Mô hình nhà nông
Anh Lê Văn Dự: Thu nhập cao nhờ nuôi rắn
Một lần xem chương trình khuyến nông trên truyền hình giới thiệu về mô hình nuôi rắn thương phẩm, anh Lê Văn Dự (ấp Bình Tốt, xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long) đã đầu tư chuồng trại và tìm mua rắn giống về thả nuôi. Việc nuôi rắn thương phẩm đã giúp anh Dự thu nhập vài chục triệu đồng mỗi năm.
Anh Lê Văn Dự kiểm tra sự phát triển của rắn nuôi. Ảnh: C.L |
Theo anh Dự, để rắn phát triển tốt, tránh hao hụt và ít bị dịch bệnh, khâu chọn lựa con giống là rất quan trọng. Anh tìm đến tận trại cung cấp rắn giống ở Tây Ninh để mua 90 con rắn giống với giá 150.000 đồng/con (trọng lượng 100g).
Những ngày đầu thả nuôi, buổi tối anh đi bắt cóc, nhái nhỏ về làm thức ăn cho rắn. Cứ như thế, trọng lượng của rắn tăng dần. Anh Dự chia sẻ: “Rắn là một loài bò sát hoang dã, nên khi nuôi nhốt phải thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện những con có dấu hiệu bệnh để chăm sóc. Đặc tính của chúng là thích ăn những con mồi còn sống, nên khi cho ăn, cần hạn chế những con cóc, nhái chết để rắn nuôi được khỏe”.
Nhờ nắm bắt quy trình kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi nên đàn rắn nuôi của anh Dự không hao hụt về số lượng và tăng trọng rất nhanh. Qua 7 tháng nuôi, rắn đạt trọng lượng trung bình 1 - 1,2 kg/con. Với giá rắn thương phẩm 700.000 đồng/kg (trọng lượng 1,2 - 1,5 kg/con), sau khi trừ các khoản chi phí, anh Dự lãi trên 60 triệu đồng.
Nuôi rắn là một mô hình dễ áp dụng đối với những hộ gia đình ít vốn, bởi có thể tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương, không tốn nhiều công chăm sóc.
Chí Linh