Nhịp sống đô thị
Phòng chống bệnh sốt xuất huyết: Cần nâng cao ý thức người dân
Năm 2012, TP. Bạc Liêu là một trong những địa phương có số ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) cao nhất tỉnh - 211 ca. Riêng 4 tháng đầu năm 2013, trên địa bàn thành phố xảy ra 4 ổ dịch. Để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, thời gian tới, TP. Bạc Liêu tập trung nâng cao ý thức người dân về việc phòng chống dịch bệnh và khả năng ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra.
![]() |
Cán bộ y tế khám chữa bệnh và tuyên truyền về phòng chống bệnh sốt xuất huyết cho người dân xã Vĩnh Trạch Đông. Ảnh: H.L |
Bác sĩ Trương Văn Sơn, Phó trưởng Khoa kiểm soát dịch bệnh Trung tâm Y tế TP. Bạc Liêu, cho biết: “Đơn vị đã xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh SXH. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền phòng chống dịch nhằm phát hiện sớm những ca bệnh để kịp thời điều trị, cũng như xử lý không cho dịch bệnh bùng phát, lây lan. Bên cạnh đó, phối hợp với ngành GD-ĐT thành phố tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý các trường mầm non, mẫu giáo trong công tác phòng chống dịch bệnh. Tập trung hoàn thiện các mô hình phòng chống SXH chủ động thông qua hoạt động của cộng tác viên”.
Theo ngành chức năng, đầu mùa mưa là thời điểm thuận lợi cho lăng quăng và muỗi phát triển gây bệnh. Vì vậy, cùng với công tác phòng chống dịch bệnh của ngành Y tế thì các phường, xã cần triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, muỗi ở cộng đồng. Ông Cái Hoàng Vũ, nhân viên Khoa kiểm soát dịch bệnh Trung tâm Y tế TP. Bạc Liêu, cho rằng: “Công tác phòng chống dịch bệnh SXH chủ yếu dựa vào ý thức người dân. Do đó, các phường, xã cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao hiểu biết phòng ngừa SXH cho bản thân và gia đình, góp phần ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn thành phố”.
Với khẩu hiệu “Truy nã lăng quăng”, “Không có lăng quăng, không có bệnh SXH”, Trung tâm đã triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường như: thu gom vật dụng phế thải, phát quang bụi rậm… Song song đó, phân công cán bộ y tế đến từng nhà tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu nguyên nhân gây ra dịch bệnh SXH; hướng dẫn người dân thu dọn vệ sinh xung quanh khu vực sinh sống, khơi thông cống rãnh, thả cá vào các bể chứa nước sinh hoạt, úp các vật chứa nước mưa như chén, gáo dừa, lốp xe hỏng…
Chị Thái Kim Ngân (phường 8, TP. Bạc Liêu) nói: “Nhờ cán bộ y tế tuyên truyền, hướng dẫn mà tôi hiểu được tầm quan trọng của việc vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng phòng chống bệnh SXH. Hàng ngày, tôi thường xuyên dọn vệ sinh nhà cửa, đậy kín lu nước để muỗi không có nơi ẩn nấp. Ngoài ra, tôi còn cho con ngủ mùng cả ban đêm lẫn ban ngày, mặc quần áo dài tay, bôi thuốc chống muỗi để tránh bị muỗi cắn”.
Tin rằng, với sự quan tâm của ngành Y tế và ý thức của người dân sẽ góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh SXH gây ra.
Hoàng Lam
- Sức sống mới ở những vùng căn cứ cách mạng
- Thế hệ sinh năm 1975: Trưởng thành cùng quê hương Bạc Liêu
- Đại thắng mùa Xuân 1975: Minh chứng thuyết phục về sức mạnh đoàn kết dân tộc
- Bạc Liêu - Cà Mau chiếm gần 30% tiềm năng điện gió ven bờ cả nước
- Bàn giao 101 máy quét Căn cước và thiết bị sinh trắc học cho các cơ sở y tế