Thực hiện Nghị quyết 09 (Khóa XVI): Đưa kinh tế vùng Bắc Quốc lộ 1A phát triển nhanh, bền vững

Thứ Hai, 14/02/2022 | 14:37

Với quyết tâm khai thác và phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh từ vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 09 về phát triển vùng phía Bắc Quốc lộ 1A tỉnh Bạc Liêu đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Nghị quyết hứa hẹn tạo nên những động lực mới cho kinh tế vùng Bắc bứt phá, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Mở rộng tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp góp phần cho kinh tế vùng Bắc phát triển nhanh.

SỨC BẬT MỚI CHO KINH TẾ VÙNG BẮC

Để phát huy thế mạnh kinh tế của vùng Bắc Quốc lộ 1A, từ năm 2013 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) đã ban hành Nghị quyết 05 về phát triển vùng phía Bắc Quốc lộ 1A tỉnh Bạc Liêu đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.

Sự ra đời của Nghị quyết 05 đã mở ra nhiều cơ hội cho kinh tế vùng Bắc phát triển, phù hợp với điều kiện sinh thái đặc thù và tập trung phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh vốn có, nhất là khai thác tốt lợi thế từ con tôm sinh thái, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất và chuyển dịch mạnh mẽ các tiểu vùng sản xuất độc canh cây lúa kém hiệu quả sang các mô hình đa cây, đa con với thế mạnh chủ lực là mô hình sản xuất lúa - tôm và mô hình tôm - cua - cá kết hợp.

Cùng với chuyển đổi cơ cấu sản xuất, kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ của vùng Bắc được quan tâm đầu tư xây dựng, nhiều công trình thủy lợi, giao thông nông thôn được đầu tư với tổng vốn hàng ngàn tỷ đồng, nhất là công trình Âu thuyền Ninh Quới đã góp phần giải quyết có hiệu quả bài toán tranh chấp mặn - ngọt và giúp cho vùng Bắc chủ động về sản xuất.

Bên cạnh đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt được những kết quả nổi bật và tạo nên tiền đề cho phát triển nông nghiệp và nông thôn theo hướng CNH-HĐH. Đến nay, có 100% số xã trong vùng Bắc Quốc lộ 1A được công nhận đạt chuẩn NTM, 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và huyện Phước Long được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM.

Đáng ghi nhận hơn cả là đời sống vật chất, tinh thần của  nông dân không ngừng được nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, thế trận quốc phòng - an ninh được tăng cường, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng Bắc.

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể thì việc phát triển của vùng Bắc vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế và nhiều tiềm năng, thế mạnh chưa được khai thác tốt. Đó là quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, sức cạnh tranh yếu và chưa bền vững; các ngành nghề nông thôn phát triển chậm, quy mô nhỏ, phân tán; khả năng ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ của người dân vào thực tế sản xuất còn thấp, nhất là nhận thức về bảo vệ môi trường và sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường còn hạn chế.

Thêm vào đó, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn diễn ra chậm, kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và dư địa của vùng. Đặc biệt, hệ thống kết cấu hạ tầng về thủy lợi, điện, giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng đô thị chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng. Một số xã được công nhận đạt chuẩn NTM nhưng chất lượng một số tiêu chí chưa cao, thiếu bền vững…

Tất cả những khó khăn và bất cập trên cần một nghị quyết mới để gỡ nút thắt và tạo thêm sức bật mới cho kinh tế vùng Bắc và Nghị quyết 09 chính là giải pháp để thực hiện và hóa giải các khó khăn này.

Thu hoạch tôm trên đất lúa ở huyện Hồng Dân. Ảnh: K.T

PHÁT HUY THẾ MẠNH TỪ CON TÔM, CÂY LÚA

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 09, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) đã ban hành nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, tập trung phát huy giá trị từ con tôm, cây lúa được xem là giải pháp hàng đầu.

Theo đó, các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025. Tăng hiệu quả kinh tế trên 1ha diện tích canh tác cùng nhóm sản phẩm trong một vụ sản xuất có ứng dụng công nghệ cao ít nhất 30% trở lên so với thời điểm năm 2020.

Bên cạnh đó, phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, an toàn, sạch, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số; mở rộng liên kết sản xuất, hình thành và phát triển chuỗi giá trị ngành hàng đảm bảo hiệu quả cao và phát triển bền vững gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm. Cụ thể, về nuôi trồng thủy sản cần khai thác hiệu quả 71.202ha diện tích nuôi trồng thủy sản của vùng. Phấn đấu đến năm 2025, mở rộng diện tích tôm - lúa lên 43.000ha và đến năm 2030, diện tích lúa - tôm đạt 50.000ha, diện tích còn lại nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp và một số loài thủy sản đặc trưng của vùng như: lươn, cá thát lát, cá bống tượng, cá chình... Đồng thời, tiếp tục chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ mới vào sản xuất nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là mô hình nuôi tôm sinh thái, nuôi tôm sạch, gắn với chế biến xuất khẩu. Nghiên cứu định hướng để chuyển dần diện tích sản xuất chuyên lúa sang sản xuất tôm - lúa ở một số khu vực thích hợp, sản xuất có hiệu quả; xác định đối tượng nuôi và quy trình nuôi phù hợp để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả nuôi tôm và các loài thủy sản khác trong vùng Bắc Quốc lộ 1A.

Riêng cây lúa, giữ ổn định diện tích vùng chuyên trồng lúa 58.600ha (sản xuất 2 - 3 vụ/năm) để ứng dụng sản xuất lúa chất lượng cao và mở rộng diện tích cải tạo vườn tạp. Phát triển vùng sản xuất lúa trên đất nuôi tôm 43.000ha (sản xuất lúa hữu cơ, an toàn, sạch, ứng dụng công nghệ cao... 10.000ha) vào năm 2025 và 50.000ha (sản xuất lúa hữu cơ, an toàn, sạch, ứng dụng công nghệ cao... 20.000ha) vào năm 2030. Đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa các khâu trong sản xuất; thực hiện cánh đồng lớn gắn với liên kết bao tiêu lúa gạo đạt 100.000ha, chiếm 51% diện tích gieo trồng. Tăng cường phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, hợp tác xã, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với công ty, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Cùng với đó, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chuyển đổi những diện tích sản xuất kém hiệu quả sang nuôi trồng cây, con khác phù hợp. Tập trung phát triển lúa chất lượng cao, lúa đặc sản thơm (ST24, ST25, Tài nguyên, Một bụi đỏ, BLR 413...) tại tiểu vùng sinh thái ngọt ổn định và phát triển các mô hình lúa hữu cơ, lúa chịu mặn đối với tiểu vùng chuyển đổi sản xuất (sinh thái lợ). Tiếp tục nhân rộng mô hình cánh đồng lớn và mô hình nuôi tôm sinh thái gắn với tổ chức lại sản xuất, xây dựng vùng sản xuất lúa, vùng sản xuất giống chất lượng cao, vùng nuôi tôm sạch, gắn kết chặt chẽ với chế biến, xuất khẩu; hướng dẫn nông, ngư dân sản xuất theo quy trình VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt). Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng...

Ngoài giải pháp về phát triển sản xuất, Nghị quyết 09 còn tập trung vào nhiều giải pháp quan trọng khác như: Phát triển công nghiệp và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; Huy động nguồn lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; Tập trung xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị theo hướng đô thị hóa…

Với khí thế thi đua khôi phục lại nền kinh tế sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và quyết tâm giữ vững tăng trưởng cao, Đảng bộ và Nhân dân Bạc Liêu sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết 09, đưa kinh tế vùng Bắc phát triển nhanh, bền vững và tạo nên sức lan tỏa mạnh cho kinh tế nông nghiệp tỉnh nhà.

KIM TRUNG

Nông dân huyện Phước Long thu hoạch lúa ST24 bằng máy gặt đập liên hợp.

* Bí thư Huyện ủy Phước Long - Nguyễn Chí Thiện: Tập trung thực hiện tốt Nghị quyết 09

Để xứng đáng với sự tin tưởng của Tỉnh ủy, sự kỳ vọng của Nhân dân trong huyện và trách nhiệm là trung tâm “đầu tàu” của kinh tế vùng Bắc, đặc biệt là tập trung thực hiện tốt Nghị quyết 09 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI), ngay từ đầu năm, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã triển khai Kế hoạch chỉ đạo thực hiện các giải pháp đột phá gắn với các nhiệm vụ, giải pháp được cụ thể hóa trong Nghị quyết 09. Theo đó, đối với phát triển sản xuất nông nghiệp, phải giữ ổn định diện tích vùng chuyên trồng lúa 13.736ha (sản xuất 2 - 3 vụ/năm), ứng dụng khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu giống lúa chất lượng cao, sản xuất tập trung theo mô hình hợp tác xã, cánh đồng lớn, gắn với liên kết, bao tiêu sản phẩm đạt từ 75% diện tích sản xuất trở lên, đến năm 2025 phải làm tăng giá trị trên cùng diện tích so với năm 2020 là 30%. Đối với vùng chuyển đổi tập trung, chỉ đạo mở rộng diện tích trồng lúa trên đất tôm, đặc biệt sản xuất lúa chất lượng cao ST24, ST25, Một bụi đỏ... theo mô hình sản xuất lúa hữu cơ, an toàn sinh học, phấn đấu đạt diện tích 15.000ha trở lên…

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Huyện ủy còn tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể, đánh giá nguồn lực của huyện, nhu cầu các nguồn vốn vận động, nhu cầu hỗ trợ vốn, hỗ trợ cơ chế chính sách, lộ trình thực hiện để tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 01, Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy về xây dựng trung tâm kinh tế - xã hội vùng Bắc Quốc lộ 1A nói chung, huyện Phước Long nói riêng.

Muốn phát triển, trước hết Ban Thường vụ Huyện ủy xác định phải làm tốt công tác quy hoạch của huyện, đặc biệt quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải phù hợp, khả thi, ổn định lâu dài và mang tính kế thừa. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, lưới điện có tính liên kết vùng. Khai thác tốt không gian các tuyến giao thông huyết mạch, đặc biệt là tuyến đường Quản Lộ - Phụng Hiệp; phát triển quỹ đất ở những tuyến đường dự kiến đầu tư trên địa bàn, để phát triển sản xuất gắn với phát triển thương mại, dịch vụ. Đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với phát triển sản phẩm “du lịch nông nghiệp”, “du lịch sinh thái”, ngành nghề truyền thống, trên cơ sở phát huy lợi thế hệ thống sông nước, cánh đồng lớn trên địa bàn huyện. Tập trung chỉ đạo thu hút đầu tư hạ tầng thương mại, nhất là đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, nhà ở thương mại; mời gọi đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Chủ Chí (xã Phong Thạnh Tây B), tập trung kêu gọi đầu tư các nhà máy chế biến gạo, tôm xuất khẩu quy mô lớn, ngành may mặc, các ngành phụ trợ nông nghiệp để giải quyết việc làm tại chỗ; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, các dự án điện nông thôn, các trạm bơm điện, ô đê bao khép kín, hệ thống công trình điều tiết nước... phục vụ tưới tiêu cho sản xuất; nâng cấp kết cấu hạ tầng y tế, giáo dục - đào tạo, văn hóa... đảm bảo sức khỏe người dân, nhất là trong tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp như hiện nay và nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân trong huyện…

* Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi - Trần Minh Hải: Phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao

So với các địa phương khác, huyện Vĩnh Lợi giàu tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông nghiệp. Để phát huy thế mạnh này và góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 09 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển vùng Bắc Quốc lộ 1A, huyện Vĩnh Lợi đã ban hành Đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu chung là: Tiếp tục cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, phát triển bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao và nâng cao khả năng cạnh tranh; bảo vệ môi trường, sinh thái; nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 là duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng. Mục tiêu tỷ trọng ngành Nông nghiệp đạt 42% trong cơ cấu kinh tế của huyện giai đoạn 2021 - 2025. Sản lượng thủy sản đạt 11.000 tấn (trong đó, tôm nuôi 7.000 tấn); sản lượng lúa đạt 250.000 tấn (trong đó, sản lượng lúa sản xuất theo hướng an toàn 37.000 tấn, chiếm 15% so với tổng sản lượng lúa). Đặc biệt, có 6/6 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Để hoàn thành các nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng này, trong lĩnh vực trồng trọt, huyện Vĩnh Lợi sẽ tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực như: sản xuất lúa, gạo chất lượng cao và đặc sản; rau, quả công nghệ cao. Xây dựng các vùng sản xuất theo hướng an toàn, phù hợp với đặc điểm, tình hình của huyện. Đồng thời, tập trung xây dựng và phát triển thêm nhiều cánh đồng lớn, nâng cao chuỗi giá trị gia tăng, phát triển bền vững, hiệu quả và liên kết bao tiêu lúa, gạo; áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm và sử dụng các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Kêu gọi đầu tư các nhà máy chế biến nông sản đủ điều kiện xuất khẩu. Hỗ trợ tập huấn khuyến nông và các dịch vụ tư vấn nhằm nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản nông sản cho nông dân...

Cùng với đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp là huy động nguồn lực cho xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu gắn với đô thị hóa; nâng cao chất lượng tiêu chí xây dựng NTM theo hướng văn minh, xanh - sạch - đẹp, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, từng bước tiếp cận điều kiện về hạ tầng và dịch vụ của các đô thị…

L.D (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.