bạc Liêu).

4 NĂM BỊ GIẢM ĐIỂM

Một chỉ số thành phần khác bị giảm điểm đặt ra nhiều vấn đề trong phát triển nguồn nhân lực chính là chỉ số đào tạo lao động. Năm 2023, chỉ số này được 4,90 điểm, giảm 0,02 điểm so với năm 2021 (được 4,92 điểm). Đáng quan tâm hơn cả đây là năm thứ 4 liên tiếp chỉ số thành phần này bị giảm điểm. Theo đó, chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục dạy nghề của tỉnh bị đánh giá giảm đáng kể so với năm 2022. Cụ thể giáo dục phổ thông tại tỉnh có chất lượng tốt chỉ ở mức 56% trong năm 2023, trong khi năm 2022 là 78% (giảm 22%); giáo dục dạy nghề tại tỉnh có chất lượng tốt ở mức 51% trong năm 2023, trong khi năm 2022 là 69% (giảm 18%), dẫn đến tỷ lệ lao động tại doanh nghiệp đã tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp giảm.

Tuy nhiên, ở một số chỉ tiêu có sự chuyển biến tích cực và được doanh nghiệp đánh giá cao hơn so với năm 2022 như: tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá việc tuyển dụng lao động phổ thông tại tỉnh là dễ dàng là 57%, trong khi năm 2022 chỉ 24% (tăng 33%); lao động tại địa phương đáp ứng hoàn toàn hoặc phần lớn nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp là 42%, trong khi năm 2022 chỉ 19% (tăng 23%); tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá việc tuyển dụng cán bộ kỹ thuật tại tỉnh là dễ dàng là 31%, trong khi năm 2022 chỉ 10% (tăng 23%)…

Một trong những vấn đề cần quan tâm hiện nay chính là giải quyết bài toán nâng cao chất lượng đào tạo và có giải pháp khắc phục ngay nạn “chảy máu” nguồn lực khi phần lớn lao động trẻ của tỉnh đều ly hương ở các khu, cụm công nghiệp ngoài tỉnh để mưu sinh. Như năm 2023, Bạc Liêu đã giải quyết việc làm cho hơn 23.000 lao động, nhưng số lao động được giải quyết việc làm trong tỉnh chỉ có khoảng 4.580 lao động và số lao động phải đi ngoài tỉnh kiếm sống có hơn 18.400 lao động. Mặt khác, các doanh nghiệp của tỉnh luôn kêu thiếu lao động và cả tác phong của người lao động cũng cần được trang bị nhiều hơn nữa. Đặc biệt là khi Bạc Liêu đang tích cực xây dựng tỉnh trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước thì vấn đề phát triển và cung cấp nguồn nhân lực càng phải được quan tâm thấu đáo.

Ngoài chỉ số đào tạo lao động bị giảm điểm thì chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự năm qua cũng giảm 1,11 điểm so với năm 2022. Đây là chỉ số thành phần có điểm số giảm nhiều nhất trong năm 2023 so với năm 2022. Nếu như sự giảm điểm của chỉ số này đúng như phản ánh thì điều đó đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có sự giảm nhẹ về sự tin tưởng vào khả năng bảo vệ của pháp luật đối với vấn đề bản quyền hoặc thực thi hợp đồng. Một số chỉ tiêu về an ninh trật tự có sự sụt giảm đáng kể như: 58% doanh nghiệp cho biết tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh là tốt trong khi năm 2022 là 91% (giảm 33%); 33% doanh nghiệp cho biết cơ quan công an sở tại xử lý vụ việc của doanh nghiệp hiệu quả trong khi năm 2022 là 94% (giảm 61%). Nếu đúng như vậy, thì điều này cho thấy doanh nghiệp phản ánh tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh chưa được tốt, vẫn còn tình trạng trộm cắp, đột nhập và tình trạng này có dấu hiệu tăng lên trong năm 2023. Cũng như, việc xử lý vụ việc của doanh nghiệp chưa mang lại hiệu quả…

LƯ DŨNG - AN CHI

 Lao động trong ngành Chế biến thủy sản luôn khan hiếm (một công ty chế biến xuất khẩu ở TX. Giá Rai treo thông báo tuyển lao động). Ảnh: L.D

