Tập trung nguồn lực đầu tư cho ĐBSCL cất cánh

Thứ Hai, 07/04/2025 | 15:21

Báo cáo kinh tế thường niên vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2024 được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố vừa qua đã phản ánh thực trạng về một bức tranh kinh tế của đồng bằng với hàng loạt các thách thức và đề xuất nhiều giải pháp cho phát triển bền vững. Đây không chỉ là “cẩm nang” khoa học được nghiên cứu công phu để các nhà quản lý, doanh nghiệp tham khảo trong hoạch định chính sách, mà còn gợi lên nhiều vấn đề cho các tỉnh khu vực ĐBSCL nhìn lại chính mình trong giải quyết bài toán tăng trưởng gắn với khai thác, phát huy đúng các tiềm năng, lợi thế cùng những nguy cơ lạc hậu và chủ động tránh “đi sau”.

Chế biến thủy sản - thế mạnh kinh tế hàng đầu của khu vực ĐBSCL.

VÒNG XOÁY ĐI XUỐNG?!

Có thể khẳng định, Báo cáo kinh tế thường niên vùng ĐBSCL năm 2024 với chủ đề trọng tâm “Huy động đầu tư cho phát triển bền vững” đã vẽ lên một bức tranh toàn diện về thực trạng kinh tế vĩ mô, cùng những cơ hội, thách thức trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nhằm tạo động lực tăng trưởng bền vững cho ĐBSCL. Trong đó, “nút thắt đầu tư” chính là thách thức lớn nhất đối với kinh tế ĐBSCL. Bởi thiếu hụt đầu tư đã trở thành một trong những nguyên nhân cốt lõi dẫn đến “vòng xoáy đi xuống” của nền kinh tế ĐBSCL trong nhiều năm qua. ĐBSCL tuy được coi là vùng sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu chủ lực với đóng góp hơn 50% vào thặng dư thương mại của Việt Nam, nhưng khu vực này lại có tỷ lệ vốn đầu tư rất thấp. Nếu tính theo bình quân đầu người so sánh trong 6 vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam, thì ĐBSCL đứng thứ 3 về vốn ODA, thứ 4 về đầu tư công, thứ 5 về FDI và thứ 6 về đầu tư tư nhân trong nước. Hệ quả của việc thiếu đầu tư này chính là cơ sở hạ tầng yếu kém, cơ hội việc làm suy giảm, năng suất lao động trì trệ và sức cạnh tranh suy yếu. Cụ thể trong giai đoạn 2021 - 2023, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ở ĐBSCL chỉ chiếm 11,2% của cả nước, giảm từ mức 13,2% trong giai đoạn 2011 - 2016, thấp hơn tỷ lệ đóng góp của ĐBSCL vào GDP cả nước. Mặt khác, đầu tư ở khu vực kinh tế tư nhân được xác định là động lực tăng trưởng quan trọng nhất nhưng lại tăng trưởng rất chậm. Hệ quả là trong 10 năm qua, tỷ trọng vốn đầu tư tư nhân vào ĐBSCL giảm từ 14,9% của cả nước xuống chỉ còn 12,4%. Đáng chú ý, FDI vào ĐBSCL trong năm 2023 chỉ chiếm 2% tổng vốn FDI cả nước và phần lớn chỉ tập trung ở Long An, trong khi các tỉnh còn lại gần như vắng bóng nhà đầu tư nước ngoài.

Sản xuất lúa gạo là mũi nhọn kinh tế của khu vực ĐBSCL.

