Nhịp sống đô thị
Thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp và xây dựng
Thực hiện Kết luận 64-KL/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về “tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”, TP. Bạc Liêu đã thu hút đầu tư, phát triển khá mạnh về lĩnh vực này. Qua đó, góp phần quan trọng vào tăng thu ngân sách và giải quyết việc làm cho nhiều lao động của địa phương.
Sản xuất sợi tại Công ty Bao bì dầu khí Khu công nghiệp Trà Kha (Phường 8, TP. Bạc Liêu). Ảnh: T.A
Đến nay, TP. Bạc Liêu có hơn 1.000 cơ sở sản xuất CN-TTCN và giải quyết việc làm trực tiếp cho trên 4.340 lao động. Trong đó, có tập trung sản xuất nhiều mặt hàng chủ lực, như: chế biến thực phẩm và đồ uống, sản xuất sản phẩm dệt may, sản phẩm kim loại, sản xuất rượu, thức ăn chăn nuôi... Một số sản phẩm đã có thương hiệu, uy tín trên thị trường trong và ngoài tỉnh như: bia Sài Gòn, bao bì dầu khí, thức ăn thủy sản Tomking… Từ đó, góp phần cho tổng giá trị sản xuất CN-TTCN đạt 13.055 tỷ đồng với tốc độ tăng trưởng bình quân 14,58%/năm.
Đến nay, TP. Bạc Liêu thu hút nhiều dự án trọng điểm, được triển khai khá hiệu quả như: Khu công nghiệp Trà Kha có 15 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng số vốn gần 850 tỷ đồng; Dự án Nhà máy điện gió đã hoàn thành giai đoạn 2 với điện năng sản xuất đạt 320 triệu kWh/năm, hiện đang triển khai giai đoạn 3 với 71 tua-bin, sản lượng điện dự kiến 370 triệu kWh/năm; Khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu đã được quy hoạch và triển khai trên diện tích hơn 418ha tại xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông… Các dự án này khi hoàn thành sẽ đóng góp giá trị gia tăng rất lớn vào ngành công nghiệp của thành phố và của tỉnh. Đây chính là khâu đột phá, tạo động lực rất quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Phát huy thế mạnh này, từ nay đến năm 2025, TP. Bạc Liêu sẽ tích cực mời gọi đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, cấp thoát nước. Ưu tiên tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn, điện, thủy lợi, công nghệ thông tin phục vụ cho phát triển CN-TTCN. Đồng thời, khuyến khích và tạo điều kiện cho các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới thiết bị, công nghệ tiên tiến, ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất, không ô nhiễm môi trường. Kiên quyết di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư về khu công nghiệp tập trung theo quy hoạch đã được phê duyệt…
Nguyễn Trường (Phòng Kinh tế TP. Bạc Liêu)
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