Nhịp sống đô thị
Hội Khuyến học TP. Bạc Liêu: Chung tay xây dựng xã hội học tập
Để xây dựng một xã hội học tập, góp phần đào đạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong những năm qua, Hội Khuyến học TP. Bạc Liêu đã xây dựng nhiều mô hình hay và tạo nên sức lan tỏa lớn. Qua đó, góp phần quan trọng vào sự nghiệp “trồng người”, khơi dậy phong trào thi đua học tập trong cả cộng đồng.
Nhiều tấm gương điển hình
Hội Khuyến học và Phòng GD-ĐT TP. Bạc Liêu đã xây dựng kế hoạch liên tịch, hướng dẫn trung tâm học tập cộng đồng, các trường học tổ chức tuyên truyền, vận động về phong trào học tập suốt đời gắn với các chủ đề như: “Học để trở thành người công dân tốt”, “Học tập để có nghề nghiệp và lao động ngày càng hiệu quả”, “Học cho bản thân và những người xung quanh hạnh phúc”, “Chung tay xây dựng thư viện, thường xuyên đọc nhiều sách hay”…
Cùng với đó là phát động các phong trào thi đua và xây dựng các mô hình hay như: “Nuôi heo đất tiết kiệm khuyến học” trong ngành Giáo dục, Hội LHPN, Hội Nông dân, Thành đoàn... Đồng thời, phát huy vai trò của các doanh nghiệp và tổ chức từ thiện xã hội cùng chăm lo cho việc học thông qua các hoạt động tặng xe đạp, dụng cụ học tập, trao học bổng cho học sinh nghèo…
Từ khi triển khai thực hiện Quyết định số 281 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng đến năm 2020”, Hội Khuyến học TP. Bạc Liêu đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền và đưa đề án này đi vào cuộc sống. Từ đó, ý thức về học tập suốt đời của người dân được nâng lên khá rõ nét, các mô hình học tập ngày càng được nhân rộng, lan tỏa. Bên cạnh đó, trong thực hiện phong trào xây dựng các mô hình học tập gắn kết với phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, thực hiện đô thị văn minh, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư…, đã xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương điển hình và chính họ đã góp phần quan trọng vào việc khuyến khích mọi người cùng tham gia xây dựng gia đình hiếu học.
Trong 5 năm qua, trên địa bàn TP. Bạc Liêu có gần 300 lượt gia đình, dòng họ tiêu biểu được tuyên dương. Điển hình như gia đình bà Nguyễn Lộc Thu (khóm 10, Phường 1) nhiều năm được công nhận gia đình học tập. Từ đôi quang gánh trên vai với nghề thu mua phế liệu, gia đình bà Thu đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo và nuôi con học hành thành tài. Hay như gia đình bà Lý Vĩnh Tơ (khóm 5, Phường 2), tuy đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhưng gia đình đặc biệt quan tâm đến việc tạo nền tảng tương lai cho các con bằng việc học hành đến nơi đến chốn. Bản thân bà Tơ cũng tích cực tham gia dạy học ở các lớp phổ cập giáo dục, xóa mù chữ để trẻ em cơ nhỡ, người lao động nghèo được đến lớp…
Trao học bổng và dụng cụ học tập cho học sinh hiếu học trên địa bàn Phường 2 (TP. Bạc Liêu). Ảnh: Kim Khuyến
Tiếp tục phát huy
Tiếp tục thực hiện tốt phong trào xây dựng xã hội học tập và phát huy những kết quả đã đạt được, Hội Khuyến học TP. Bạc Liêu sẽ quán triệt và thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Trong đó, lấy phong trào học tập suốt đời, học tập với động cơ trong sáng làm trọng tâm.
Bên cạnh đó, tích cực tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền tổ chức quán triệt tinh thần Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị, Quyết định 281 của Thủ tướng Chính phủ nhằm có sự chỉ đạo xuyên suốt, chặt chẽ hơn đối với công tác xây dựng xã hội học tập ở địa phương. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp từng nơi, từng lúc về phong trào học tập suốt đời, nhằm nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân, thu hút người học ngày càng đông, nhất là quan tâm đến việc học tập trong nhóm đối tượng người lớn.
Song song đó, thực hiện tốt mối liên kết, phối hợp với ngành Giáo dục và các ngành có liên quan duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Học tập cộng đồng để phát huy vai trò, chức năng của các trung tâm và trung tâm phải là công cụ thiết yếu ở cơ sở trong việc xây dựng xã hội học tập. Đặc biệt, quan tâm đầu tư, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, nhất là việc phối hợp với các thiết chế văn hóa như: thư viện, nhà văn hóa, là điểm liên kết Internet để truy cập thông tin nhằm khuyến khích học nghề, tạo việc làm cho lao động, tăng thu nhập gia đình. Tổ chức đánh giá, công nhận “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” định kỳ, biểu dương, khen thưởng kịp thời những mô hình học tập tiêu biểu để nhân rộng và khích lệ phong trào…
Hoàng Dũng (Hội Khuyến học TP. Bạc Liêu)
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