Thực hiện cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi: Hướng mở cho xuất khẩu nông sản

Thứ Sáu, 22/07/2022 | 15:21

Có thể nói, việc cấp mã số cho cơ sở nuôi tôm, trồng lúa cũng giống như cấp “giấy khai sinh” cho con tôm, hạt lúa. Từ mã số này sẽ xác định được chủ cơ sở nuôi tôm, trồng lúa và địa chỉ nguồn gốc con tôm, hạt lúa ở đâu, vùng nuôi, trồng cụ thể. Vì vậy, tỉnh cần có những giải pháp đồng bộ và hữu hiệu để thúc đẩy việc đăng ký và cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Lãnh đạo tỉnh tham quan vùng trồng lúa ST24, ST25 ở huyện Phước Long.

CẤP MÃ SỐ VÙNG TRỒNG, NUÔI CÒN THẤP

Việc cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi hay cơ sở nuôi, trồng là xu hướng tất yếu và là thủ tục cần thiết, bắt buộc đối với các tổ chức, cá nhân nhằm đáp ứng các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, đảm bảo thủ tục xuất khẩu sang các nước, nhất là Mỹ và Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc cấp mã số còn là cơ sở pháp lý để cơ quan nhà nước quản lý vùng trồng, vùng nuôi, các điều kiện an toàn thực phẩm.

Chỉ tính riêng trong tháng 6/2022, ngành chức năng đã tiếp nhận và kiểm tra, thẩm định cấp giấy xác nhận cho 9 cơ sở nuôi tôm (huyện Đông Hải) với diện tích 26,9ha, gồm 53 ao nuôi. Như vậy, nâng tổng số đến nay, ngành chức năng đã cấp giấy xác nhận cho 836 cơ sở với tổng diện tích gần 1.266ha, gồm 4.111 ao nuôi. Hiện tại, Phòng Nuôi trồng thủy sản mới nhận 170 hồ sơ từ các huyện gửi lên xin cấp mã số cơ sở nuôi cho các hộ nuôi tôm. Riêng Tập đoàn Lộc Trời làm thủ tục xin cấp 7 mã số vùng trồng lúa ở 7 địa bàn thuộc huyện Hồng Dân. Để từ đó, Tập đoàn đảm bảo việc kiểm soát, truy xuất nguồn gốc, đủ điều kiện xuất khẩu gạo sang các nước.

Mặc dù việc cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi trong thời gian qua có tăng, nhưng tỷ lệ còn thấp so với thực tế diện tích nuôi trồng thủy sản và trồng lúa. Nguyên nhân chủ yếu do việc triển khai tuyên truyền, hướng dẫn thủ tục đăng ký nuôi, trồng đến người dân còn chậm. Các địa phương và người dân chưa hiểu rõ mục đích, lợi ích của việc đăng ký cấp mã số cho vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở trồng, nuôi nên việc cấp mã số cho 2 đối tượng nuôi trồng chủ lực của tỉnh là con tôm, cây lúa còn thấp.

Ông Lê Thanh Tú - Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: “Việc làm thủ tục xin cấp mã số vùng trồng chưa được các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), người dân quan tâm. Sắp tới đây, Chi cục sẽ phối hợp với các huyện, thị, thành phố và các xã, thị trấn để xúc tiến đẩy mạnh việc cấp mã số cho các vùng trồng lúa, rau màu...”.

 Chế biến tôm xuất khẩu ở Công ty thủy sản Châu Bá Thảo (TX. Giá Rai).

ĐẨY MẠNH CẤP MÃ SỐ VÙNG TRỒNG, VÙNG NUÔI

Việc sản xuất nông nghiệp phải gắn với nhiều khâu mới đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường xuất khẩu. Trong đó, truy xuất nguồn gốc là một trong những yêu cầu mang tính bắt buộc, là tiêu chuẩn xuất khẩu của nhiều nước.

Hiện toàn tỉnh có 135.000ha nuôi trồng thủy sản và gần 150.000ha trồng lúa. Trong đó, có hơn 100.000ha nuôi trồng thủy sản và lúa phải thực hiện cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi. Đây là một thách thức không hề nhỏ, nhất là các HTX, người dân trồng lúa và nuôi tôm. Để công tác này thực hiện hiệu quả, Sở NN&PTNT đang quyết liệt triển khai các giải pháp cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi như: Phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức hướng dẫn tập huấn cho cán bộ ở các xã, phường, thị trấn và người dân ở các vùng trồng lúa, nuôi tôm, cơ sở chế biến và xuất khẩu về các quy định và yêu cầu kỹ thuật của nước nhập khẩu. Hướng dẫn nông dân các vùng trồng, các cơ sở đóng gói thiết lập vùng trồng và cơ sở đóng gói, lập và lưu hồ sơ, quản lý sinh vật gây hại; vùng nuôi, đặc biệt là nuôi tôm phải đăng ký mã số vùng nuôi, cơ sở nuôi theo yêu cầu xuất khẩu, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nuôi tôm công nghệ cao ở huyện Hoà Bình rất cần được cấp mã số vùng nuôi. Ảnh: M.Đ

Các doanh nghiệp, HTX, người nuôi tôm, trồng lúa cần thực hiện nghiêm việc đăng ký, cấp mã số theo quy định; nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm khâu trung gian để giảm giá thành sản xuất; áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận như VietGAP, GlobalGAP, ASC… để nâng cao giá trị sản phẩm cho con tôm, hạt lúa.

Hướng dẫn nông dân ở những vùng trồng lúa, nuôi tôm đã được cấp mã số thực hiện đúng quy định và đăng ký duy trì mã số vùng trồng, vùng nuôi. Tiến hành giám sát định kỳ theo quy định đối với những vùng trồng, nuôi đăng ký duy trì mã số…

Bạc Liêu đang xây dựng tỉnh trở trung tâm công nghiệp ngành tôm của cả nước nên việc đẩy mạnh cấp mã số vùng nuôi được xem là một trong những giải pháp nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng tôm của tỉnh nói riêng, tôm Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới. Vì vậy, tỉnh cần quan tâm cũng như triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hữu hiệu hơn trong việc cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, nhất là vùng nuôi tôm và cơ sở nuôi tôm…

MINH ĐẠT

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.