Nhịp cầu nhân ái
Hạnh phúc khi được làm từ thiện
Phụ trách mảng công tác từ thiện, các nhà báo phải đi nhiều nơi để tìm hiểu, viết bài kêu gọi mọi người cùng sẻ chia sự khốn khó với những hoàn cảnh kém may mắn. Miệt mài đi và viết, không biết tự bao giờ, công tác từ thiện đã ăn sâu vào máu, trở thành niềm hạnh phúc vô biên của những nhà báo…
Phóng viên Quốc Quý tặng quà cho học sinh nghèo ở xã Điền Hải (huyện Đông Hải). Ảnh: Q.Q
Dù phải vất vả đi rất nhiều nơi, đến những vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều hoản cảnh đặc biệt khó khăn cần sự hỗ trợ…, nhưng tất cả những vất vả này sẽ chẳng là gì, nếu như người viết “có tấm lòng”. Huỳnh Hải (phóng viên Báo Dân trí, thường trú tại Bạc Liêu) là người như thế. Với mỗi hoàn cảnh, Hải đều tỉ mỉ từ khâu tác nghiệp, quan tâm đến từng chi tiết và chịu khó lắng nghe, chia sẻ tâm sự với nhân vật. Từ đó cho ra những bài viết chân thực truyền tải hình ảnh nhân vật chạm vào trái tim bạn đọc, và “tác giả đã khóc, trước khi bạn đọc khóc”.
Với cái tâm sáng, sau mỗi bài viết của Hải, hầu hết các hoàn cảnh đều nhận được sự giúp đỡ chu đáo, về vật chất lẫn tinh thần. Nhiều trường hợp gợi mở được sự quan tâm của các kiều bào nước ngoài với số tiền hỗ trợ lên đến hàng trăm triệu đồng. Đó chính là động lực để nhà báo “quên mình” khi viết về từ thiện. Vốn là một người con của đất Bạc Liêu, Huỳnh Hải bộc bạch: “Được làm từ thiện là một niềm hạnh phúc. Hạnh phúc đó không chỉ cho cơ quan, cho bản thân, cho quê hương, mà hơn hết là cho sự “tồn tại” của tình người, khi thông qua những bài viết của mình để thấy rằng, “cứu” được người khác là niềm hạnh phúc vô bờ bến, và đó cũng là vinh dự của nghề báo. Cuộc đời này còn biết bao người khó khăn, thương tâm, chỉ vì họ không được may mắn. Vì thế, khi mình may mắn hơn họ, thì tại sao ta không chia sớt sự may mắn đó? Là nhà báo, niềm vui nhất của tôi là mỗi khi giúp được cho ai đó thiếu may mắn hơn mình”.
Còn với Quốc Quý (phóng viên Đài Truyền thanh huyện Đông Hải): “Làm báo, đi nhiều nơi, thấy nhiều thứ, biết người dân khó, người dân khổ thì tôi không cầm lòng được. Vì vậy mà tâm can thôi thúc tôi vận động nhiều người cùng đóng góp giúp đỡ. Làm từ thiện như đã ăn vào máu tôi rồi”. Với thu nhập chỉ ở mức trung bình, nhưng mỗi năm Quốc Quý vẫn dành một khoản tiền giúp đỡ người nghèo, người già neo đơn cơ cực, trẻ em nghèo khuyết tật, học sinh hiếu học, hộ nghèo chí thú làm ăn nhưng thiếu vốn... Ban đầu, cá nhân Quốc Quý cũng chủ động giúp trước mỗi hoàn cảnh 500.000 đồng, sau đó mới tiếp tục vận động thêm từ bạn bè, các mạnh thường quân. Đến nay, số tiền mà Quốc Quý và các mạnh thường quân đã hỗ trợ giúp đỡ cho các hoàn cảnh… được hơn 200 triệu đồng. Cùng với đó, đã có hàng chục hộ nghèo được giúp đỡ vốn và phương tiện sản xuất thoát nghèo. Là Bí thư Chi đoàn cơ quan, Quý cũng đứng ra tổ chức nhiều chương trình giao lưu an sinh xã hội, tiếp sức đến trường, hỗ trợ thanh niên phát triển sản xuất...
Hoạt động thiện nguyện của nhà báo là tấm lòng vì mọi người. Đôi khi không nhất thiết chỉ là vật chất, cho cái gì, cho thế nào…, mà quan trọng nhất là sự sẻ chia về mặt tinh thần. Công tác từ thiện muốn đạt được hiệu quả, đòi hỏi nhà báo phải nắm bắt được nhân vật cần điều gì nhất. Xin được tiền rất khó nhưng cho đúng nơi, đúng lúc, đúng nhu cầu còn khó hơn nhiều vì cần bỏ công sức, thời gian và cả sự thấu hiểu.
Thanh Hải
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh
- Giặt đồ trên ghe, một thanh niên rơi xuống sông tử vong
- Khởi tranh Giải bóng đá các CLB tỉnh Bạc Liêu tranh Cúp Tôn thép Hòa Phát năm 2024
- Bế mạc Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử 3 tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau