Mô hình nhà nông
Ông Phạm Thanh Phương: Thành công trong chuyển đổi cây trồng, nâng cao thu nhập
Thời gian qua, việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã được nhiều nông dân trong huyện Vĩnh Lợi mạnh dạn thực hiện và đem lại hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình. Trong đó, ông Phạm Thanh Phương, hội viên Hội Nông dân ấp Thông Lưu B (thị trấn Châu Hưng) là một điển hình.
Vào năm 2014, thấy trồng lúa có thu nhập thấp nên ông Phương đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 3.000m2 đất trồng lúa để lên liếp trồng hơn 300 gốc táo hồng và táo Thái Lan. Trong thời gian trồng, ông Phương học hỏi kinh nghiệm, đồng thời áp dụng khoa học - kỹ thuật vào các khâu chăm sóc, cắt tỉa, tạo tán cây… Nhờ chăm sóc tốt, sau hơn 1 năm trồng, vườn táo của ông Phương bắt đầu ra hoa, kết trái.
Ông Phạm Thanh Phương thu hoạch táo được trồng theo phương pháp an toàn sinh học. Ảnh: V.M
Theo ông Phương, táo là loại cây lâu năm, dễ trồng hơn so với các loại cây trồng khác. Chu kỳ của giống táo là sau khi thu hoạch thì đốn tái sinh, bón phân dưỡng cây đâm chồi, tạo tán, một thời gian sau cây tiếp tục cho trái. Ông Phương cho biết: “Thường thì khoảng tháng 6 cây táo bắt đầu ra hoa, kết trái và cho thu hoạch liên tục kéo dài từ tháng 7 cho đến cuối năm. Quá trình trồng, tôi chỉ sử dụng phân, thuốc vi sinh, đảm bảo cung cấp trái an toàn vệ sinh cho người tiêu dùng”. Qua 4 năm thực hiện chuyển đổi, ước tính mỗi năm gia đình ông xuất bán khoảng 6.000kg táo với mức giá từ 20.000 - 30.000 đồng/kg và lãi sau khi trừ chi phí là từ 120 - 180 triệu đồng.
Cùng với trồng táo, dưới các mương dẫn nước, ông Phương còn trồng bông súng kết hợp với nuôi cá nước ngọt, vừa cải thiện bữa ăn cho gia đình, vừa tăng thêm thu nhập. Ước tính, mỗi năm ông thu lãi hơn 50 triệu đồng từ việc trồng bông súng và nuôi cá để bán. Như vậy, với hơn 3.000m2 đất chuyển đổi, mỗi năm, gia đình ông Phương có lãi trên 200 triệu đồng, cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Mới đây, ông Phương còn đầu tư xây dựng nhà lưới cho vườn táo với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng. Mô hình này nhằm ngăn chặn côn trùng gây hại nên không cần phun thuốc hóa học, đảm bảo thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, hạn chế bốc hơi nước vào mùa khô, giúp cây giữ độ ẩm, phát triển tốt. Mô hình trồng cây ăn trái hiệu quả của ông Phương hiện đang được đông đảo người dân trong và ngoài địa phương, các tỉnh… tìm đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm và áp dụng.
Văn Mẫn
- Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu: Tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
- Nông dân vùng chuyển đổi vào vụ thu hoạch lúa
- TP. Bạc Liêu: Thực hiện cơ bản đạt 17/18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024
- Xô xát vì mâu thuẫn trên tàu cá, 1 người chết, 1 người bị thương
- Phong trào nông dân gặt hái nhiều thành quả trong năm 2024