Nhịp sống đô thị
Lập lại trật tự các điểm mua bán: Cần nêu cao ý thức và trách nhiệm
Có thể nói, một trong những khó khăn trong việc lập lại trật tự và thực hiện văn minh đô thị chính là việc sắp xếp lại các điểm mua bán. Tuy nhiên, nếu không đi sâu vào việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân thì việc xử lý các điểm nóng về mua bán gây mất trật tự, an toàn giao thông và làm ô nhiễm môi trường chẳng khác nào “bắt cóc bỏ dĩa”.
Chợ Cầu Xáng (phường 1, TP. Bạc Liêu) vừa được đầu tư xây thêm điểm bán mới, nhưng lại không thu hút được tiểu thương vào chợ. Ảnh: L.D
Để lập lại trật tự mua bán, đảm bảo mỹ quan đô thị và thực hiện văn minh thương mại, thời gian qua ngành quản lý và các địa phương đã tích cực ra quân làm tốt công tác này. Đi cùng với việc xử lý là nhắc nhở, vận động và tuyên truyền các hộ mua bán thực hiện đúng các quy định trật tự đô thị như: không mua bán lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, vứt rác bừa bãi… Bên cạnh đó, có tổ chức sắp xếp và vận động doanh nghiệp đầu tư xây dựng thêm các điểm mua bán mới để bố trí cho các hộ này.
Điển hình như phường 1 (TP. Bạc Liêu) đã bố trí sắp xếp cho các hộ mua bán trên vỉa hè, lòng đường vào khu vực chợ trung tâm và tổ chức đóng chốt túc trực để xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Hay như Công ty Minh Thắng đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng thêm các quầy, sạp nhằm đưa các hộ mua bán dưới lòng đường, vỉa hè khu vực đường Hoàng Diệu (phường 1 (TP. Bạc Liêu) vào trung tâm chợ Cầu Xáng…
Tuy nhiên, qua hơn 1 tháng ra quân quyết liệt, công tác xử lý nạn “chợ nhóm, chợ chạy” trên địa bàn thành phố vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân là do ý thức của người mua bán chưa cao, ngoài giờ hành chính nhiều người mua bán ở khu vực chợ phường 1 lại tiếp tục bày hàng hóa ra đường, thậm chí ngay khu vực chợ Cầu Xáng (đường Hoàng Diệu, phường 1, TP. Bạc Liêu), mặc dù UBND thành phố đã chỉ đạo che chắn bằng rào lưới, nhưng nhiều người vẫn tái lấn chiếm và tiếp tục gây khó khăn cho ngành quản lý. Bởi các đội Quản lý trật tự đô thị không thể túc trực 24/24 giờ; hay cứ phải xử phạt đi xử phạt lại, vì mục đích chính của việc lập lại trật tự mua bán là để người dân được an cư, có điểm mua bán đàng hoàng, ổn định và đáp ứng nhu cầu phát triển của một đô thị văn minh. Do vậy, cùng với sự nỗ lực của ngành quản lý, các địa phương cần tập trung làm tốt hơn nữa công tác vận động, tuyên truyền các hộ mua bán thực hiện tốt các quy định về trật tự mua bán. Đặc biệt là người tiêu dùng hãy nói không với việc mua hàng rong, vì đây cũng là một trong những động thái góp phần tích cực cùng với chính quyền, ngành chức năng loại bỏ nạn chợ chạy, chợ nhóm.
Tư Đô Thị
- Hải đoàn 42: Tổng kết 10 năm thực hiện việc học tập và làm theo Bác
- Hơn 90 cán bộ Đoàn, Hội được bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ năm 2025
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Đông Hải
- Ban Chỉ đạo 389 quốc gia giao ban công tác quý 1/2025
- Mở 3 lớp tập huấn cho cán bộ Hội Cựu chiến binh toàn tỉnh