Nhìn lại môi trường đầu tư, kinh doanh từ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Thứ Sáu, 04/10/2024 | 16:51

>>> Bài 2: Doanh nghiệp “không đất dụng võ”

Bài cuối: Cần đánh giá lại môi trường đầu tư, kinh doanh

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bạc Liêu liên tiếp bị giảm điểm không chỉ phản ánh tiếng nói của cộng đồng các doanh nghiệp về môi trường đầu tư, kinh doanh ở Bạc Liêu, mà còn đặt ra nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững khi doanh nghiệp đóng vai trò là động lực.

Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức đối thoại và gỡ khó cho doanh nghiệp.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Bạc Liêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt từ 10 - 11%/năm. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, Bạc Liêu vẫn chưa thực hiện được chỉ tiêu này và đáng lo hơn cả là thứ hạng trong bảng xếp hạng về tăng trưởng kinh tế của Bạc Liêu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giảm đều theo các năm. Cụ thể năm 2021, tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng 5,05%, xếp thứ 1/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL; năm 2022 tăng 9,6%, xếp thứ 4/13 khu vực ĐBSCL; năm 2023 tăng 7,24%, xếp thứ 5/13 khu vực ĐBSCL. Bước lùi trong xếp hạng tăng trưởng này rất đáng quan tâm khi một số tỉnh đã vượt qua Bạc Liêu, vươn lên dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế. Điển hình như Hậu Giang đã tập hợp được nguồn lực và phát huy vai trò của doanh nghiệp cho tăng trưởng kinh tế để đứng đầu khu vực ĐBSCL và đứng thứ 2 cả nước về tăng trưởng kinh tế với GRDP năm 2023 tăng 12,27%. Một trong những bài học kinh nghiệm được tỉnh Hậu Giang rút ra chính là đẩy mạnh thu hút mời gọi đầu tư và phát triển doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp chính là động lực quan trọng quyết định trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế, tham gia giải quyết các vấn đề về lao động, việc làm và tạo thu nhập để tái đầu tư vào nền kinh tế.

Tăng cường đối thoại với doanh nghiệp - một trong những giải pháp góp phần nâng cao chỉ số PCI. (Trong ảnh: Ngành GT-VT trả lời kiến nghị của doanh nghiệp về tải trọng trong vận chuyển hàng hóa).

Thời gian qua, Bạc Liêu cũng tập trung ban hành nhiều giải pháp để phát triển doanh nghiệp, nhưng nhìn chung gặp nhiều khó khăn để hoàn thành mục tiêu thành lập mới 2.000 doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ. Tính đến nay, Bạc Liêu có khoảng 2.750 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đầu tư 36.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp xét theo mật độ dân số (số doanh nghiệp trên 1.000 người dân) Bạc Liêu xếp vào nhóm thấp nhất cả nước và xếp thứ 13/13 khu vực ĐBSCL. Trong 6 tháng năm 2024, có đến 255 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 64% so với cùng kỳ và kéo theo tình trạng thất nghiệp của nhiều lao động.

Thực tế cho thấy, Bạc Liêu gặp rất nhiều khó khăn trong huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển, do nằm xa các trung tâm kinh tế lớn, đặc biệt Bạc Liêu là tỉnh “4 không” về hạ tầng giao thông khi không có đường cao tốc, hàng không, đường sắt và cả cảng biển. Do vậy, trung tâm hành chính của tỉnh là TP. Bạc Liêu được ví như “ốc đảo” khi nằm ngoài các vùng giao thông trong liên kết vùng. Tất cả những bất lợi này đã làm cho sức hấp dẫn về thu hút đầu tư của tỉnh bị hạn chế. Để huy động thêm các nguồn lực khác đầu tư từ cộng đồng các doanh nghiệp, môi trường đầu tư, kinh doanh phải thật sự hấp dẫn và giải quyết cho được các “nút thắt” về các chỉ số thành phần mà các doanh nghiệp đã phản ánh.

Cần tích cực thực hiện chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ để giúp họ phát triển thành doanh nghiệp (các cơ sở OCOP của tỉnh tự quảng bá sản phẩm). Ảnh: L.D

YẾU VÀ THIẾU NGUỒN LỰC

Do thiếu sự đầu tư từ doanh nghiệp, nhiều thế mạnh kinh tế của tỉnh Bạc Liêu đã và đang chưa thể khai thác hoặc phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế vốn có. Đơn cử sản xuất nông nghiệp được xác định là “trụ đỡ” quan trọng hàng đầu của nền kinh tế tỉnh nhà. Thế nhưng, số doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản chỉ chiếm khoảng 1,3% so với các lĩnh vực kinh tế khác. Trong khi, lĩnh vực nông - lâm - thủy sản và công nghiệp chế biến vốn là những ngành kinh tế chủ yếu của tỉnh.

Với cơ cấu chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (có quy mô vốn dưới 50 tỷ đồng) chiếm tới 93% tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh, việc phát triển doanh nghiệp “đủ lớn, đủ mạnh”, có thể đảm đương và tham gia vào các dự án lớn thật sự trở thành vấn đề đáng quan tâm. Muốn vậy, giải pháp cần ưu tiên trong lãnh đạo, chỉ đạo hàng đầu hiện nay chính là tập trung thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Trong đó, vai trò hỗ trợ khởi nghiệp từ các ngành, địa phương là rất quan trọng. Trên thực tế, hằng năm tỉnh dành ngân sách 1,5 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng nhiều năm qua gần như không thể giải ngân được. Điều đó đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thể tiếp cận được chính sách hỗ trợ này.

