Nhịp sống đô thị
Phát triển CN-TTCN: Cần mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm
Thực hiện Nghị quyết 03/NQ-TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về “đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015” gắn với công nghiệp hóa và hiện đại hóa, TP. Bạc Liêu đã khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh; qua đó góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của thành phố.
Ứng dụng dây chuyền sản xuất hiện đại tại Nhà máy bia Sài Gòn - Bạc Liêu (khu công nghiệp Trà Kha, phường 8, TP. Bạc Liêu). Ảnh: L.D
Đầu tư công nghệ sản xuất mới
Tính đến nay, TP. Bạc Liêu có gần 920 cơ sở sản xuất CN-TTCN. Chỉ tính riêng 10 tháng của năm 2016, tổng giá trị sản xuất CN-TTCN hơn 1.093 tỷ đồng, đạt 84,8% kế hoạch (tăng 9,7% so với cùng kỳ). So với những năm trước đây, các cơ sở sản xuất CN-TTCN đã quan tâm nhiều hơn đến việc ứng dụng và đầu tư công nghệ sản xuất mới, nhằm góp phần hạ giá thành và tạo ra nhiều sản phẩm cạnh tranh. Thậm chí có doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư hàng chục tỷ đồng cho dây chuyền chế biến hiện đại như Công ty TNHH DVTM XNK Trang Khanh (phường 5). Bên cạnh đó, nhiều cơ sở sản xuất các nghề truyền thống khác như: bánh kẹo Huỳnh Minh Thành (phường 2), nước chấm Vĩnh Thắng, bánh Thái Can (phường 5), rượu Bỉnh Thành (phường 1), nước uống đóng chai Thanks (phường Nhà Mát)... không ngừng cải tiến mẫu mã, chất lượng và đáp ứng ngày càng cao nhu cầu, thị hiếu của thị trường trong, ngoài tỉnh. Ngoài ra, các ngành sản xuất phục vụ xây dựng cũng tiếp tục phát triển khá như: sản xuất tấm trần nhựa, tấm lợp, tôn, kẽm...
Với sự đầu tư thay đổi công nghệ và ứng dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật sản xuất mới đã góp phần làm cho giá trị sản xuất CN-TTCN không ngừng tăng thêm. Nếu như năm 2010, giá trị sản xuất CN-TTCN trên địa bàn thành phố đạt 3.520 tỷ đồng, thì đến năm 2016 là 8.535 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng bình quân 19,38%/năm. Tuy nhiên, việc ứng dụng các công nghệ sản xuất mới cũng làm cho hàng ngàn lao động rơi vào cảnh mất việc làm. Hiện các cơ sở sản xuất CN-TTCN trên địa bàn thành phố thu hút khoảng 4.000 lao động và giảm gần 3.000 lao động so với năm 2015.
Đóng gói sản phẩm tại Công ty Trúc Anh (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu). Ảnh: L.D
Cần khai thác tốt lợi thế
So với các địa phương khác, hoạt động sản xuất CN-TTCN trên địa bàn thành phố thuận lợi hơn, vì ngoài giao thông được kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, thị trường tiêu thụ rộng, đây còn là nơi thu hút nhiều dự án phát triển kinh tế lớn của tỉnh.
Thế nhưng, số lượng các cơ sở sản xuất CN-TTCN trên địa bàn thành phố trong những năm qua tăng không nhiều. Điều đáng quan tâm là số cơ sở sản xuất CN-TTCN trên địa bàn thành phố chiếm phần lớn là các cơ sở có quy mô nhỏ và chất lượng kém. Do vậy, giá trị mang lại không nhiều và thiếu những sản phẩm mang tính cạnh tranh cao. Trong đó, xuất phát từ tập quán sản xuất hộ gia đình nên nhiều cơ sở không dám đầu tư mở rộng sản xuất, chưa dám đa đạng hóa ngành hàng và chỉ làm theo thời vụ như: các nghề chế biến thực phẩm, cơ khí, vật liệu xây dựng...
Đến thời điểm này, nhiều cơ sở sản xuất CN-TTCN vẫn không đăng ký vào khu công nghiệp Trà Kha (phường 8) và cơ sở sản xuất nằm xen trong khu dân cư, không đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn về cháy nổ và gây ảnh hưởng đến các hộ dân cư sống lân cận (như các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ khí, chế tạo máy, hàn tiện nằm xen với khu dân cư trên các tuyến đường Trần Huỳnh, Võ Thị Sáu, Hòa Bình...). Xuất phát từ bất cập này mà sản xuất CN-TTCN trên địa bàn thành phố không phát huy được các thế mạnh vốn có, phần lớn các mặt hàng phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng đều phải nhập từ các tỉnh, thành phố khác về. Trong khi các sản phẩm thông dụng như: túi nylon, bạt, cánh quạt chạy oxy, đồ nhựa, lưới đánh cá... vẫn có thể sản xuất được và gắn với thế mạnh về nuôi trồng, khai thác thủy hải sản của tỉnh. Thêm vào đó, trình độ tay nghề của đội ngũ lao động ở các cơ sở sản xuất còn yếu cũng tác động không nhỏ đến sự phát triển CN-TTCN trên địa bàn...
Với những khó khăn trong sản xuất CN-TTCN như hiện nay, việc tăng cường đầu tư để mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm CN-TTCN đóng một vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế của thành phố, khi CN-TTCN đóng góp khoảng 40% GDP. Song, để CN-TTCN phát triển, TP. Bạc Liêu cần làm tốt công tác phối hợp với các ngành chức năng trong việc thực hiện tốt các chính sách về ưu đãi tín dụng, hạ tầng, mặt bằng và đào tạo lao động chất lượng cao.
Để phát triển CN-TTCN, TP. Bạc Liêu sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 03/NQ-TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về “đẩy mạnh phát triển CN-TTCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020”. Phấn đấu đến năm 2020 giá trị sản xuất CN-TTCN và xây dựng đạt từ 50.000 - 55.000 tỷ đồng (trong đó, thành phố quản lý từ 7.000 - 8.000 tỷ đồng). Tập trung chỉ đạo và tạo điều kiện để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn. Đồng thời, tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi để các cơ sở CN-TTCN trên địa bàn mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới thiết bị, công nghệ theo hướng hiện đại, tăng khả năng cạnh tranh và bảo vệ môi trường. Nâng cao chất lượng sản xuất các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng có thế mạnh của địa phương, như: sản xuất nhôm, gỗ, đồ nhựa, bao bì, bánh kẹo, mì, hủ tiếu, bún, các loại nước chấm, rau củ muối, tương chao… Kiên quyết di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư nội ô về khu công nghiệp tập trung theo quy hoạch và lộ trình của tỉnh đã duyệt đến năm 2020, nhất là những cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gây tiếng ồn. Đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, thực phẩm nhằm khai thác nguyên liệu tại chỗ và giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao giá trị cạnh tranh và hướng đến xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp và người dân trong các vùng phát triển CN-TTCN. Tập trung chỉ đạo công tác xây dựng cơ bản, nhất là các công trình, dự án về chỉnh trang, xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị; kết cấu hạ tầng nông thôn; hạ tầng giao thông; khu công nghiệp; các dự án trọng điểm… nhằm từng bước xây dựng thành phố tiến tới văn minh, hiện đại theo xu hướng chung của các đô thị hiện nay. T.A (tổng hợp) |
Ngọc Điệp
- Tập huấn chuyên sâu về thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
- Hội Cựu chiến binh TP. Bạc Liêu: Tổng kết công tác Hội năm 2024
- Tỉnh Bạc Liêu và Quảng Ngãi chia sẻ kinh nghiệm về công tác chống khai thác IUU
- Hơn 200 cán bộ, giáo viên mầm non được bồi dưỡng năng lực giáo dục quyền con người
- Tận dụng, phát huy nguồn lực thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu