Thương mại điện tử: Thiết thực và hiệu quả

Thứ Tư, 23/02/2022 | 16:34

Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ như hiện nay, việc phát triển thương mại điện tử thông qua giao dịch số hay phát triển kinh tế số đã trở thành nhu cầu bức thiết cho nền kinh tế, nhất là trong điều kiện phải thích ứng và “sống chung” với đại dịch COVID-19.

Thanh toán điện tử bằng thẻ tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Bạc Liêu. Ảnh: K.T

Thực tiễn trong năm qua đã chứng minh, khi xảy ra dịch bệnh COVID-19 và phải thực hiện giãn cách xã hội thì phát triển kinh tế số chính là giải pháp quan trọng và trở thành lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, hộ sản xuất - kinh doanh đã tập trung khai thác, phát huy các trang bán hàng trực tuyến và hình thành nên các kênh phân phối từ siêu thị đến hộ tiêu dùng. Qua đó, đảm bảo cho hàng hóa được lưu thông và giữ vững hoạt động thương mại - dịch vụ, góp phần cho nền kinh tế tăng trưởng, giải quyết được việc làm, thu nhập cho người lao động. Thậm chí, nhiều hộ sản xuất - kinh doanh nhỏ lẻ còn tận dụng các trang Facebook, Zalo để bán hàng theo kiểu “thức ăn nhanh” hay “gọi là có”, hạn chế tối đa các giao dịch trực tiếp không cần thiết…

Đặc biệt, với việc phát triển giao dịch số đã giúp các doanh nghiệp tiết giảm rất nhiều chi phí, thời gian và cả việc giao dịch liên quan đến các thủ tục hành chính, hạn chế bị nhũng nhiễu, làm khó khi phải thực hiện giao dịch trực tiếp theo kiểu “xin - cho”. Điển hình trong giải quyết các thủ tục liên quan đến thuế, với việc đẩy mạnh giao dịch điện tử đã không ngừng phát huy hiệu quả và thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp. Chỉ riêng trong năm 2021, việc kê khai thuế qua mạng đã thu hút hơn 2.170 doanh nghiệp đăng ký khai thuế điện tử, đạt tỷ lệ  99,72%. Hay trong nộp thuế điện tử, số doanh nghiệp đăng ký thành công với ngân hàng thương mại trên 2.170/2.178 doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 99,63%...

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh chủ trương chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xác định chuyển đổi số là động lực phát triển kinh tế.

Theo đó, đến năm 2025, kinh tế số phải đạt khoảng 20% GDP, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt bình quân trên 6,5%/năm và đến năm 2030, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP.

Mục tiêu trên hoàn toàn khả thi, nhất là Việt Nam có nền kinh tế Internet tăng trưởng nhanh thứ hai Đông Nam Á. Thêm vào đó, Việt Nam đã đặt mục tiêu triển khai thương mại 5G vào năm 2022, thúc đẩy người dân dùng smartphone và giảm số lượng điện thoại 2G còn dưới 5%...

Đây là những tiền đề cho kinh tế số phát triển nhanh gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi căn bản những giao dịch truyền thống, đặc biệt phát triển mạnh các dịch vụ tài chính số thông qua phương tiện điện tử, nhất là điện thoại thông minh. Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đang tập trung phát triển mạnh loại hình này.

Hiện nay, Ngân hàng BIDV chi nhánh Bạc Liêu đã và đang khuyến khích khách hàng giao dịch qua BIDV SmartBanking gắn với nhiều chương trình và tính tiện ích từ dịch vụ này mang lại.

Ngoài ra, BIDV dự kiến sẽ tiếp tục ra mắt loạt tính năng tiện ích khác, có thể kể đến như: vay số tiền gửi online, mua bảo hiểm trực tuyến… nhằm tiếp tục gia tăng trải nghiệm của khách hàng, đáp ứng nhu cầu giao dịch “all in one” trên ứng dụng BIDV SmartBanking. Không chỉ cung cấp hệ sinh thái số đa dạng, BIDV còn miễn 100% các loại phí trên BIDV SmartBanking…

Với những tiện ích và phát triển mạnh của công nghệ như hiện nay, các doanh nghiệp cần quan tâm đến giao dịch và phát triển kinh tế số, nhằm không ngừng mở rộng thị trường, tăng lợi nhuận, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời đại số.

KIM TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.