Thị trường xuất khẩu thủy sản: Đối mặt nhiều cái khó
So với những tháng đầu năm, hoạt động xuất khẩu thủy sản trong tháng 7/2020 tuy có cải thiện nhưng khởi sắc chưa nhiều. Doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu vẫn còn đương đầu với nhiều khó khăn và mục tiêu kim ngạch xuất khẩu phải đạt khoảng 800 triệu USD trong năm nay không dễ thực hiện.
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Tân Phong Phú (huyện Hòa Bình). Ảnh: K.T
Tình hình này đã làm cho hàng hóa của nhiều doanh nghiệp tồn kho khá nhiều, nhưng lại phải “cõng” thêm hàng loạt các khoản phí phát sinh khác từ việc thuê kho dự trữ hàng, hoặc chi phí bảo quản.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp xuất khẩu, thị trường xuất khẩu năm nay rất khó khăn và khó lường trước được những rủi ro. Giá bán tôm không ổn định, nhu cầu sử dụng tôm kích cỡ lớn của các nước nhập khẩu giảm, do vậy, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp phải chuyển hướng sang thu mua tôm nhỏ để phục vụ chế biến. Trong khi đó, với tập quán sản xuất lâu nay của người nông dân là nuôi tôm với kích cỡ lớn (khoảng 20 con/kg), trong khi nhu cầu thị trường cần loại từ 50 - 60 con/kg. Điều này đã đẩy nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vào cảnh “khó càng thêm khó”, vì khi chế biến tôm nhỏ sẽ tốn thời gian, công lao động bỏ ra cũng nhiều hơn nhưng giá trị mang lại không cao.
Một khó khăn khác của các doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay chính là đồng vốn đầu tư bị hạn chế, do một số ngân hàng thực hiện siết chặt cho vay, nhất là các doanh nghiệp đã phát sinh nợ xấu. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay gặp khó vì không có vốn lưu động để thu mua hàng dự trữ và khả năng sẽ khó chớp thời cơ khi dịch bệnh COVID-19 giảm, các nước nhập khẩu đẩy mạnh tiêu dùng vào những tháng cuối năm.
Tuy thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, nhưng điều đáng ghi nhận là các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của tỉnh rất năng động, nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì được các thị trường xuất khẩu truyền thống trước đây để tiếp tục xuất hàng như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Đông… Đồng thời, tiếp tục mở rộng thêm các thị trường mới ở các nước châu Á. Ngoài ra, Hiệp định EVFTA sắp có hiệu lực vào đầu tháng 8/2020 sẽ giúp các doanh nghiệp tận dụng cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường châu Âu trong thời gian tới. Song, với những khó khăn như hiện nay, cùng với đẩy mạnh xuất khẩu thì các doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến phát triển thị trường nội địa với sức mua lớn nhưng chưa được khai thác, nhất là các mặt hàng giá trị gia tăng.
Kim Trung