Mô hình nhà nông

Thị trấn Châu Hưng: Mô hình trồng mía cho thu nhập khá

Thứ Tư, 17/12/2014 | 17:09

Những năm qua, người dân thị trấn Châu Hưng (huyện Vĩnh Lợi) đã tận dụng diện tích đất trống quanh nhà trồng thêm nhiều loại hoa màu, cây ăn quả có giá trị kinh tế. Trong đó, cây mía được nhiều hộ dân chọn trồng bởi không tốn nhiều công chăm sóc, ít phát sinh dịch bệnh và đầu ra ổn định.

Ông Ngô Văn Sáng chăm sóc vườn mía. Ảnh: C.L

Ông Ngô Văn Sáng (ấp Xẻo Lá, thị trấn Châu Hưng), là người đã gắn bó với nghề trồng mía gần 10 năm nay. Ông cũng là người truyền đạt nhiều kinh nghiệm hay giúp bà con trong ấp xử lý mỗi khi rẫy mía của họ xảy ra sâu bệnh.

Năm 2006, khi chính quyền địa phương phát động phong trào tăng gia sản xuất, trồng đa cây, nuôi đa con trên cùng một diện tích, ông Sáng cải tạo lại gần 1.000m2 đất vườn xung quanh nhà và lên liếp trồng mía. Với số vốn ban đầu hơn 2 triệu đồng mua mía giống, sau 8 tháng, vụ mía đầu tiên đến kỳ thu hoạch. Sau khi trừ các khoản chi phí, ông Sáng lãi gần 10 triệu đồng.

Thấy cây mía ít tốn công chăm sóc, ít sử dụng phân, thuốc, mà lợi nhuận khá cao nên ông Sáng bỏ vốn cho con trai là anh Ngô Văn An thuê thêm 4 công đất cặp kênh xáng để cải tạo trồng mía. Từ đó, mô hình trồng mía được gia đình ông Sáng áp dụng cho đến nay. Và cũng từ đó cây mía giúp cuộc sống gia đình ông ổn định.

Theo ông Sáng, để cây mía phát triển tốt thì khâu chọn giống là rất quan trọng. Trước khi trồng mía phải ngâm ngọn xuống nước nửa ngày nhằm diệt mầm bệnh. Mía phải được trồng theo luống với khoảng cách mỗi cây là 30cm. Phải thường xuyên kiểm tra bẹ lá để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời, ít nhất mỗi tháng phải đánh lá mía 2 lần.

Cũng là một trong những hộ có kinh nghiệm trồng mía và có diện tích trồng mía khá lớn của xã (trên 1.700m2), anh Đoàn Văn Phú (ngụ cùng ấp với ông Sáng) mỗi vụ mía lãi từ 7 - 8 triệu đồng. Anh Phú tâm sự: “Trước khi trồng mía, mình cũng thử trồng nhiều loại hoa màu, nhưng năm nào cũng chịu cảnh được mùa thì mất giá. Từ lúc chuyển sang trồng mía, mỗi khi vào mùa vụ thu hoạch, thương lái cho ghe vào tận nơi trồng để mua”.

Nhờ nhạy bén chuyển đổi cây trồng - vật nuôi phù hợp với điều kiện canh tác mà giờ đây đời sống của người dân ở thị trấn Châu Hưng đã có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, để giúp người dân áp dụng hiệu quả những mô hình mới, các ngành chức năng và địa phương cần mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho bà con.

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.