Mô hình nhà nông
Hiệu quả từ mô hình nuôi lươn
Mô hình nuôi lươn không bùn trong hồ xi-măng đem lại hiệu quả kinh tế cao nhờ rút ngắn thời gian nuôi. Nhiều hộ dân trong tỉnh đã áp dụng mô hình này, trong đó có ông Nguyễn Văn Trinh (64 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Phú A, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long).
Ông Nguyễn Văn Trinh làm vệ sinh hồ nuôi lươn. Ảnh: T.L
Cuối năm 2018, ông Trinh đến Hậu Giang mua 1.500 con lươn giống (giá 3.200 đồng/con) thả nuôi trong hồ xi-măng với diện tích 9m2. Sau 6 tháng nuôi, đàn lươn phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 80%, khoảng 4 tháng nữa ông sẽ thu hoạch. Với giá thị trường là 130.000/kg lươn, dự kiến ông lãi trên 30 triệu đồng.
Ông Trinh cho biết: “Nuôi lươn không tốn nhiều chi phí và công sức, nhưng phải có kiến thức, am hiểu đặc tính sinh học của lươn để có phương pháp nuôi phù hợp. Sau khi thu hoạch đợt lươn này, tôi sẽ xây thêm nhiều hồ để mở rộng diện tích nuôi”.
Theo ông Trinh, nuôi lươn không bùn có nhiều lợi thế hơn kiểu nuôi truyền thống và giảm khoảng 30% chi phí đầu tư. Mỗi ngày, chỉ cho lươn ăn 2 lần vào buổi sáng và chiều; thức ăn chủ yếu là thức ăn viên. Vệ sinh hồ nuôi cũng rất dễ, chỉ cần xả hồ rồi thay nước (mỗi ngày thay 2 lần).
Ngoài ông Trinh, ấp Vĩnh Phú A hiện có 8 hộ nuôi lươn với tổng đàn khoảng 18.000 con. Đàn lươn đều phát triển tốt và hứa hẹn đem lại thu nhập khá cho bà con.
THÙY LÂM
- Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu: Tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
- Nông dân vùng chuyển đổi vào vụ thu hoạch lúa
- TP. Bạc Liêu: Thực hiện cơ bản đạt 17/18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024
- Xô xát vì mâu thuẫn trên tàu cá, 1 người chết, 1 người bị thương
- Phong trào nông dân gặt hái nhiều thành quả trong năm 2024