Nhịp sống đô thị
Tìm lời giải cho cây màu TP. Bạc Liêu
Với hơn 4.100ha trồng hoa màu, tổng sản lượng cung cấp cho thị trường gần 52.000 tấn/năm, TP. Bạc Liêu được xem là lãnh địa của cây màu. Tuy nhiên, cây màu vẫn chưa phát huy hết hiệu quả kinh tế, người trồng màu vẫn còn nghèo, hàng loạt nghịch lý giữa sản xuất và tiêu thụ đến nay vẫn chưa có lời giải.
Sản xuất manh mún
So với các địa phương khác, sản xuất hoa màu của nông dân ở TP. Bạc Liêu có nhiều lợi thế. Bởi, ngoài thuận lợi về giao thông, gần các chợ đầu mối để tiêu thụ hàng nông sản, thành phố có đến 5 sản phẩm chủ lực có thương hiệu và được công nhận là rau sạch như: hẹ, cải rổ, măng tây, hành tím và ngò rí. Thế nhưng, đầu ra cho các sản phẩm này đều gặp khó và gần như chưa thể cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại và chưa được đưa vào bán ở siêu thị.
* Rau sạch sản xuất tại TP. HCM được bán ở Siêu thị Vinatex Bạc Liêu.
* Rau cải do nông dân TP. Bạc Liêu sản xuất bán tại chợ phường 3, TP. Bạc Liêu. Ảnh: Kiết Tường
Tồn tại bất cập trên và làm cho cây màu chưa phát huy giá trị là do sản xuất manh mún. Đến nay, thành phố vẫn chưa có vùng chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa lớn và bị tuột mất nhiều cơ hội trước những đơn đặt hàng cần sản lượng nhiều và nguồn cung ổn định. Thời gian qua, thành phố và nhiều sở, ngành đã vận động, mời gọi nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các siêu thị giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng. Song, phần lớn nông dân đều không đáp ứng được yêu cầu vì hầu hết diện tích trồng màu đều áp dụng mô hình xen canh, thay vì chuyên canh. Nông dân áp dụng mô hình xen canh nhằm chủ động về thị trường theo kiểu nhỏ lẻ phục vụ việc mua bán hàng ngày, trong khi sản xuất chuyên canh mới tạo ra hàng hóa lớn. Đơn cử như xã Vĩnh Thanh (huyện Phước Long) chỉ tập trung sản xuất cây rau cần nước và cung cấp cho các thương lái hàng chục tấn rau mỗi ngày. Sản xuất chuyên canh không chỉ giúp nông dân sản xuất ra hàng hóa lớn, mà còn tạo điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng các quy trình sản xuất, đầu tư hạ tầng, chuỗi cung ứng và hơn cả là tạo lòng tin cho các doanh nghiệp trong việc ký kết các hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Bởi, doanh nghiệp không thể đầu tư hàng chục tỷ đồng cho việc xây dựng nhà máy, đầu tư công nghệ chế biến, đăng ký chất lượng, thương hiệu chỉ để phục vụ cho vài chục héc-ta, hay chỉ thu vài tấn sản phẩm/ngày.
Cần liên kết và đầu tư
Ông Lâm Vĩnh Chân, Phó phòng Kinh tế TP. Bạc Liêu, cho rằng: “Thành phố đang có kế hoạch phát triển các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa chất lượng cao gắn với việc vận động các doanh nghiệp liên kết với nông dân, hướng đến đưa rau màu vào các siêu thị. Trong đó, sẽ phát huy thế mạnh của từng loại cây trồng thích nghi với 12 tiểu vùng sản xuất của thành phố như: vùng chuyên canh cây hẹ, măng tây, ngò rí…”.
Tuy nhiên, việc phát triển các vùng chuyên canh này mới dừng ở khâu quản lý tốt quy hoạch. Nghĩa là chỉ giữ quy hoạch gắn với mỗi loại rau màu khác nhau, còn đầu tư hạ tầng cho vùng quy hoạch thì chưa, vì thành phố không có vốn(!?).