Cùng với đó, khu vực ĐBSCL còn đứng trước hàng loạt các rào cản đối với việc huy động đầu tư vào khu vực này. Đặc biệt, có đến bốn nhóm rào cản chính đang kìm hãm dòng vốn đầu tư vào ĐBSCL. Thứ nhất là hạ tầng giao thông và logistics yếu kém mà cụ thể là khu vực ĐBSCL thiếu kết nối với các trung tâm kinh tế lớn như TP. Hồ Chí Minh, chi phí vận tải cao và chuỗi cung ứng chưa đồng bộ. Trong đó, có những tỉnh gần như bị tách biệt hoàn toàn với các thành phố và trung tâm kinh tế lớn mà Bạc Liêu là một điển hình. Thứ hai là thiếu hụt lao động có tay nghề và khu vực ĐBSCL là vùng có tỷ lệ di dân cao nhất, cũng như tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp nhất cả nước, trong khi nhu cầu nhân lực chất lượng cao ngày càng tăng. Bạc Liêu cũng được xếp vào tỉnh có tỷ lệ di dân cao nhất. Năm 2024, Bạc Liêu đã giải quyết việc làm cho hơn 23.100 người, nhưng số lao động được giải quyết việc làm trong tỉnh chỉ có khoảng 5.000 người, còn lại phải tha phương cầu thực ngoài tỉnh hơn 18.000 người. Thứ ba là rủi ro từ biến đổi khí hậu, nhất là thực trạng hạn hán, xâm nhập mặn, sụt lún đất và nước biển dâng đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng, làm giảm sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Và cuối cùng là môi trường đầu tư, kinh doanh chưa đủ thuận lợi. Trong đó, chính sách thu hút đầu tư thiếu hấp dẫn, quy trình hành chính phức tạp, khó tiếp cận đất đai và tài chính…

Hệ thống giao thông khu vực ĐBSCL tuy được tăng cường đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển. Ảnh: K.T

CẦN ƯU TIÊN CHO BỐN NHÓM GIẢI PHÁP

Theo VCCI, nhằm giải quyết các khó khăn này, khu vực ĐBSCL nói chung và các tỉnh nói riêng cần nghiên cứu, tập trung và ưu tiên vào bốn nhóm giải pháp then chốt để tháo gỡ nút thắt đầu tư và thúc đẩy phát triển bền vững cho ĐBSCL. Trong đó, các chính sách cần tập trung vào xác định chính xác ưu tiên đầu tư,  nâng cao hiệu quả đầu tư và  mở rộng nguồn lực tài chính từ cả khu vực công và tư nhân, đặc biệt đầu tư công hiệu lực và hiệu quả là điều kiện then chốt để thu hút đầu tư tư nhân vào ĐBSCL.

Cùng với đó, đưa chuyển đổi số thành trọng tâm của chiến lược đầu tư và phát triển với ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng viễn thông và Internet tốc độ cao làm tiền đề cho chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Điều này sẽ giúp tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao năng suất của cả khu vực công và tư trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư eo hẹp. Đồng thời, tăng sức hấp dẫn của ĐBSCL đối với các nhà đầu tư thâm dụng công nghệ.

Song song đó, cần tái cơ cấu phân bổ đầu tư công theo hướng ưu tiên hạ tầng giao thông và viễn thông, logistics và chuyển đổi số. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án trọng điểm về giao thông như: cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và hệ thống logistics nông sản.

Mặt khác, phải tạo ra môi trường thuận lợi thu hút đầu tư tư nhân và FDI thông qua quyết tâm cải thiện thủ tục hành chính, minh bạch hóa quy trình cấp phép và cải thiện khả năng tiếp cận đất đai cho các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến sâu và năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, phải phát triển mô hình hợp tác công - tư (PPP) bằng việc huy động vốn tư nhân tham gia vào các dự án hạ tầng quan trọng, đặc biệt là giao thông và logistics. Cũng như, phát động các phong trào thi đua xây dựng mô hình nông thôn sinh thái và đô thị xanh để nâng cao chất lượng sống, thu hút nhân tài về ĐBSCL.

KIM TRUNG

Với quyết tâm đảo ngược xu hướng suy giảm kinh tế, khu vực ĐBSCL và các tỉnh cần một chiến lược huy động nguồn lực đầu tư toàn diện và dài hạn, với sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Chỉ khi thu hút được dòng vốn đầu tư bền vững, khu vực này mới có thể tận dụng được tiềm năng kinh tế to lớn của mình, nâng cao năng suất lao động và đảm bảo sinh kế cho 18 triệu dân vùng đồng bằng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Huỳnh Chí Nguyện: Cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu

