Nhịp sống đô thị

Nuôi cua thương phẩm: Cơ hội mới cho nông dân TP. Bạc Liêu

Thứ Tư, 02/10/2013 | 17:22

So với mọi năm, hoạt động nuôi trồng thủy sản của nông dân ở TP. Bạc Liêu năm nay gặp nhiều khó khăn. Tính đến tháng 9/2013, tổng diện tích nuôi trồng chỉ khoảng 5.270ha, giảm hơn 21% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, dịch bệnh đã làm tôm chết hơn 1.210ha, đời sống của nhiều hộ nuôi tôm lâm vào cảnh nợ nần, khốn khó.

Bỏ đất vì tôm chết

Từ đầu năm đến nay, giá tôm nguyên liệu vẫn giữ ở mức cao nên nhiều nông dân tập trung thả nuôi. Song, khổ nỗi, cứ 1 - 2 tháng là tôm nuôi bị thiệt hại. Từ đó, kéo theo nguồn tôm nguyên liệu khan hiếm, giá thu mua luôn ở mức cao. Thấy tôm có giá cao, nhiều nông dân tiếp tục thả nuôi mới. Và rồi thiệt hại do tôm chết vẫn không ngừng tăng.

Giới thiệu mô hình nuôi cua cho nông dân xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu). Ảnh: L.H

Ông Ngô Hiếu Dân, Chủ tịch UBND xã Hiệp Thành, cho biết: “Do tôm chết nên nhiều nông dân của xã phải ngưng nuôi tôm, bỏ đất trống với diện tích hơn 60ha. Có hộ thả nuôi lại 2 - 3 lần, nhưng tôm vẫn tiếp tục bị thiệt hại và họ không còn vốn để tái đầu tư. Ngay cả những “đại gia” có kinh nghiệm nuôi tôm cũng phải sản xuất cầm chừng, hoặc tạm ngưng nuôi tôm. Còn một số ít hộ tiếp tục thả nuôi để trông chờ vào bảo hiểm bồi thường”.

Nuôi tôm thật khó khăn! Nhưng không nuôi tôm thì phải nuôi con gì, khi mọi vốn liếng, kinh nghiệm lâu nay đều đầu tư cho con tôm? Và cây, con gì sẽ mang lại lợi nhuận tương đương như con tôm? Mặt khác, trong khi đất đai nhiễm mặn, muốn chuyển đổi mô hình sản xuất ngoài con tôm bằng những loại cây trồng, vật nuôi khác, đó không phải là chuyện dễ. Chính cái vòng luẩn quẩn ấy mà đến nay, nhiều nông dân vẫn chấp nhận đánh cuộc may rủi với con tôm (?!).

Thay con tôm bằng con cua

Theo ông Dương Thành Trung, Bí thư Thành ủy TP. Bạc Liêu: “Nông dân nuôi tôm bây giờ chẳng khác nào đánh cược. Đời sống, thu nhập của họ rất bấp bênh. Đây là nỗi trăn trở của Đảng bộ thành phố. Thành ủy đã tổ chức đoàn đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm để tìm những mô hình sản xuất mới, mô hình đa canh nhằm thay thế dần cho việc độc canh con tôm. Trong đó, có mô hình nuôi cua biển xuất khẩu”.

Để thực hiện mô hình này, Thành ủy đã chỉ đạo ngành chuyên môn nghiên cứu về đặc điểm sinh học của con cua. Qua đó, tìm ra nguyên nhân vì sao cua chậm lớn, và tìm cách đẩy nhanh quá trình cua lột xác, lớn nhanh, giảm hao hụt về đầu con… Khi giải đáp được những vấn đề trên, chắc chắn mô hình nuôi cua sẽ mở ra hướng đi mới cho người nông dân thành phố.

Để khuyến khích phát triển mô hình nuôi cua, lãnh đạo TP. Bạc Liêu cũng đã liên kết với Công ty Xuất nhập khẩu miền Nam - TP. Cần Thơ (viết tắt là Công ty XNKMN) giúp nông dân tiêu thụ hàng hóa. Ông Trần Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty XNKMN, cho rằng: “Qua nghiên cứu, vùng đất Bạc Liêu rất thích hợp để phát triển mô hình nuôi cua. Tiềm năng của tỉnh cho mô hình này là rất lớn. Công ty sẽ bao tiêu sản phẩm cho nông dân với cua nuôi trọng lượng từ 40 - 60g/con. Sau đó, sẽ tiếp tục nuôi để cua phát triển thành cua lột và xuất khẩu. Về giá thu mua, Công ty XNKMN luôn mua cao hơn giá thị trường, đảm bảo nông dân có lợi nhuận”.

Khác với mô hình nuôi cua thương phẩm khác, Công ty XNKMN chỉ thu mua cua có trọng lượng nhỏ với thời gian nuôi từ 1 - 1,5 tháng/vụ. Do vậy, người nuôi sẽ có điều kiện thả nuôi nhiều vụ trong năm.

Mô hình sản xuất này sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho nông dân TP. Bạc Liêu. Đồng thời, góp phần khắc phục tình trạng bỏ đất trống, giảm chi phí đầu tư so với nuôi tôm công nghiệp. Với đặc điểm cua nuôi ít dịch bệnh, lượng cua giống Bạc Liêu dồi dào, nguồn thức ăn tự nhiên khá phong phú… nông dân nuôi cua sẽ có lãi.

KIM TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.