Tuyến giao thông thủy Quản Lộ - Phụng Hiệp cần được tăng cường kết nối để góp phần mở ra nhiều cơ hội cho giao thương của Bạc Liêu trong liên kết vùng khi chưa có đường cao tốc.

Với thực trạng như hiện nay, cần lắm một hội nghị chuyên đề bàn về môi trường đầu tư, kinh doanh và ban hành các giải pháp để tháo gỡ điểm nghẽn. Nếu không, với vị trí về giao thông và hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém, Bạc Liêu sẽ khó thu hút thêm các nguồn lực mới cho tăng trưởng và mục tiêu GRDP đạt từ 10 - 11%/năm là khó khả thi. Cũng như, khó tạo nên những tiền đề, động lực để giúp Bạc Liêu phát triển nhanh và bứt phá bền vững trong tương lai.

LƯ DŨNG - AN CHI

Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều: Quyết liệt và phấn đấu đưa chỉ số PCI nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố vào năm 2025

Việc thực hiện các nhiệm vụ nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PCI của các cấp, các ngành trong tỉnh thời gian qua còn tồn tại nhiều yếu kém, bất cập.   Do vậy, chúng ta phải nỗ lực tìm và chỉ ra cho được “điểm nghẽn” trong quá trình phân công nhiệm vụ và tổ chức thực hiện trong việc nhận diện và tiếp cận vấn đề. Trên cơ sở đó, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thật sự cụ thể, trọng tâm, nhất là những cách tiếp cận mới, đột phá cần tập trung thực hiện để cải thiện và nâng dần thứ hạng chỉ số PCI của tỉnh ngay trong năm 2024 và những năm tiếp theo trên tinh thần quyết liệt và phấn đấu đưa chỉ số PCI này nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố vào năm 2025.

Về mặt giải pháp khắc phục, nâng cao điểm số và thứ hạng của chỉ số PCI, trước hết, các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt tối đa nhằm tạo sự chuyển biến căn bản, rõ nét cả về nhận thức lẫn về hành động, đồng thời triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thật sự cụ thể, trọng tâm, nhất là những cách tiếp cận mới, đột phá cần tập trung thực hiện để cải thiện và nâng dần thứ hạng chỉ số PCI của tỉnh ngay trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Thứ hai, tiếp tục tập trung thực hiện 7 giải pháp ngắn hạn, đó là: Tổ chức đối thoại hiệu quả với cộng đồng doanh nghiệp theo định kỳ hằng quý; đơn giản hóa, thúc đẩy cải cách hành chính toàn diện, tăng cường giải quyết thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến toàn trình; phát huy hiệu quả vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Nữ doanh nhân tỉnh, Hiệp hội Du lịch tỉnh; xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh đến cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến mời gọi đầu tư.

Đồng thời có 7 giải pháp dài hạn, gồm: Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp trên địa bàn; xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số mà trọng tâm là hệ thống quản lý đô thị thông minh tích hợp; tiếp tục triển khai xây dựng bộ tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương DCCI hằng năm; xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp; tập trung đào tạo lao động chất lượng đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp; xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư - thương mại có hiệu quả, thực chất; huy động các nguồn lực để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng.

Mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định rõ, giải pháp cũng đã đầy đủ, vấn đề là cách tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế. Trong đó, yếu tố cơ bản, quyết định nhất chính là sự nỗ lực, quyết tâm, đồng lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền, người dân và doanh nghiệp. 

Phó Chủ tịch UBND TP. Bạc Liêu - Lê Việt Xô: Thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp và nhà đầu tư

Là trung tâm kinh tế và hành chính của tỉnh nên việc huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển đóng vai trò rất quan trọng, vì vậy, TP. Bạc Liêu đã không ngừng tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của cấp trên và tình hình thực tế tại địa phương, UBND thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh, xây dựng thương hiệu, lưu thông hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao chất lượng xúc tiến đầu tư, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, thành phố luôn quan tâm và đảm bảo điều kiện để thực hiện đầy đủ những nhiệm vụ được giao như: Đơn giản hóa của các quy định về điều kiện kinh doanh; đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tiếp tục rà soát, đơn giản hóa và kiến nghị đơn giản hóa theo thẩm quyền các TTHC; thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp kích cầu đầu tư, phát triển doanh nghiệp, nhằm tạo chuyển biến vững chắc đối với các chỉ tiêu phát triển bền vững, nhất là tích cực hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo…

Để tiếp tục nâng cao chỉ số PCI trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục nghiêm túc thực hiện Kế hoạch 28 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và các văn bản chỉ đạo liên quan. Đồng thời, tiếp tục rà soát, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức về thái độ, trình độ, nhận thức và kỹ năng để đáp ứng nhu cầu công việc trong công tác hướng dẫn, xử lý hồ sơ cho doanh nghiệp gắn với xây dựng đạo đức, văn hóa công vụ. Tăng cường tiếp nhận, xử lý TTHC bằng công nghệ thông tin và khuyến khích doanh nghiệp thực hiện TTHC trực tuyến. Thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp và nhà đầu tư để nắm bắt kịp thời các tâm tư, nguyện vọng và tập trung thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh cùng thành phố tham gia trong lĩnh vực đầu tư công đảm bảo công khai, công bằng, minh bạch và hiệu quả.

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.