Nhịp sống đô thị
Phát huy thế mạnh kinh tế cho tăng trưởng
Với vị trí là trung tâm kinh tế đầu tàu của tỉnh, TP. Bạc Liêu đã và đang tập trung phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) và thương mại - dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.
Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm tại Siêu thị Co.opmart Bạc Liêu. Ảnh: L.D
Đến nay, thành phố có trên 1.000 cơ sở sản xuất và tham gia giải quyết việc làm cho hơn 4.347 lao động với các mặt hàng chủ lực, như: chế biến thực phẩm và đồ uống, sản xuất sản phẩm dệt may, sửa chữa và sản xuất các sản phẩm bằng kim loại, sản xuất giường, tủ, bàn, ghế, rượu... Một số sản phẩm đã có thương hiệu và uy tín trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Tổng giá trị sản xuất CN-TTCN bình quân đạt 13.055 tỷ đồng (tốc độ tăng trưởng bình quân 14,5%/năm).
Thời gian qua, một số dự án trọng điểm đã được triển khai khá hiệu quả như: Khu công nghiệp Trà Kha có 23 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư, với tổng vốn đầu tư trên 1.600 tỷ đồng; Dự án Nhà máy Điện gió đã hoàn thành giai đoạn II với điện năng sản xuất đạt 320 triệu kWh/năm, hiện đang triển khai giai đoạn III, sản lượng điện dự kiến 370 triệu kWh/năm; Khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu đã được triển khai và đưa vào hoạt động trên diện tích hơn 418ha tại xã Hiệp Thành.
Trong thời gian tới, các dự án nêu trên sẽ đóng góp giá trị gia tăng rất lớn vào ngành công nghiệp của tỉnh và thật sự trở thành khâu đột phá, động lực rất quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng thu ngân sách.
Về lĩnh vực thương mại - dịch vụ, du lịch, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 16,9%. Cùng với việc đầu tư, nâng cấp hệ thống chợ truyền thống (chợ phường, xã), TP. Bạc Liêu đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư hình thành các siêu thị, các loại hình dịch vụ, mua bán hiện đại. Qua đó, vừa phục vụ nhu cầu mua sắm và tham quan du lịch của Nhân dân, vừa từng bước hiện đại hóa lĩnh vực thương mại - dịch vụ của thành phố.
Một số loại hình dịch vụ như: Nhà hàng - khách sạn, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, tư vấn; dịch vụ giải trí, xe buýt, taxi, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân... phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Nhiều dự án du lịch được triển khai, hạ tầng giao thông được đầu tư, nâng cấp; công tác cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực du lịch được đẩy mạnh. Du lịch tín ngưỡng phát triển mạnh và là trọng điểm thu hút khách của thành phố; du lịch sinh thái, du lịch vườn được người dân, doanh nghiệp quan tâm đầu tư; thành lập mới các Câu lạc bộ Đờn ca tài tử phục vụ du khách. Thành phố hiện có 7 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia và 21 di tích được xếp hạng cấp tỉnh; 8/9 điểm du lịch trong toàn tỉnh được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận là điểm du lịch tiêu biểu. Trong 5 năm qua, thành phố đã đón 5.955.000 lượt khách, tăng bình quân 20%/năm, doanh thu đạt khoảng 5.340 tỷ đồng, tăng bình quân 19%/năm…
Tất cả những thế mạnh này sẽ được TP. Bạc Liêu tập trung phát huy, đẩy mạnh trong năm 2022 và hứa hẹn tạo nên những bứt phá mới.
Chí Thiện
- TP. Bạc Liêu: Hơn 140 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ
- Chủ tịch UBND tỉnh phân công ông Dương Hồng Tân phụ trách Sở GD-ĐT
- Kiểm tra, giám sát Chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh