Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 - 2020: Cuộc bứt phá ấn tượng

Thứ Hai, 12/10/2020 | 15:58

Phải khẳng định rằng, một trong những kết quả quan trọng góp phần xây dựng hình ảnh về một Bạc Liêu năng động, bứt phá chính là những con số ấn tượng trong thực hiện tăng trưởng kinh tế. Từ ở vị trí cuối bảng xếp hạng của khu vực ĐBSCL, Bạc Liêu đã nhảy vào tốp 2 của khu vực và giữ được tốc độ tăng trưởng dương trong điều kiện phải đương đầu với dịch COVID-19 vào cuối nhiệm kỳ.

Xây dựng công trình góp phần phát triển hạ tầng tại TP.Bạc Liêu. Ảnh: K.T

ĐIỂM SÁNG CỦA KHU VỰC ĐBSCL

Nhìn lại tốc độ tăng trưởng kinh tế trong những năm qua, Bạc Liêu luôn tăng trưởng ở mức cao và theo hướng năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt là giai đoạn từ năm 2018 cho đến nay đã trở thành điểm sáng của khu vực ĐBSCL và cả nước về tăng trưởng.

Nếu tính bình quân về tốc độ tăng trưởng kinh tế cho giai đoạn 2016 - 2020 thì Bạc Liêu đạt hơn 7%/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra (Nghị quyết là 6,5 - 7%/năm) và Bạc Liêu được xếp vào nhóm các tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao của khu vực ĐBSCL. Trong đó có những chỉ tiêu khá ấn tượng như: GRDP bình quân đầu người đạt 58,43 triệu đồng/năm, tăng hơn 1,8 lần so với năm 2015, đứng thứ 5/13 tỉnh, thành của khu vực ĐBSL; tốc độ tăng trưởng kinh tế xếp thứ 2/13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL; GRDP bình quân đầu người xếp thứ 4/13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL; tổng vốn đầu tư toàn xã hội/GRDP xếp thứ 5/13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL; sản lượng thủy sản (tôm) xếp thứ 2/13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL… Đặc biệt là tỷ lệ hộ nghèo xếp thứ 2/13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL.

Từ những con số cụ thể cho thấy, trong điều kiện quy mô và nguồn lực của nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Bạc Liêu đã đạt được những kết quả quan trọng nêu trên, thể hiện rõ sự nỗ lực, quyết tâm và trí tuệ của toàn Đảng bộ. Đó là khát vọng vươn lên, không ngừng năng động, sáng tạo, biết huy động, tập hợp nhiều nguồn lực đầu tư cho tăng trưởng, hóa giải các nguy cơ trở thành thời cơ và khơi dậy được sự chung sức, chung lòng của toàn Đảng bộ, tất cả vì một Bạc Liêu phát triển nhanh, bền vững. Đây là những thành tích đáng tự hào và tạo nên những tiền đề, động lực quan trọng cho giai đoạn tiếp theo.

Xuất khẩu thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của Bạc Liêu (chế biến tôm tại Công ty Tân Phong Phú, huyện Hòa Bình).

QUYẾT LIỆT TRONG LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO

Một trong những bài học cho thành công ấy chính là sự quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các ngành, địa phương đã làm tốt công tác phối - kết hợp và ban hành kịp thời các giải pháp. Trong đó, UBND tỉnh đã chủ động xây dựng các kịch bản tăng trưởng gắn với khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và tận dụng, tranh thủ tốt các nguồn nội, ngoại lực cho tăng trưởng, cũng như dám quyết đoán, dám đột phá và dám chịu trách nhiệm trong việc ban hành các chính sách, chương trình và các kế hoạch phục vụ cho tăng trưởng. Đặc biệt là phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và lấy nêu gương làm sức mạnh lan tỏa.

Những giải pháp đồng bộ, mạnh dạn và hiệu quả ấy đã làm cho môi trường đầu tư được cải hiện, hình ảnh về một Bạc Liêu bị xếp vào “vùng trũng” đã không còn, mà thay vào đó là một địa phương có nền kinh tế năng động với quyết tâm xây dựng thành các trung tâm của vùng và cả quốc gia về sản xuất tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trung tâm năng sạch và năng lượng tái tạo…

Điều đó được cụ thể hóa bằng việc Bạc Liêu đã và đang thu hút nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong, ngoài nước đến đầu tư xây dựng các dự án động lực trong nhiều lĩnh vực như:  Công ty TNHH Delta Offshore Energy Pte, Vingroup, FLC, CT Group, Central Group...

Khởi công Dự án Nhà máy Điện gió Kosy Bạc Liêu tại huyện Hòa Bình.

Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, có một thực tế phải thừa nhận rằng, nền kinh tế của tỉnh vẫn còn đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là kết cấu hạ tầng kinh tế chưa được đầu tư đồng bộ, khả năng kết nối của hệ thống giao thông còn chậm, nhất là các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và chưa tạo ra liên kết với các tỉnh, thành của khu vực ĐBSCL.

Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu nền kinh tế tuy được thực hiện quyết liệt theo hướng 5 trụ cột, nhưng do các dự án động lực đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và đang thi công, nên hiện tại chưa tạo được sự thay đổi về tỷ trọng và sức cạnh tranh cho nền kinh tế, cũng như chưa tạo ra những nguồn thu lớn để đầu tư cho phát triển và tạo tích lũy cho nền kinh tế… Song, với quyết tâm đưa tỉnh Bạc Liêu phát triển nhanh và chủ động đứng vào tốp phát triển của cả nước, GRDP/người xếp vào nhóm cao của vùng, trung bình khá của cả nước; quy mô kinh tế đến năm 2025 tăng từ 2 - 2,5 lần so với năm 2020, Đảng bộ và Nhân dân Bạc Liêu sẽ tiếp tục nỗ lực thi đua lao động, sáng tạo và quyết tâm hoàn thành các mục tiêu quan trọng trên.

KIM TRUNG

Thực hiện nhiệm vụ chiến lược từ nay đến năm 2025:​ Sẽ huy động tối đa các nguồn lực

Để góp phần vào sự tăng trưởng chung của tỉnh, các địa phương đã thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu đã được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.

* Ông Bùi Tấn Bảy - Bí thư Thị ủy Giá Rai: Huy động nhiều nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng đô thị

Một trong những mục tiêu được nêu trong văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI là: Xây dựng TX. Giá Rai đạt đô thị loại III và trở thành thành phố vào năm 2025.

Thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, Đảng bộ TX. Giá Rai sẽ tổ chức quy hoạch mở rộng không gian đô thị trên cơ sở quy hoạch chung thị xã trở thành đô thị loại III, quy hoạch 4 xã thành phường gồm: xã Tân Thạnh, Tân Phong, Phong Thạnh và Phong Thạnh Tây. Đồng thời, mở rộng đô thị 3 phường theo hướng xây dựng mới, nâng cấp các tuyến đường trong nội ô đô thị, nhất là tập trung phát triển các tuyến đường vành đai Giá Rai - Hộ Phòng, tuyến đường tránh Hộ Phòng, tuyến Rạch Rắn - cầu Trần Văn Sớm - Phong Thạnh…; hình thành các nhà máy sản xuất chế biến thủy sản, chế biến nông sản, phát triển dịch vụ - thương mại, khu dân cư… Bên cạnh đó, tranh thủ Trung ương, tỉnh xây dựng tuyến đường tránh Nhà thờ Tắc Sậy, nối liền tuyến tránh Hộ Phòng đến cầu Sư Son; tập trung xây dựng các tuyến đấu nối Quốc lộ 1A với tuyến vành đai Giá Rai - Hộ Phòng.

Trong thực hiện quy hoạch chung để trở thành đô thị loại III, TX. Giá Rai sẽ tập trung huy động các nguồn lực xây dựng thị xã trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, hành chính, giáo dục - đào tạo, du lịch, dịch vụ, đầu mối giao thông liên tỉnh. Xây dựng các khu dân cư tập trung nhằm tăng mật độ dân số khu vực nội thị từ 6.000 người/km2 trở lên. Tăng cường mời gọi thu hút đầu tư công nghiệp - thương mại - dịch vụ, giải quyết việc làm, tăng tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thị tối thiểu đạt 75% so với tổng số lao động. Đầu tư xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng đô thị: trong khu vực nội thành 100% các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải được áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường; khu vực ngoại thành hạn chế việc phát triển các dự án gây ô nhiễm môi trường; mạng lưới công trình hạ tầng tại các điểm dân cư nông thôn cơ bản được đầu tư xây dựng; bảo vệ những khu vực đất đai thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, vùng xanh phục vụ đô thị và các vùng cảnh quan sinh thái.

Đặc biệt, TX. Giá Rai sẽ đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường (trục ngang kết nối Quản lộ Phụng Hiệp) như: tuyến Giá Rai - Cạnh Đền, Hộ Phòng - Gành Hào, Hộ Phòng - Chủ Chí, Láng Trâm - Ngã Năm, Khúc Tréo - Tân Lộc, Láng Tròn - Vĩnh Phú Tây... đáp ứng nhu cầu giao thông, liên kết phát triển giao thương hàng hóa giữa các tỉnh lân cận: Cà Mau - Kiên Giang - Bạc Liêu và khu kinh tế biển Gành Hào. Tạo bước đột phá mới làm thay đổi diện mạo đô thị, gắn kết với tầm nhìn mở rộng không gian đô thị, hoàn thành những trục chính trong nội ô như Cầu Trần Văn Sớm, Ngã ba Phong Thạnh, vòng xoay Rạch Rắn, vành đai Giá Rai - Hộ Phòng, đầu tư xây dựng trục đấu nối Quốc lộ 1A - vành đai Giá Rai - Hộ Phòng... Tranh thủ Trung ương, tỉnh đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống tuyến giao thông trục giữa liên xã Phong Thạnh Đông, Phong Tân, Phong Thạnh, Phong Thạnh Tây, Tân Thạnh. Xây dựng các công trình cấp bách ứng phó với biến đổi khí hậu, triều cường, nước biển dâng gắn với chỉnh trang đô thị bằng hệ thống kè đoạn Xóm Lung - Giá Rai, cầu Giá Rai - Hộ Phòng…

* Ông Nguyễn Chí Thiện - Bí thư Huyện ủy Phước Long: Xây dựng huyện trở thành trung tâm phát triển vùng phía Bắc Quốc lộ 1A

Nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XVI đề ra là: Xây dựng huyện Phước Long trở thành trung tâm phát triển kinh tế - xã hội của vùng phía Bắc Quốc lộ 1A; Đảng bộ huyện Phước Long xem đây là niềm tự hào và chính là khâu đột phá.

