Mô hình nhà nông
Anh Nguyễn Mắc Len: Thành công với mô hình nuôi rắn
Những năm gần đây, nông dân ở huyện Hồng Dân đã thực hiện nhiều mô hình nuôi động vật hoang dã, trong đó có mô hình nuôi rắn. Anh Nguyễn Mắc Len (ấp Nhụy Cầm, xã Vĩnh Lộc) là một trong những hộ thực hiện thành công mô hình này.
Anh Nguyễn Mắc Len chăm sóc đàn rắn.
Năm 2015, anh Len đầu tư mô hình nuôi rắn với số lượng 100 con, tổng vốn là 25 triệu đồng. Các loại rắn được anh Len mua về nuôi là rắn hổ hèo, ri tượng và ri cá. Lúc đầu, do chưa nắm bắt được kỹ thuật nuôi nên anh gặp khó khăn trong việc chăm sóc đàn rắn. Tuy nhiên, sau một thời gian nuôi và rút kinh nghiệm, đến cuối năm 2016 anh xuất bán được 30kg rắn thương phẩm, trừ chi phí còn lãi gần 20 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn bán rắn giống cho bà con địa phương, mỗi con có giá 100.000 đồng và anh đã thu được gần 30 triệu đồng từ bán rắn giống. Hiện tại trong chuồng rắn của anh còn hơn 50 con, con lớn có trọng lượng hơn 2,5kg, con nhỏ cũng được hơn 0,5kg. Theo anh Len, rắn là loài động vật hoang dã sống trong môi trường tự nhiên nên dễ nuôi, ít bệnh, thức ăn gồm chuột, cóc, nhái. Tuy nhiên, để đảm bảo đàn rắn không bị hao hụt và phát triển đồng đều thì người nuôi phải tách riêng từng lứa rắn ở các chuồng khác nhau và cho ăn đầy đủ.
Anh Len cho biết thêm, ngoài cóc, nhái, chuột thì anh còn dùng cá phi để làm thức ăn cho rắn, điều này đã giúp giảm được chi phí đầu tư, nâng cao lợi nhuận.
Mô hình nuôi rắn không phải là mô hình sản xuất mới, nhưng nếu nông dân nắm bắt được cách nuôi thì sẽ thực hiện thành công, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình.
Bài và ảnh: MINH TOÀN
(Đài Truyền thanh huyện Hồng Dân)
- Thành phố Bạc Liêu tiếp công dân định kỳ tháng 4
- Phòng GD-ĐT TP. Bạc Liêu: Tổ chức hội thi “Bé khéo tay”
- Huyện Hồng Dân: Khánh thành cầu Đường Trâu và tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn
- Bạc Liêu thăm TP. Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
- Trường đại học Bạc Liêu: Hơn 500 vận động viên tham gia Hội thao sinh viên