Phát triển kinh tế ở khu vực ĐBSCL và tỉnh Bạc Liêu trong thời gian qua tuy đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng nhìn trên tổng thể vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện. Đó là hiện tại chưa có cơ chế đặc thù thu hút đầu tư vào vùng ĐBSCL để thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng phát triển nhanh và bền vững. Đặc biệt, hệ thống cảng biển, cảng sông có quy mô nhỏ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Đối với tỉnh Bạc Liêu, không có cảng hàng không, cảng biển và hệ thống đường cao tốc trong khu vực ĐBSCL đi qua, chỉ có đi qua phần giáp ranh của tỉnh Bạc Liêu với chiều dài khoảng 7km và Bạc Liêu là tỉnh duy nhất của phía Nam không có đường cao tốc đi qua khu vực trung tâm tỉnh. Với vị trí địa lý ấy, tỉnh Bạc Liêu không thuận lợi để thu hút đầu tư.

Bên cạnh đó, Bạc Liêu và các địa phương trong vùng ĐBSCL chưa xây dựng được chuỗi cung ứng hàng hóa, liên kết thị trường giữa các địa phương theo ngành hàng, nhóm hàng để tạo năng lực cạnh tranh cho kinh tế vùng; các sản phẩm tạo ra luôn bị động về thị trường tiêu thụ, phổ biến xảy ra tình trạng được mùa - mất giá (giá thấp). Trong khi đó, Trung ương chưa có cơ chế đặc thù trong phân bổ nguồn vốn cho các tỉnh có các tuyến đê biển xung yếu của khu vực ĐBSCL để ứng phó với biển đổi khí hậu, phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh. Mặt khác, Bạc Liêu cũng như các tỉnh khu vực ĐBSCL là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, cùng với đó là tình trạng sụt lún, sạt lở, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường, tình trạng ngập úng khi triều cường xảy ra… gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn về người và tài sản. Trong khi đó, nguồn lực để khắc phục sự cố cũng như nguồn lực để đầu tư phòng ngừa đòi hỏi rất lớn, hầu như các địa phương đều thiếu kinh phí thực hiện.

Để tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động liên kết vùng ĐBSCL, tỉnh Bạc Liêu đề xuất một số giải pháp và kiến nghị, đề xuất như sau:

Về giải pháp, Bạc Liêu sẽ tích cực tham gia các hoạt động liên kết vùng và tiếp tục triển khai các hoạt động liên kết hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của từng địa phương trong vùng; phổ biến các mô hình hay, hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội các địa phương và tăng cường các hoạt động chuyển đổi số để kết nối, trao đổi giữa các địa phương.

Cùng với đó, Bạc Liêu và các tỉnh cũng cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách phát triển vùng ĐBSCL, thúc đẩy liên kết vùng, tiểu vùng, nhất là các dự án quan trọng của vùng như: Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; Dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận; nâng cấp Quốc lộ 1, Nam Sông Hậu và Dự án đường ven biển đoạn đi qua tỉnh Bạc Liêu, đặc biệt là Dự án cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu. Tổ chức, tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư; sử dụng nguồn vốn đầu tư công để định hướng, dẫn dắt các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước (FDI, vốn doanh nghiệp, tư nhân), nhất là trong phát triển hạ tầng quan trọng của vùng, của tỉnh.

Về đề xuất, kiến nghị, Bạc Liêu tiếp tục đề xuất cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu. Vì việc đầu tư xây dựng mới tuyến đường cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu sẽ góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, nâng cao năng lực khai thác và hiệu quả đầu tư của tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực ĐBSCL nói chung và Bạc Liêu nói riêng. Do vậy, việc đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu trước năm 2030 là hết sức cần thiết.

Ngoài ra, đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương có chính sách thu hút đầu tư đặc thù tại vùng ĐBSCL, nhằm tăng cường đầu tư, ưu tiên các nguồn từ vốn ODA, chương trình, dự án quốc gia. Đồng thời, bố trí vốn hợp lý, kịp thời để xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là giao thông đường bộ, đường thủy và hạ tầng điện. Có cơ chế đặc thù trong phân bổ nguồn vốn cho các tỉnh có các tuyến đê biển xung yếu của khu vực ĐBSCL để thúc đẩy liên kết vùng ĐBSCL, chủ động trong thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh…

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.