Nhịp sống đô thị

Đề án phát triển cây măng tây: Chờ đến bao giờ?

Thứ Tư, 30/05/2018 | 16:55

TP. Bạc Liêu là vùng sản xuất rau màu tập trung lớn nhất tỉnh với diện tích 4.390ha, tổng sản lượng hơn 53.000 tấn/năm. Tuy nhiên, việc xây dựng mô hình đột phá cho cây màu và hướng đến xây dựng nông nghiệp đô thị vẫn còn là chuyện đáng bàn.

Trồng măng tây trong nhà lưới ở xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu). Ảnh: T.A

Nghề trồng rau màu trên địa bàn TP. Bạc Liêu phát triển mạnh và đã hình thành nên những vùng sản xuất với nhiều loại rau màu khác nhau được thị trường tiêu thụ ưa chuộng như: hành, hẹ, ngò rí, cải rổ, cà, ớt, dưa, bầu bí và các loại rau ăn lá. Thế nhưng, các loại rau màu trên vẫn chưa phát huy được thế mạnh và mang lại giá trị kinh tế cao do chưa hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn, đặc biệt là thiếu các loại cây trồng giàu hàm lượng dinh dưỡng để có thể xuất khẩu, trong đó có cây măng tây xanh.

Măng tây xanh được xem là loại cây trồng mới, hứa hẹn mở ra hướng đột phá cho nghề trồng màu. Bởi loại cây này có thể phát triển tốt trên vùng đất giồng ven biển và đã được trồng thành công từ năm 2008 thông qua trồng thử nghiệm 6ha ở 2 xã: Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu). Kết quả cho thấy, cây măng tây xanh rất thích hợp với vùng đất ở đây, cho năng suất 7 - 8 tấn/ha/năm, cá biệt có hộ đạt năng suất 12 tấn/ha/năm. Với giá thu mua măng tây từ 50.000 - 70.000 đồng/kg, người trồng có thể thu lãi hơn 350 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, măng tây xanh là cây rau cao cấp so với các loại rau màu khác nên nhu cầu tiêu thụ trên thị trường rất lớn. Đầu ra được Công ty Cẩm Hon (xã Hiệp Thành) bao tiêu để xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan…

Từ năm 2009, Tỉnh ủy đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp tỉnh và TP. Bạc Liêu nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển cây măng tây nhằm hướng đến xây dựng mô hình nông nghiệp đô thị; phát triển cây măng tây xanh trên địa bàn thành phố trở thành một sản phẩm mang thương hiệu đặc thù của Bạc Liêu; tạo ra một vùng nguyên liệu lớn sản xuất măng tây theo quy chuẩn VietGAP; cung ứng sản phẩm rau cao cấp, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, phục vụ người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu ổn định. Qua đó gia tăng chuỗi giá trị sản xuất, chế biến và tiêu thụ, tăng thu nhập cho nông dân, xóa đói giảm nghèo, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở các xã vùng ven thành phố...

Xuất phát từ chỉ đạo trên, năm 2014, Phòng Kinh tế TP. Bạc Liêu đã xây dựng Đề án phát triển sản xuất và tiêu thụ cây măng tây trên địa bàn thành phố giai đoạn 2014 - 2018. Song, đến nay đề án trên vẫn chưa được triển khai. Do vậy, diện tích sản xuất măng tây cứ teo dần và đến nay thành phố chỉ còn khoảng 1ha trồng măng tây. Rồi doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm măng tây là Công ty Cẩm Hon cũng giải thể vì không có nguyên liệu để thu mua xuất khẩu. Theo ông Lâm Vĩnh Chân, Phó trưởng phòng Kinh tế TP. Bạc Liêu: “Nguyên nhân đề án phát triển măng tây chưa được phê duyệt và triển khai là do vốn đầu tư lớn”.

Thiết nghĩ, khó khăn này hoàn toàn có thể giải quyết được thông qua việc huy động các nguồn lực liên kết đầu tư từ doanh nghiệp và quy hoạch măng tây thành nhiều tiểu vùng sản xuất. TP. Bạc Liêu có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển cây măng tây xanh, vì ngoài điều kiện thổ nhưỡng tốt, hệ thống giao thông, thủy lợi, hạ tầng sản xuất cũng cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển cây măng tây. Cùng với đó, vùng sản xuất cây măng tây có lực lượng lao động dồi dào, có kinh nghiệm trồng rau màu, diện tích đất sản xuất giữa các hộ lại liền kề nhau, thuận lợi cho việc hình thành vùng rau màu chuyên canh. Đây cũng là một lợi thế trong việc trồng và thu hoạch, áp dụng cơ giới hóa, tạo vùng sản xuất cây măng tây với quy mô lớn…

Từ những tiềm năng và lợi thế trên cho thấy, việc phát triển cây măng tây ở các xã vùng ven trên địa bàn TP. Bạc Liêu là rất cần thiết và cần được quan tâm. Đây là nguồn lợi rất lớn cần được đầu tư khai thác nhằm hướng đến xây dựng mô hình nông nghiệp đô thị mang lại giá trị cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho các xã vùng ven.

Tú Anh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.