TP. Bạc Liêu đã có quy hoạch tổng thể cho sản xuất nông nghiệp từ năm 2012. Thế nhưng, đến nay quy hoạch vẫn là quy hoạch và các điều kiện cần về hạ tầng phục vụ cho phát triển sản xuất hoa màu gần như chưa có (như hệ thống thủy lợi khép kín, điện sản xuất và các yếu tố hạ tầng khác). Phản ánh thực trạng trên để thấy, nếu không có đầu tư về hạ tầng và xây dựng quy hoạch riêng cho cây màu, thì mô hình chuyên canh sẽ không phát huy hiệu quả. Đồng thời mục tiêu nâng cao chất lượng, tạo sức cạnh tranh cho cây màu sẽ khó thực hiện.
Trong tưới tiêu, nếu không đầu tư hệ thống thủy lợi riêng để sản xuất thì cây màu sẽ khó được công nhận là rau sạch hay rau an toàn, vì cả vùng trồng màu đều sử dụng chung nguồn nước, khó tránh khỏi nạn ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, cây màu luôn phải chịu cảnh ngập úng, xâm nhập mặn, thất trắng mỗi khi mưa lớn.
Vì vậy, bài toán về hạ tầng phải được giải quyết trước và cần được sự đầu tư của tỉnh (do nguồn vốn phân bổ cho thành phố không đủ đầu tư). Chỉ tính Đề án phát triển cây măng tây trên địa bàn TP. Bạc Liêu giai đoạn 2014 - 2018 cũng phải đầu tư hơn 49,5 tỷ đồng, và đến nay vẫn chưa có vốn để thực hiện.
Cùng với nguồn vốn đầu tư của tỉnh, thành phố cũng phải tranh thủ và vận động các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển hạ tầng theo mô hình sản xuất khép kín. Như Tập đoàn Vingroup đã đầu tư phát triển vùng rau, củ sạch theo mô hình cánh đồng mẫu lớn ở huyện Củ Chi (TP. HCM), Long Thành (tỉnh Đồng Nai), Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc)… Và sản phẩm rau sạch của Vingroup đều có mặt trong hệ thống các siêu thị lớn với giá bán khá cao.
Cây màu của TP. Bạc Liêu rồi sẽ về đâu? Trăn trở ấy đã tồn tại bao năm qua và cần sớm có câu trả lời!
LƯ DŨNG
Theo ông Phạm Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở KH-CN, thời gian qua đã có nhiều đề tài, dự án nghiên cứu về phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng cho cây màu. Tuy nhiên, giá trị kinh tế mang lại từ cây màu vẫn chưa được phát huy, đầu ra không ổn định và nông dân luôn phải đối mặt với nạn “được mùa mất giá”.
Để phát triển cây màu, cùng với tăng cường đầu tư về hạ tầng, cần phải làm tốt mối liên kết “4 nhà”. Trong đó, vai trò của Nhà nước và doanh nghiệp là rất quan trọng.
Cùng với đưa cây màu vào các siêu thị, cần mở các cửa hàng, điểm mua bán rau sạch ở các chợ đầu mối nhằm tạo thói quen cho người tiêu dùng lựa chọn và sử dụng rau sạch. Việc làm này sẽ tác động tích cực đến phát triển sản xuất, làm thay đổi tập quán canh tác cũ và hướng nông dân vào sản xuất rau sạch, vì không sản xuất rau sạch thì không tiêu thụ được. Sở KH-CN sẽ hướng dẫn và chuyển giao những quy trình sản xuất rau sạch, rau an toàn cho nông dân, góp phần nâng cao chất lượng hàng nông sản và hướng đến xây dựng thương hiệu cho rau màu Bạc Liêu.
- Tập huấn chuyên sâu về thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
- Hội Cựu chiến binh TP. Bạc Liêu: Tổng kết công tác Hội năm 2024
- Tỉnh Bạc Liêu và Quảng Ngãi chia sẻ kinh nghiệm về công tác chống khai thác IUU
- Hơn 200 cán bộ, giáo viên mầm non được bồi dưỡng năng lực giáo dục quyền con người
- Tận dụng, phát huy nguồn lực thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu