Phát triển kinh tế từ những thế mạnh trụ cột

Thứ Hai, 05/12/2022 | 16:35

Bên cạnh thế mạnh là nông nghiệp mà mũi nhọn là thủy sản, Bạc Liêu gần đây còn được biết đến là vùng đất tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo. Để phát huy những tiềm năng, thế mạnh này, Bạc Liêu đã nhận được những ý kiến tâm huyết từ lãnh đạo Chính phủ và các chuyên gia kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Bạc Liêu. Ảnh: T.T

HÀI HÒA LỢI ÍCH GIỮA CÁC BÊN

Một thế mạnh kinh tế “mới nổỉ” của Bạc Liêu đang được các nhà đầu tư đánh giá rất cao - chính là nguồn năng lượng tái tạo từ gió. So với các địa phương khác của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Bạc Liêu được thiên nhiên ưu đãi với bờ biển dài 56km, có tốc độ bình quân gió trên 6,5m/s và ít bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ nên được đánh giá là địa phương giàu tiềm năng, lợi thế để phát triển mạnh các dự án điện từ năng lượng tái tạo. Với quyết tâm tăng trưởng nhanh, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh và nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, Đảng bộ và chính quyền các cấp đã xác định mục tiêu xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia.

Trong năm 2021, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sáng tạo, hiệu quả và quyết liệt của Đảng bộ tỉnh và chính quyền các cấp, đặc biệt trong giai đoạn ứng phó với đại dịch COVID-19, Bạc Liêu đã có 8 dự án điện gió đưa vào hoạt động cả trên biển lẫn trong đất liền với tổng công suất trên 469MW (đứng thứ 3 trên cả nước). Đây chính là bằng chứng thiết thực nhất về sự quyết liệt, cầu thị của các cấp chính quyền tỉnh Bạc Liêu với các nhà đầu tư.

Để phát huy tối đa tiềm năng này, tại chuyến khảo sát và làm việc của Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính với các doanh nghiệp điện gió vào ngày 4/12, Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều báo cáo với Thủ tướng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương xem xét, tạo điều kiện cho tỉnh sớm được bổ sung quy hoạch điện gió của tỉnh giai đoạn đến năm 2025 tổng cộng 2.000MW (gồm 500MW điện gió trên bờ và 1.500MW điện gió ngoài khơi. Về đầu tư lưới điện truyền tải, Bạc Liêu đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương xem xét, sớm phê duyệt quy hoạch đường dây truyền tải 500kV Bạc Liêu đi Thốt Nốt, Cần Thơ; đồng thời chấp thuận đưa dự án đầu tư đường dây truyền tải này vào danh mục các dự án đầu tư được phê duyệt trong quy hoạch điện VIII. Trường hợp khó khăn thì cho cơ chế đặc thù để doanh nghiệp đầu tư vốn xây dựng đường dây truyền tải và thu hồi vốn đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành... Trong khi đó, trao đổi với Thủ tướng, đại diện các nhà đầu tư cũng cho rằng giá điện tại Việt Nam cần phải cạnh tranh được với các nước để thu hút các nhà đầu tư.

Công ty Trúc Anh Bạc Liêu thu hoạch tôm công nghệ cao. Ảnh: L.D

Đồng tình với quan điểm này, song Thủ tướng yêu cầu phân tích về vấn đề điện, phải xem xét tổng thể cả 5 yếu tố gồm: Nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện và giá điện phải ở mức người dân chịu được.

Thủ tướng cho biết những năm qua, Việt Nam có cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời, nhưng giá không hợp lý, dẫn tới tình trạng “đua nhau làm” điện gió, điện mặt trời, ảnh hưởng tới cân đối cung cầu; có tình trạng mua giá điện mặt trời, điện gió với giá cao, trong khi giảm mua thủy điện với giá thấp. Do đó nhất thiết phải tìm giải pháp phù hợp, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nhà đầu tư, Nhà nước, người dân để hợp tác bền vững, hiệu quả.

Thủ tướng cũng giao Bộ Công thương nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về điện gió, điện mặt trời. Các bên liên quan đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ công nghệ, đào tạo nhân lực, hỗ trợ vốn, kêu gọi các nhà đầu tư, sản xuất thiết bị trong nước, phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư, địa phương nghiên cứu tổ chức mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn, “trên phát điện gió, kết hợp sản xuất hydrogen, phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản...”.

Công ty Cổ phần đầu tư Hacom Holdings xây dựng công trình điện gió tại huyện Hòa Bình. Ảnh: K.T

XÂY DỰNG TRUNG TÂM KINH TẾ THỦY SẢN

Với thế mạnh hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp, từ lâu Đảng bộ tỉnh đã xác định nông nghiệp chính là trụ đỡ của nền kinh tế. Trong đó, có 2 trong 5 trụ cột quan trọng được tập trung phát triển là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và kinh tế biển.

TS. Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược (Bộ NN&PTNT) cho rằng: Nói đến nông nghiệp Bạc Liêu phải nói về ngành Thủy sản, trọng tâm là nuôi tôm. Trong tình hình xâm nhập mặn ngày càng tăng và xu thế tiêu dùng trên thế giới hướng mạnh về thủy sản thì với sản lượng tôm nuôi chiếm 15% cả nước, Bạc Liêu đang đứng trước cơ hội trong cuộc đua để trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của quốc gia. Mục đích ấy phải đặt ra song hành với việc xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp đa dạng, hiệu quả và vững bền, con đường phát triển theo hướng sinh thái và áp dụng công nghệ cao là hướng đi rõ ràng.

Tuy nhiên, để hướng đến một nền nông nghiệp xanh, bền vững, nhiệm vụ trước tiên là xử lý được những tồn tại hiện nay trong sản xuất - kinh doanh đối với môi trường và tiếp theo là xây dựng được một nền tảng phát triển vững bền. Với ngành Thủy sản là mũi nhọn chính của nông nghiệp Bạc Liêu, trong xu thế diện tích nuôi tôm tăng, áp dụng ngày càng nhiều mô hình thâm canh với mức sử dụng thức ăn, hóa chất và thuốc ngày càng nhiều và mật độ nuôi cao nhưng hầu hết nước thải nuôi trồng thủy sản vẫn xả trực tiếp ra môi trường, thì nguy cơ tái diễn dịch bệnh như đã xảy ra giai đoạn 2013 - 2015 là mối nguy cho cả vùng ĐBSCL.

Một vấn đề đáng quan tâm khác: là một trong những tỉnh ở cuối nguồn và xa các trung tâm kinh tế lớn nên dù hệ thống giao thông trong tương lai có phát triển tốt như thế nào, thì tỉnh cũng không thể đuổi kịp phần lớn các địa phương khác ở ĐBSCL về lợi thế vận chuyển giao thông. Vì thế hàng hóa nông sản của Bạc Liêu phải lấy giá trị cao bù đắp cho khối lượng lớn. Trong xu thế an toàn thực phẩm và phòng chống biến đổi đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của mọi khách hàng thì muốn chiếm lĩnh những thị trường giá trị cao trong và ngoài nước, không thể không áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất thân thiện với môi trường, đảm bảo bao trùm và trách nhiệm về mặt xã hội. Trong cả thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi cần giảm tối thiểu hóa chất, tiết kiệm nước, áp dụng tối đa cơ giới hóa, tiết kiệm lao động…

Cũng theo các chuyên gia kinh tế, để xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm kinh tế thủy sản của vùng ĐBSCL, tỉnh cần tập trung vào khâu đột phá về tổ chức sản xuất, gắn kết cho được cả vai trò dẫn dắt về khoa học - công nghệ kết nối thị trường của các doanh nghiệp lớn với sinh kế và phúc lợi của đa số hộ nông dân quy mô nhỏ trong một hệ sinh thái gắn kết; hình thành các vùng chuyên canh hoàn chỉnh cả về cơ sở vật chất, dịch vụ, tiêu chuẩn và tổ chức gắn kết chặt chẽ với hệ thống nhà máy chế biến và chuỗi logistics. Đảm bảo cung cấp ổn định nguyên liệu chế biến đạt tiêu chuẩn và đảm bảo xuất xứ.

Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp đầu tư Nhà nước và Nhân dân để hình thành cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản hoàn chỉnh. Quản lý chặt nguồn nước ngầm, đảm bảo tái tạo nước, duy trì môi trường trong sạch. Việc xây dựng các công trình lớn để phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu cần gắn chặt với phát triển trồng và bảo vệ rừng, bảo vệ cảnh quan vùng ngập mặn. Từng bước chuyển từ đánh bắt sang nuôi trồng thủy sản cả ven bờ và trên biển, biến ngành Thủy sản thành ngành tạo ra nhiều việc làm và sinh kế cho đông đảo lao động trong tỉnh,  thay đổi tình hình di cư. Xây dựng hình ảnh và giá trị mới cho sản phẩm thủy sản về bảo vệ nguồn lợi tự nhiên, địa bàn đánh bắt và thích ứng với biến đổi khí hậu…

Với việc không ngừng phát huy tiềm năng và khát vọng phát triển, Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu sẽ tập trung hóa giải các nguy cơ trở thành thời cơ và tiếp tục chung sức, chung lòng vì một Bạc Liêu phát triển nhanh và bền vững.

KIM TRUNG

PGS-TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Bạc Liêu đã nhận diện đúng xu thế lớn của thời đại để “lật ngược tình thế”

Mười năm qua, Bạc Liêu đã tự đặt mình trong thế “động” của xu hướng tiến lên. Không có những lợi thế phát triển đặc biệt, Bạc Liêu đã nhận diện đúng hai xu thế lớn của thời đại để “lật ngược tình thế”: chọn điện gió và nuôi tôm công nghệ để bứt phá phát triển.

Mục tiêu của Bạc Liêu khi nhắm vào hai tọa độ đột phá đó là tận dụng công nghệ mới và hội nhập thị trường thế giới để định hình chân dung phát triển, xác định vị thế của tỉnh trong vùng, trước hết là tiểu vùng Bán đảo Cà Mau, tạo bước chuyển “đổi đời”, tạo niềm tin phát triển cho cả tỉnh.

Cho đến nay, Bạc Liêu đã gây dựng thành công hình ảnh một trung tâm năng lượng tái tạo và trung tâm tôm của vùng, đang nỗ lực xây dựng “thủ phủ tôm” với chuỗi sản xuất và cung ứng tôm có sức cạnh tranh toàn cầu. Đó là những cơ sở vững chắc để thực hiện thành công quá trình hiện đại hóa - đô thị hóa với mục tiêu xây dựng TP. Bạc Liêu thành trung tâm kết nối và lan tỏa phát triển tiểu vùng Bán đảo Cà Mau.

Một trong những thành tích đáng tuyên dương là trong 10 năm, Bạc Liêu đã xoay chuyển tình thế - “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể” và đã bước đầu thành công.

Thế và đà phát triển mới của Bạc Liêu đã được xác lập, tư duy chiến lược, cách tiếp cận phát triển mới, tạo lợi thế phát triển mới, đột phá công nghệ và định hướng hội nhập, cạnh tranh quốc tế được khẳng định. Đó là “vốn liếng” để bước vào chặng phát triển mới của Bạc Liêu. 

Quá khứ tạo nền tảng nhưng không phải là yếu tố quyết định thành công của tương lai. Bạc Liêu tin vào tương lai và hiểu chân lý đó. Vì vậy, nhìn vào tương lai, có hai điểm then chốt Bạc Liêu phải xác định rõ.

Một là kiên định tư duy chiến lược và cách tiếp cận phát triển mới nhưng với một tầm - thế cao hơn.

Hai là đối mặt với thách thức, nhận diện rõ các cơ hội mới để xây dựng lòng tin và có những điều chỉnh chiến lược phù hợp.

Bạc Liêu vẫn còn dư địa để phát triển điện gió. Thuật ngữ “vươn khơi” giờ đây được áp dụng cho xu thế phát triển điện gió ở Bạc Liêu là đặc biệt thích hợp. Đây sẽ là tạo độ thu hút đầu tư lớn, tạo nhiều GRDP và ngân sách cho tỉnh, góp phần tăng cường thực lực và thế lực quốc gia với tư cách là một “người chơi lớn” trên bản đồ năng lượng toàn cầu hiện đại.

Bạc Liêu vẫn phải tiếp tục hành trình hoàn chỉnh chuỗi sản xuất tôm Việt Nam dựa trên nền tảng công nghệ cao, có trung tâm nghiên cứu tôm đẳng cấp thế giới. Chuỗi tôm phát triển sẽ giúp Bạc Liêu đổi đời toàn diện, tạo nhiều việc làm và thu nhập cho người dân, tạo nền tảng kinh tế phát triển đô thị Bạc Liêu thành đô thị trung tâm của tiểu vùng.

Tuy nhiên, xu thế nước biển dâng, với dự báo phần lớn diện tích Bạc Liêu sẽ bị ngập mặn sâu, đặt tỉnh trước những thách thức thay đổi. Cấu trúc kinh tế - xã hội sẽ có những chuyển dịch mạnh mẽ. Nhưng điều đó cũng sẽ mang lại những cơ hội phát triển mới to lớn. Có lẽ các nhà đầu tư, với sự nhạy cảm tinh tường, sẽ không dễ dàng bỏ qua những cơ hội đó.

Chân dung của Bạc Liêu đã được định hình. Bạc Liêu đang trong thế trỗi dậy cùng với cả vùng ĐBSCL nghĩa khí. Bạc Liêu có khát vọng. Bạc Liêu có những nhiệm vụ và dự án phát triển tương lai đủ để thách thức tài năng và sức mạnh của các nhà đầu tư. Song, Bạc Liêu cần thêm các nhà đầu tư đến - những nhà đầu tư có tâm và có tầm, biết nhìn xa trông rộng, biết chia sẻ để cùng Bạc Liêu tiến lên phía trước.

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.