Nhịp sống đô thị
TP. Bạc Liêu: Chọn nông nghiệp đô thị làm khâu đột phá
So với những địa phương khác trong tỉnh, TP. Bạc Liêu giàu tiềm năng, thế mạnh để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại. Song, muốn phát huy thế mạnh này cũng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Nâng cao lợi nhuận cho doanh nghiệp, nông dân
Chỉ thị 05 của Ban Thường vụ Thành ủy về nâng cao chất lượng xã nông thôn mới (NTM) gắn với phát triển toàn diện lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản giai đoạn 2016 - 2020 và Nghị quyết số 03 của Thành ủy về chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, đặc biệt là thực hiện 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mà TP. Bạc Liêu với vai trò là trung tâm kinh tế “đầu tàu” của tỉnh.
Để thực hiện thắng lợi các chỉ thị, nghị quyết và mục tiêu chiến lược này, thời gian qua TP. Bạc Liêu đã tập trung làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ. Từ đó lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản không ngừng được đầu tư, nâng chất, nhất là các mô hình sản xuất thế mạnh trong nuôi trồng thủy sản, sản xuất rau màu và chăn nuôi.
Để thúc đẩy phát triển sản xuất và thu hút các nhà đầu tư, thành phố đã hoàn thành quy hoạch 12 tiểu vùng sản xuất ở các phường, xã, với tổng diện tích trên 2.748ha; phê duyệt quy hoạch vùng sản xuất lúa, màu, cây ăn trái giai đoạn 2016 - 2020 theo mô hình nông nghiệp đô thị. Từ đó không ngừng phát huy năng suất, giá trị và mang lại nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp, nông dân, với tổng giá trị sản xuất nông nghiệp - thủy sản năm 2020 ước đạt khoảng 20.230 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân là 2,78%/năm.
Trong các thế mạnh về kinh tế, thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn và đang phát triển khá nhanh. Vì vậy, thành phố phối hợp với các cơ quan cấp tỉnh quy hoạch, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, tuyên truyền, vận động nhân rộng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đến các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn. Đã có nhiều doanh nghiệp, trang trại, hộ gia đình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, năng suất tăng từ 10 - 15 lần so với nuôi thông thường, giảm được rủi ro trong nuôi trồng. Điển hình với các doanh nghiệp tiêu biểu như: Việt - Úc, Trúc Anh, Hải Nguyên…
Nông dân phường Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) thu hoạch tôm công nghiệp. Ảnh: L.D
Tiếp cận, ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ mới vào sản xuất
Hiện thành phố đang cùng với tỉnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chuyên về tôm; xây dựng khu nuôi an toàn sinh học theo chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới, hoàn thành các điều kiện, thủ tục để sớm được chứng nhận, xuất khẩu tôm nguyên con sang Úc và các thị trường khác; các mô hình nuôi tôm sú, nuôi tôm thẻ siêu thâm canh trong nhà kín và theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất cao (150 - 200 tấn/3 vụ/năm)... Toàn thành phố có 10 công ty, đơn vị và 76 hộ nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, tổng diện tích gần 550ha, năng suất bình quân 31 tấn/ha.
Riêng lĩnh vực trồng trọt tiếp tục phát triển ổn định theo mô hình liên kết chuỗi giá trị, góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng lúa hàng năm và năm 2020 ước đạt 350.000 tấn. Hiện có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã cùng người dân liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm. Nhiều mô hình cho giá trị gia tăng cao như: Sản xuất lúa theo chương trình “3 giảm - 3 tăng”, trồng rau an toàn trong nhà lưới, măng tây, hẹ, cải rổ, hoa kiểng...
Đối với chăn nuôi phát triển khá đa dạng và tương đối ổn định, cơ bản hình thành một số điểm chăn nuôi tập trung với quy mô lớn như: trang trại chăn nuôi heo, cơ sở nuôi bò giống Sáu Tây, cơ sở nuôi bò vỗ béo, trang trại nuôi cá sấu…, chủ yếu tập trung ở các xã vùng ven như: Vĩnh Trạch, Vĩnh Trạch Đông và Hiệp Thành.
Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, phát triển nông nghiệp trên địa bàn thành phố trong thời gian qua cũng còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài thị trường tiêu thụ không ổn định, phần lớn sản xuất còn mang tính tự phát, thiếu đầu tư và chưa liên kết để sản xuất ra hàng hóa lớn. Hàm lượng “chất xám” và khoa học - công nghệ trong từng sản phẩm còn thấp và phải khẳng định rằng: đến nay thành phố chưa xây dựng mô hình nông nghiệp đô thị như mục tiêu đề ra.
Phản ánh thực trạng này để thấy rằng, trong nhiệm kỳ tiếp theo, Đảng bộ thành phố cần xây dựng một chương trình, hay ban hành một nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp hiện đại mà mô hình nông nghiệp đô thị chính là khâu đột phá. Trong đó, ngoài giải pháp về quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật, vốn đầu tư, cần quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong việc tiếp cận và ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ mới vào sản xuất.
Lâm Vĩnh
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