Phát triển kinh tế tư nhân: Cần những “cú hích” hiệu quả

Thứ Hai, 07/12/2020 | 16:51

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XVI đề ra nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh khá của khu vực và cả nước là phát triển kinh tế tư nhân. Đây được xem là nhiệm vụ góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Lao động nông thôn được giải quyết việc làm ở doanh nghiệp thu mua hải sản thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải).

PHẦN LỚN LÀ DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ SIÊU NHỎ

Thực tiễn trong những năm qua đã chứng minh, kinh tế tư nhân đã có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và tham gia giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội. Vì vậy, để khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển, từ năm 2018, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 112 về việc ban hành Kế hoạch hành động năm 2018 và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Trong đó, mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn này là có 1.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia thành lập doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ sản xuất - kinh doanh lên doanh nghiệp. Cũng như tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp hiện có phát triển về quy mô và nâng cao chất lượng sản phẩm, tính cạnh tranh…

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (500 doanh nghiệp/năm) vẫn chưa đạt theo kế hoạch đề ra. Cụ thể, năm 2018 có 345 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 7.508 tỷ đồng, tăng 27,8% về số doanh nghiệp và tăng hơn 3,8 lần về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; năm 2019 có 365 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 3.081 tỷ đồng, tăng 5,8% về số doanh nghiệp. Song, số vốn đăng ký lại giảm gần 2,4 lần  so với cùng kỳ năm trước. Riêng năm 2020 này, ước có khoảng 400 doanh nghiệp thành lập mới, với vốn đăng ký 3.963 tỷ đồng, tăng 9,5% về số doanh nghiệp và tăng 5,79% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Từ những con số cụ thể trên cho thấy, trong 3 năm qua phát triển doanh nghiệp có nhiều tiến triển so với giai đoạn 2015 - 2017 cả về số lượng doanh nghiệp đăng ký mới và vốn đăng ký, với khoảng 1.110 doanh nghiệp (tăng 42,16% doanh nghiệp) và vốn đăng ký khoảng 14.780 tỷ đồng (tăng 1,52 lần). Hiện toàn tỉnh có hơn 2.500 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký  31.160 tỷ đồng. Trong đó, phân theo loại hình doanh nghiệp thì doanh nghiệp tư nhân có 553 doanh nghiệp, với vốn đăng ký 836,439 tỷ đồng; công ty cổ phần có 197 doanh nghiệp, với vốn đăng ký hơn 17.332 tỷ đồng; công ty TNHH có 1.755 doanh nghiệp, với vốn đăng ký 12.991 tỷ đồng. Nếu phân theo cơ cấu vốn thì doanh nghiệp có vốn đăng ký từ trên 100 tỷ đồng chỉ có 62 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký 19.205 tỷ đồng; doanh nghiệp có vốn đăng ký từ 20 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng có 173 doanh nghiệp, với vốn đăng ký hơn 5.552 tỷ đồng; và vốn đăng ký nhỏ hơn 20 tỷ đồng có 2.270 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký trên 6.402 tỷ đồng. Qua thống kê, doanh nghiệp có vốn đăng ký cao nhất là 1.000 tỷ đồng và doanh nghiệp có vốn đăng ký thấp nhất là 20 triệu đồng.

Số thống kê tổng vốn đăng ký đã chỉ ra thực trạng, chiếm phần lớn các doanh nghiệp của tỉnh đều là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Do vậy, chưa đủ sức đảm đương những dự án lớn và chưa tạo ra sức cạnh tranh. Đây là vấn đề cần được quan tâm trong việc phát triển và huy động nguồn lực cho tăng trưởng mà doanh nghiệp tư nhân được xác định là động lực quan trọng.

Người dân mua bán lấn chiếm lòng đường chứ không vào Trung tâm thương mại Ngan Dừa (huyện Hồng Dân) mua bán theo quy định.

CẦN GỠ VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH

Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, sản xuất nông nghiệp vẫn là “trụ đỡ” của nền kinh tế. Vì vậy, việc huy động nguồn lực từ doanh nghiệp tư nhân đầu tư cho phát triển nông nghiệp - nông thôn được xác định là giải pháp quan trọng nhất.

Thế nhưng, thực tiễn trong nhiều nhiệm kỳ qua cho thấy, nông nghiệp - nông thôn của tỉnh phát triển vẫn còn chậm; nhiều tiềm năng, thế mạnh vẫn chưa được khai thác tốt mà nguyên nhân chính là chưa thu hút được doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào khu vực này. Cũng như ở khu vực nông thôn hiện nay, việc khuyến khích thành lập, phát triển doanh nghiệp mới vẫn còn gặp nhiều khó khăn và có những địa phương đến nay chỉ có vài doanh nghiệp mang tính đầu tàu.

Doanh nghiệp yếu và thiếu nên không giúp cho nông nghiệp - nông thôn tạo được sức bật mới. Điều này đã gây áp lực lớn cho ngân sách trong việc phải đảm đương đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ cho phát triển nông nghiệp - nông thôn, trong khi những công trình, dự án trên địa bàn hoàn toàn có thể dựa vào việc phát huy vai trò của doanh nghiệp. Đơn cử như qua 10 năm xây dựng nông thôn mới, Bạc Liêu đã đầu tư với tổng vốn hơn 12.000 tỷ đồng cho thực hiện các tiêu chí, nhưng nguồn vốn từ doanh nghiệp góp vào chỉ hơn 1.490 tỷ đồng. Sự đóng góp khá khiêm tốn này là do khu vực nông thôn chưa thu hút được doanh nghiệp vào đầu tư nên chưa tạo nguồn lực phục vụ cho phát triển.

Vậy tại sao doanh nghiệp ở khu vực nông thôn chậm phát triển và doanh nghiệp “chưa mặn” khi đầu tư vào khu vực này? Một trong những nguyên nhân cơ bản là môi trường kinh doanh chưa thật sự thuận lợi và chưa hấp dẫn doanh nghiệp. Cụ thể là hạ tầng giao thông ở nhiều địa phương của tỉnh hiện nay vẫn chưa tạo ra khả năng kết nối trong vận chuyển hàng hóa nên doanh nghiệp sau khi khảo sát và quyết định không đầu tư. Như ở huyện Hồng Dân hiện nay, ngoài tuyến giao thông thủy thì tuyến đường bộ gần như chưa đáp ứng để vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn.

Một nguyên nhân nữa là vướng về cơ chế, chính sách nên chưa tạo ra sự an tâm cho doanh nghiệp khi đầu tư vào khu vực nông thôn. Cụ thể, chính sách về đất đai vẫn còn gây khó cho doanh nghiệp, vì  quy hoạch ở nhiều địa phương hiện nay vẫn chưa ổn định, quy định về thời hạn sử dụng đất theo Luật Đất đai còn quá ngắn so với chu kỳ đầu tư và sinh lãi của doanh nghiệp. Trong khi đầu tư cho nông nghiệp là mang tính đặc thù chứ không phải cứ đầu tư là sinh lãi ngay, vì nông nghiệp cần thời gian. Như việc xây dựng mô hình liên kết chuỗi sản xuất cần rất nhiều thời gian từ khâu lập quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển nhà máy và xây dựng thị trường… Thêm vào đó, chính sách tín dụng tuy được ban hành nhiều, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được, nhất là khi doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp và phải thỏa các điều kiện thì gần như không thể thực hiện được.

Không thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn, nông dân tự tìm kiếm thương lái tiêu thụ hàng nông sản. Trong ảnh: Nông dân huyện Hòa Bình bán lúa cho thương lái. Ảnh: L.D

Một vấn đề khác, khi dự án đã được đầu tư và đưa vào khai thác thì thiếu sự quan tâm, hỗ trợ từ địa phương, điều này cũng làm cho nhiều doanh nghiệp chán nản và không dám đầu tư. Ông Ngô Xuân Pha, Chủ tịch HĐQT Công ty Ô tô Bảo Toàn, phản ánh: “Hưởng ứng kêu gọi của tỉnh Bạc Liêu về phát triển thương mại cho vùng nông thôn, công ty đã đầu tư gần 40 tỷ đồng để xây dựng Trung tâm thương mại thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân) và hàng tháng công ty phải chi cho bộ máy quản lý, vệ sinh môi trường, điện nước… gần 100 triệu đồng. Thế nhưng, nhiều hộ dân của địa phương lại không vào chợ mua bán mà tổ chức mua bán ngoài lòng lề đường gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường và không thể hiện được văn minh thương mại. Vấn đề này, đáng lẽ địa phương phải quan tâm hỗ trợ, nhưng đến nay tình trạng này vẫn tồn tại. Phải khẳng định rằng, sự đầu tư xây dựng trung tâm thương mại là kém hiệu quả mà nguyên nhân chính là thiếu sự hỗ trợ từ địa phương”.

Từ thực trạng trên cho thấy, công tác hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư không đơn thuần chỉ là hỗ trợ cấp phép, mà còn là hàng loạt các chính sách hỗ trợ khác để nhà đầu tư an tâm, trong đó vai trò quản lý trực tiếp ở các địa phương là rất quan trọng. Làm tốt việc này, không chỉ thể hiện sự đồng hành, mà còn tạo niềm tin, động lực để thu hút và phát triển thêm các dự án mới.

LƯ TRUNG

Ông Huỳnh Chí Nguyện, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư: Nhân rộng mô hình “cà phê doanh nhân” đến các huyện, thị xã, thành phố

Theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra, giai đoạn 2021 - 2025 Bạc Liêu phấn đấu thành lập mới 2.500 doanh nghiệp. Để hoàn thành chỉ tiêu này, Sở Kế hoạch - Đầu tư sẽ tập trung vào nhiều giải pháp sau:

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và đăng tải lên các phương tiện thông tin đại chúng về các chính sách, pháp luật của Nhà nước mới ban hành; các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư để nắm bắt kịp thời. Đồng thời, tiếp tục triển khai Nghị quyết số 02 và Nghị quyết số 35 của Chính phủ nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch…

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thực hiện tốt và nhân rộng mô hình “cà phê doanh nhân” đến các huyện, thị xã, thành phố và tiếp tục duy trì tổ chức các buổi đối thoại với doanh nghiệp. Đây là nơi để lãnh đạo các cấp gặp gỡ doanh nghiệp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và tiếp nhận phản ánh những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Qua đó, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về thủ tục hành chính, đất đai, vốn, quản trị doanh nghiệp, thuế... cũng như tập trung thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ.

Song song đó, vận hành tốt Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh liên thông thủ tục từ tỉnh xuống huyện, xã nhằm rút ngắn tối đa các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục trong lĩnh vực đầu tư, sản xuất - kinh doanh như: đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư, thủ tục thuế, đất đai, quy hoạch, cấp phép xây dựng, kết nối hạ tầng giao thông, điện, nước, cắt giảm các thủ tục chồng chéo, không cần thiết. Công bố, niêm yết công khai để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp cận, thực hiện thuận lợi, dễ dàng hơn.

Sở Kế hoạch - Đầu tư sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các cá nhân làm việc trực tiếp với nhà đầu tư, doanh nghiệp nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm, gây khó khăn, phiền hà, nhũng nhiễu doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Tập trung thực hiện quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường, nhất là về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh. Đặc biệt là tạo điều kiện hỗ trợ chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Ông Võ Đông Xuân, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh: Thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ khi thành lập mới doanh nghiệp

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh về phát triển và thành lập doanh nghiệp, ngành Thuế tỉnh đã chủ động tuyên truyền bằng nhiều giải pháp và đăng tải các chính sách thuế mới hoặc được sửa đổi, bổ sung lên Trang thông tin điện tử của Cục Thuế. Đồng thời soạn thảo các lợi ích mang lại khi nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp và hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp như: Nhà đầu tư được quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà pháp luật không cấm; được tiếp cận, sử dụng các nguồn vốn tín dụng, quỹ hỗ trợ, sử dụng đất đai và tài nguyên khác theo quy định của pháp luật; Được đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư; Tài sản hợp pháp của nhà đầu tư không bị quốc hữu hóa hoặc bị tịch thu bằng biện pháp hành chính; Được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; Được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định, nguyên liệu, vật tư, linh kiện để thực hiện dự án đầu tư; Miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất theo quy định.

Đối với hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp: Được tư vấn, hướng dẫn miễn phí về hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp; Miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu; Miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện; Miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng đăng ký doanh nghiệp lần đầu; Tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp; Miễn, giảm tiền sử dụng đất có thời hạn theo quy định của pháp luật về đất đai.

Ngoài những hỗ trợ ban đầu đối với hộ kinh doanh chuyển sang hoạt động loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, sau khi chính thức là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn được hưởng những chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

TÚ ANH (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.