Nhịp sống đô thị

Công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm: Việc làm thường xuyên

Thứ Tư, 03/05/2017 | 16:02

Một trong những nội dung quan trọng được TP. Bạc Liêu chỉ đạo thực hiện tốt trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2017 là đảm bảo an toàn thực phẩm tươi sống, trong đó, tập trung ở ba mặt hàng chính là rau, thịt và thủy sản. Đây được xem là những mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày và là nguồn nguyên liệu chính ở nhiều nhà hàng, khách sạn, quán ăn phục vụ khách du lịch trong, ngoài tỉnh.

Mua bán XÔ BỒ

Với vị trí là trung tâm hành chính và cũng là nơi tập trung nhiều điểm du lịch thu hút đông đảo khách tham quan, do vậy, việc làm tốt công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) không còn là chuyện hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, mà phải coi là việc làm thường xuyên.

Mua bán và làm cá ngay khu vực đường giao thông (ảnh trên) và mua bán rau xanh lấn chiếm lòng đường ở tuyến đường Hoàng Văn Thụ (TP. Bạc Liêu). Ảnh: K.T

Hiện nay, chất lượng và VSATTP tại các chợ điểm trên địa bàn TP. Bạc Liêu dường như chưa được ngành quản lý và các địa phương quan tâm. Bằng chứng là điểm giết mổ gia cầm, kinh doanh thực phẩm tươi sống nằm cạnh hoặc nằm gần khu mua bán các loại thức ăn hay các hàng quán cơm, bún, bánh… Cụ thể như tại chợ Xóm Mới (phường 3), chợ phường 2, chợ Cầu Xáng (phường 1), các sạp kinh doanh thịt heo sống với sạp bán thịt heo quay nằm cạnh nhau. Đó là chưa kể đến chuyện các quán cơm nằm cạnh các lò giết mổ gia cầm, các điểm bán cá, bán rau…

Tồn tại những bất cập trên là do chưa làm tốt công tác quản lý, sắp xếp các điểm bán theo ngành hàng, nhóm hàng để đảm bảo VSATTP và hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường; cũng như chưa quản lý tốt đầu vào và đầu ra của thực phẩm. Thêm vào đó, việc quản lý trật tự mua bán ở nhiều địa phương thời gian qua bị buông lỏng và dần tạo nên thói quen xấu. Đơn cử là tiểu thương không vào chợ mua bán mà ra bên ngoài bán theo kiểu chợ nhóm, chợ chạy; làm cá, cắt cổ gà, lặt rau ngay bên đường và thải rác ngay khu vực mua bán. Hình ảnh ấy dễ bắt gặp ở các chợ nhóm khu vực chợ phường 1, chợ nhóm khu vực đường Hoàng Văn Thụ (phường 3), hay ven đường khu vực chợ Cầu Xáng (phường 1)…

Ai quản lý lĩnh vực VSATTP?

Lâu nay, khi nói đến việc quản lý, xử lý các vi phạm về VSATTP nhiều người thường cho đó là trách nhiệm của ngành Y tế, hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý ở địa phương (như Phòng Kinh tế) mà quên đi trách nhiệm chính là chính quyền địa phương. Bởi chính quyền địa phương mới là đơn vị quản lý trực tiếp và sâu sát, còn các cơ quan khác chủ yếu là làm công tác quản lý về hành chính, hoặc thực hiện kiểm tra, ra quân theo kế hoạch (do thiếu và yếu về nguồn nhân lực, tài chính).

Do tầm quan trọng của vai trò quản lý trực tiếp này, năm 2016 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Trong đó, giao quyền và tạo nhiều cơ chế cho địa phương cấp cơ sở làm tốt công tác quản lý. Cụ thể là Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các cấp chịu trách nhiệm về bảo đảm VSATTP trên địa bàn; xác định việc bảo đảm VSATTP là nhiệm vụ cấp thiết cần tập trung chỉ đạo, điều hành; ưu tiên bố trí đủ kinh phí, nguồn lực cho công tác quản lý, bảo đảm VSATTP; trước mắt chủ động bố trí kinh phí tương ứng với số thu tiền xử phạt vi phạm hành chính về VSATTP thuộc ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước để đầu tư trang thiết bị kỹ thuật và công tác kiểm tra, kiểm nghiệm, xử lý, tiêu hủy thực phẩm không an toàn. Đồng thời, Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp chỉ đạo và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về VSATTP của cơ quan nhà nước cấp dưới; kiên quyết xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý. Lãnh đạo các cấp từ xã đến tỉnh phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về VSATTP trên địa bàn. Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tới từng hộ nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp thực hiện các quy định bảo đảm VSATTP, ký cam kết bảo đảm VSATTP. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải công bố quy trình sản xuất, kinh doanh bảo đảm VSATTP. Xác định việc bảo đảm VSATTP là một tiêu chí xây dựng nông thôn mới, khu dân cư văn hóa. Tập trung chỉ đạo xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn; thúc đẩy áp dụng rộng rãi mô hình VietGAP, các mô hình sản xuất an toàn khác và phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn. Các địa phương đầu tư trang thiết bị đo kiểm di động hoặc cố định tại các trung tâm thương mại, chợ nông sản lớn; hướng dẫn và giúp người dân nhận biết thực phẩm an toàn, thực phẩm không an toàn…

Thực tiễn trên cho thấy, tăng cường công tác quản lý VSATTP không chỉ là yêu cầu cho phát triển bền vững, mà còn mở ra nhiều hướng đi mới trong việc quy hoạch, tổ chức lại sản xuất gắn với khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của thành phố. Đó là xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất khép kín ứng dụng công nghệ cao nhằm sản xuất các mặt hàng tươi sống có sức cạnh tranh, mang lại giá trị cao như rau sạch, tôm sạch gắn với điểm bán (đến nay TP. Bạc Liêu vẫn chưa xây dựng được). Làm được việc này không chỉ thúc đẩy phát triển sản xuất, xây dựng văn hóa, văn minh thương mại, mà còn góp phần thực hiện tốt trật tự đô thị và xây dựng hình ảnh đẹp về một thành phố du lịch trong tương lai.

Tú Anh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.