-----------------------

Để nâng cao chỉ số PCI và đảm bảo tính khách quan, trung thực, công bằng và tất cả vì một Bạc Liêu phát triển, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phát huy vai trò là cầu nối giữa cơ quan nhà nước với nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Sở KH-ĐT, các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền các nội dung về chỉ số PCI như: Cách khảo sát, nội dung khảo sát đánh giá… để giải thích rõ ràng, cụ thể cho doanh nghiệp nắm để khi doanh nghiệp trả lời đảm bảo tính khách quan, chính xác và công tâm. Đồng thời, định kỳ hằng tháng tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư, gửi Sở KH-ĐT tổng hợp để phối hợp với các ngành xem xét, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tích cực tuyên truyền chỉ số PCI đến cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư…

-----------------------

Giám đốc Sở TN-MT - Nguyễn Bình Thuận: Xây dựng hoàn chỉnh thể chế, chính sách để khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

Để góp phần nâng cao chỉ số PCI nói chung và cải thiện, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Sở TN-MT sẽ tiến hành rà soát các TTHC đất đai theo Luật Đất đai 2024 và tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách TTHC. Đồng thời, tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của địa phương; hoàn thiện cơ chế, chính sách đất đai, hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đất đai theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức thực hiện lựa chọn, thuê đơn vị có chức năng tư vấn xác định giá đất cụ thể đối với các khu đất cần định giá; đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh, bổ sung Bảng giá các loại đất theo quy định Luật Đất đai 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tiếp tục tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức, lao động hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc nâng cao chỉ số PCI của tỉnh, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh. Cũng như, kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm xây dựng hoàn chỉnh thể chế, chính sách để khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, đổi mới, thực hiện nhiệm vụ vì lợi ích chung, vì người dân và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bởi có một thực trạng đáng lo hiện nay chính là lĩnh vực đất đai khá nhạy cảm, phức tạp, quy định pháp luật đất đai còn nhiều bất cập, vướng mắc nên quá trình thực hiện nhiệm vụ gặp rất nhiều rủi ro vi phạm pháp luật.

Song song đó, thường xuyên thanh tra, kiểm tra, nắm bắt dư luận để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Tăng cường bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho công chức, viên chức tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn doanh nghiệp. Tham mưu đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thẩm định, trình phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 cấp huyện theo đúng quy định pháp luật, trong đó lưu ý cập nhật các dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án; phối hợp với Sở KH-ĐT, Sở Công thương đẩy nhanh công tác lựa chọn nhà đầu tư xây dựng đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để doanh nghiệp thuê mặt bằng đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường nguồn lực để xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai, đầu tư bổ sung, duy trì kết nối, vận hành hệ thống thông tin đất đai trong nội bộ tỉnh để quản lý, khai thác, cập nhật cơ sở dữ liệu và kết nối, chia sẻ với các tổ chức phục vụ chính quyền điện tử, đô thị thông minh tại địa phương...

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH - Trần Yến Hòa:​ Đầu tư phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Thực hiện Nghị quyết, Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chương trình hành động của UBND tỉnh về nâng cao chỉ số PCI, Sở LĐ-TB&XH đã tích cực thực hiện các chỉ đạo này. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chưa tạo sự chuyển biến đồng bộ, tác động lẫn nhau, nên một số chỉ tiêu tiếp tục tụt điểm.

Nguyên nhân của yếu kém, hạn chế nêu trên là do chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh chưa đồng đều và một số ngành nghề đào tạo chưa thật sự đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Cũng như, số lượng cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh còn ít và việc tuyển sinh đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp còn khó khăn, chưa đạt chỉ tiêu đề ra.

Để khắc phục một số yếu kém, hạn chế nêu trên và góp phần cải thiện chỉ số PCI, Sở LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét đầu tư phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo cho các cơ sở GDNN, trọng tâm là các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu đào tạo lao động có tay nghề cao.

Cùng với đó là tham mưu, đề xuất với cấp thẩm quyền có cơ chế đủ mạnh để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư và hoạt động GDNN, trong đó chú trọng về quy hoạch sử dụng đất, giao hoặc cho thuê đất xây dựng cơ sở GDNN. Tạo điều kiện và cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận, tham gia đào tạo nghề cho các đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh.  

Bên cạnh đó, phối hợp với Sở GD-ĐT tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo, thực hiện tốt mục tiêu, chỉ tiêu về phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào hệ thống GDNN theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và phù hợp với tình hình, điều kiện của tỉnh. Từ đó, góp phần tạo nguồn lao động chất lượng cung ứng cho các doanh nghiệp, cũng như đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động. Hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở GDNN trong thực hiện liên kết, hợp tác với doanh nghiệp tổ chức đào tạo nghề, nhất là hình thức, phương pháp, trách nhiệm trong đào tạo nghề và đào tạo gắn với giải quyết việc làm cho người lao động…

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.