Tăng cường quản lý giá sau Tết
Sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, đời sống sinh hoạt, nhu cầu mua sắm của người dân đã trở lại bình thường. Thị trường tiêu dùng tương đối ổn định, chỉ có một vài loại thực phẩm tươi sống tăng nhẹ so với trước đó.
Nhằm ổn định thị trường, tránh tình trạng mất cân đối cung - cầu hàng hóa, từ trước và trong Tết, các cơ quan chức năng đã thành lập nhiều đoàn nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm những trường hợp đầu cơ găm hàng và vi phạm về buôn bán hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng... Qua đó, góp phần ổn định thị trường, không xảy ra trình trạng khan hàng, tăng giá đột biến.
Sau Tết, giá các mặt hàng hải sản khá cao do nhu cầu sử dụng nhiều. Ảnh: T.Q
Năm nay, ngay từ mồng 1 - 3 Tết vẫn có nhiều cửa hàng, siêu thị, chợ, dịch vụ ăn uống hoạt động xuyên Tết. Giá một số mặt hàng có tính chất đặc trưng trong dịp Tết như: thịt heo, gia cầm, khô các loại, bia… tăng ở mức 10 - 15%. Các dịch vụ ăn uống, giữ xe trong những ngày Tết tăng phụ thu từ 5.000 - 15.000 đồng. Riêng đêm Giao thừa, giá giữ xe, ăn uống xung quanh khu vực Quảng trường Hùng Vương tăng khá cao. Từ mồng 5 Tết, sức mua dần ổn định, giá cả nhiều mặt hàng đã “hạ nhiệt”.
Để kích cầu ngay trong những ngày đầu Xuân mới, hàng loạt siêu thị, cửa hàng tổ chức khuyến mại, lì xì đầu năm. Đồng thời, duy trì tốt các chính sách bình ổn giá đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt gà, thịt heo, thực phẩm chế biến… nên thu hút khá đông khách.
Sau Tết cũng là thời điểm của các lễ hội diễn ra, do đó nhu cầu đi lại, tiêu dùng thực phẩm, ăn uống… có xu hướng tăng nên giá cả có thể “vin cớ” tăng theo. Để tiếp tục bình ổn thị trường, các ngành chức năng cần tăng cường quản lý, điều hành giá; theo dõi sát diễn biến cung - cầu thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; thực hiện kiểm soát chặt chẽ và bình ổn giá đối với các dịch vụ vui chơi - giải trí... Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình tăng giá bất hợp lý, gây phiền hà cho người dân, nhất là du khách.
THÙY LÂM