Để hoàn thành khâu đột phá này, huyện sẽ đẩy mạnh công tác thi đua và vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân trên địa bàn trong việc tham gia thực hiện xây dựng Phước Long trở thành trung tâm phát triển kinh tế - xã hội vùng phía Bắc Quốc lộ 1A. Đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư để mời gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, kể cả nước ngoài đầu tư phát triển cụm công nghiệp, các siêu thị, đầu tư khai thác du lịch, khu vui chơi giải trí, xây dựng các khu dân cư mới. Phát động thực hiện phong trào thi đua phát triển sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, vận động từng gia đình đến các công sở thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, tăng cường và đổi mới công tác quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với công tác xây dựng Phước Long trở thành trung tâm phát triển vùng phía Bắc Quốc lộ 1A. Tạo sự gắn kết trách nhiệm của lực lượng chức năng, chuyên ngành với cả hệ thống chính trị, giữa Nhà nước với Nhân dân, giữa huyện với cơ sở trong công tác phát triển kinh tế nhằm mang lại hiệu quả cao.

Cùng với đó là tích cực tranh thủ sự chỉ đạo và hỗ trợ nguồn lực đầu tư của Trung ương, của tỉnh. Ưu tiên các nguồn tài chính từ ngân sách, tín dụng cho những chương trình, dự án và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Tăng cường huy động vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, vốn đầu tư nước ngoài và Nhân dân. Tiếp tục khai thác một cách hợp lý, hiệu quả quỹ đất, quỹ nhà, công sản để tạo nguồn lực đầu tư phát triển. Cũng như quan tâm công tác đào tạo nâng cao trình độ, năng lực, hiệu quả hoạt động và sự tâm huyết của đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cách ứng xử văn hóa, văn minh trong giao tiếp và đáp ứng yêu cầu phát triển…

* Ông Trần Thanh Mến -  Bí thư Huyện ủy Đông Hải: Quyết tâm xây dựng Đông Hải trở thành huyện trọng điểm về kinh tế biển

Một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra là phát triển kinh tế biển. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này và khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Đông Hải quyết tâm xây dựng  thành huyện trọng điểm về kinh tế biển theo Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy. Theo đó, huyện sẽ tích cực và quyết liệt thực hiện có hiệu quả các giải pháp nêu trong Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy về “xây dựng huyện Đông Hải trở thành huyện trọng điểm về kinh tế biển, phấn đấu từng bước đạt các tiêu chí nâng lên thị xã”; Nghị quyết số 13-NQ/TU của Tỉnh ủy về “phát triển kinh tế biển Bạc Liêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. 

Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ các công trình, dự án trên địa bàn để tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh cùng với nguồn vốn của địa phương để triển khai thực hiện, nhất là những công trình, dự án trọng điểm có tác động tích cực, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Tăng cường công tác đối ngoại, vận dụng các cơ chế, chính sách thu hút tối đa mọi nguồn lực đầu tư. Tiếp tục khuyến khích Nhân dân tham gia đầu tư phát triển hạ tầng với phương thức “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng tỉnh đẩy mạnh xúc tiến quảng bá tiềm năng, thế mạnh của huyện để mời gọi đầu tư, nhất là đầu tư khai thác lợi thế về kinh tế biển; phát triển đội tàu công suất lớn với thiết bị hiện đại có khả năng đánh bắt xa bờ, dài ngày trên biển; nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao; xây dựng khu đô thị mới Gành Hào và các cụm dân cư ven tuyến biển, Khu du lịch văn hóa Lăng Ông Gành Hào; phát triển các cơ sở đóng, sửa chữa tàu biển, kho tàng, bến bãi, nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, dịch vụ hậu cần nghề cá..., trọng tâm là dọc theo tuyến đường Gành Hào - Hộ Phòng. Tích cực phối hợp với ngành chức năng tỉnh đầu tư hoàn thành dự án nâng cấp, mở rộng Cảng cá Gành Hào đạt chuẩn loại I; tạo điều kiện cho chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Điện gió Đông Hải 1, triển khai dự án Điện gió Đông Hải 2, điện năng lượng mặt trời và các dự án điện trên địa bàn đã được Chính phủ phê duyệt.

Song song đó, nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công; tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các quy định về chế độ công vụ, văn hóa công sở; chú trọng kiểm tra, chấn chỉnh, tạo chuyển biến rõ nét về kỷ luật, kỷ cương hành chính và tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong huyện. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, rút ngắn thời gian đúng hướng dẫn của cấp trên, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

TÚ ANH (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.