Nhịp sống đô thị
Thực hiện Đề án 938: Góp phần nâng cao nhận thức của phụ nữ đối với các vấn đề xã hội
Thời gian qua, Hội LHPN TP. Bạc Liêu đã tích cực thực hiện Đề án “tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ” (gọi tắt là Đề án 938). Qua đó, đã góp phần không nhỏ giúp hội viên, phụ nữ thành phố nâng cao nhận thức, hình thành nếp sống theo Hiến pháp và pháp luật; từng bước khẳng định vị thế trong gia đình, xã hội.
Hội LHPN và Công an thành phố trao quà Tết cho trẻ em mồ côi do COVID-19.
ĐẨY MẠNH TUYÊN TRUYỀN
Để thực hiện tốt Đề án 938, Hội LHPN TP. Bạc Liêu đã chủ động tham mưu cho UBND thành phố phê duyệt Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) thực hiện Đề án và xây dựng Quy chế hoạt động của BCĐ Đề án, Kế hoạch hoạt động giai đoạn 2023 - 2027.
Bên cạnh đó, Hội LHPN TP. Bạc Liêu đã phát huy hiệu quả của hình thức tuyên truyền miệng thông qua sinh hoạt chi hội, tổ hội với các nội dung về Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, các nghị quyết, chiến lược, chương trình quốc gia về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, truyền thống phụ nữ Việt Nam, các chính sách về bảo vệ phụ nữ và trẻ em, kiến thức chăm sóc sức khỏe, kỹ năng nuôi dạy con tốt…
Cùng với đó là chỉ đạo Hội LHPN các phường, xã phối hợp với Trạm y tế tổ chức tuyên truyền chương trình sàng lọc trước và sau khi sinh, mất cân bằng giới tính khi sinh; khám, chữa bệnh miễn phí cho hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài ra, Hội LHPN thành phố còn phối hợp với Công an TP. Bạc Liêu và Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức tuyên truyền về an toàn giao thông, phòng chống ma túy và vệ sinh môi trường, công tác “Chăm sóc trẻ em và phòng, chống bạo lực gia đình”.
Đặc biệt trong 3 năm qua, Hội LHPN TP. Bạc Liêu đã phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH thành phố ra mắt và duy trì 111 địa chỉ tin cậy cộng đồng và 3 mô hình “Nhà tạm lánh cộng đồng” tại 3 xã vùng ven. Đồng thời, xây dựng, duy trì các mô hình, tổ, câu lạc bộ (CLB) như: CLB “Nuôi con an toàn”, CLB “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” và thành lập 10 tổ “Tuyên truyền, tư vấn pháp luật”, 10 tổ “Hòa giải ở cơ sở” có 110 thành viên…
Đi cùng với các hoạt động tuyên truyền, Hội LHPN còn phối hợp thực hiện tốt các hoạt động xã hội như: tặng quà cho trẻ em, trao học bổng, tặng nhà tình thương…
Tặng quà nhân dịp đầu năm học mới cho học sinh hiếu học trên địa bàn TP. Bạc Liêu. Ảnh: K.T
PHỤ NỮ LÀM TRUNG TÂM
Nhìn chung, điểm khác biệt của Đề án 938 đó là các hoạt động thiết thực căn cứ trên quan điểm “Phụ nữ làm trung tâm”, phụ nữ vừa là chủ thể hành động, vừa là đối tượng thụ hưởng, đảm bảo giải quyết được một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, góp phần xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Đồng thời, việc triển khai thực hiện Đề án 938 đã giúp hội viên, phụ nữ nâng cao nhận thức, hình thành nếp sống theo Hiến pháp và pháp luật, góp phần thúc đẩy hội viên, phụ nữ chủ động tham gia các hoạt động xã hội một cách tích cực hơn.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 938 và tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ cùng thực hiện vẫn còn một số hạn chế nhất định như: một bộ phận phụ nữ còn tự ti, an phận, chưa tự phấn đấu vươn lên khẳng định mình trong cuộc sống. Một số cán bộ Hội làm công tác tuyên truyền còn hạn chế về trình độ, kỹ năng. Việc tổ chức tuyên truyền và chỉ đạo thực hiện các mô hình mới, duy trì các mô hình đã thành lập từ trước đó còn chậm so với yêu cầu, nhiệm vụ Đề án. Ngoài ra, việc hạn chế về kinh phí cũng đã ảnh hưởng phần nào đến kết quả thực hiện Đề án…
Khắc phục những hạn chế tồn tại để Đề án 938 đạt kết quả cao hơn, Ban Thường vụ Hội LHPN TP. Bạc Liêu tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chú trọng đổi mới nội dung đảm bảo có chiều rộng lẫn chiều sâu với nhiều hình thức hấp dẫn như: tuyên truyền qua các trang thông tin điện tử, các trang Zalo, Facebook do Hội quản lý; tổ chức sinh hoạt hội viên theo các chuyên đề, các loại hình CLB, tổ chức giao lưu, tọa đàm trao đổi kiến thức. Chỉ đạo các phường, xã quan tâm xây dựng lực lượng nòng cốt để kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng và phối hợp giải quyết những bức xúc của phụ nữ liên quan đến đời sống dân sinh, quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ.
Bên cạnh đó, tổ chức giám sát thường xuyên việc thực hiện các chủ đề của Đề án 938; xây dựng cơ sở dữ liệu về tình hình phụ nữ, trẻ em gái bị bạo lực giới/bạo lực gia đình phục vụ cho hoạt động đề xuất chính sách trong những năm tiếp theo.
Tiếp tục phối hợp với các ngành, đoàn thể (nhất là ngành Công an, Tư pháp, LĐ-TB&XH) tuyên truyền các thủ đoạn tinh vi của bọn tội phạm cho hội viên, phụ nữ và người dân, nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác. Nói không với tệ nạn xã hội và phối hợp mở các lớp giáo dục kỹ năng sống, phòng chống đuối nước cho trẻ em; các lớp nói chuyện chuyên đề ở các trường học, nâng cao nhận thức cho trẻ. Tổ chức các lớp tập huấn giúp cán bộ, hội viên và phụ nữ tổ chức tốt cuộc sống gia đình, nuôi, dạy con trưởng thành an toàn, thành đạt...
Thực tế cho thấy, Đề án 938 được các cấp Hội Phụ nữ TP. Bạc Liêu đẩy mạnh thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực, tác động tích cực trong hội viên, phụ nữ và cộng đồng. Từ đó, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong các hoạt động hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, thiết thực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ, trẻ em, mở ra cơ hội khởi nghiệp cho phụ nữ trong giai đoạn mới.
KIM KHUYẾN
Triển khai Đề án 938, Hội LHPN TP. Bạc Liêu đã có nhiều hoạt động tích cực, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi của phụ nữ và cộng đồng. Chị em đã mạnh dạn lên tiếng khi bị bạo lực; chủ động tìm kiếm các địa chỉ hỗ trợ tin cậy khi bị bạo lực gia đình... Qua đó, góp phần giảm thiểu số lượng nạn nhân bị bạo lực gia đình, xâm hại tình dục tại các địa phương, thúc đẩy cải thiện và xây dựng một xã hội an toàn, lành mạnh.