Nhịp sống đô thị
TP. Bạc Liêu: Bước tiến trong xây dựng nền nông nghiệp đô thị
Những năm qua, song song với quá trình đô thị hóa, TP. Bạc Liêu đã xây dựng một nền nông nghiệp đô thị (NNĐT) hiện đại. Các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao xuất hiện ngày càng nhiều, mang lại hiệu quả kinh tế siêu lợi nhuận cho nông dân. Nông sản sạch làm ra được bao tiêu, ổn định đầu ra.
Định hình nông nghiệp công nghệ cao
Sau nhiều năm định hướng phát triển, hiện nay, TP. Bạc Liêu đã hình thành được một nền NNĐT hiện đại, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế thành phố. Mặc dù diện tích đất canh tác ngày càng bị thu hẹp nhưng những mô hình sản xuất mới vẫn có thể mang về siêu lợi nhuận cho nông dân, như: trồng hoa lan, măng tây, thanh nhãn, hoa sứ kiểng, nuôi cua, chăn nuôi động vật hoang dã… Sự phát triển NNĐT đang từng bước góp phần thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, đồng thời, giúp nông dân thành phố làm giàu bền vững.
Khi khoa học - công nghệ cao được áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, nông dân TP. Bạc Liêu đã sản xuất thành công những mặt hàng nông sản chất lượng cao. Điển hình như mô hình trồng cây măng tây xanh ở xã Hiệp Thành và xã Vĩnh Trạch Đông. Rồi mô hình trồng măng tây ở ấp Giồng Giữa A (xã Hiệp Thành) của ông Lư Cẩm. Ông Cẩm cho biết: “Măng tây là loài cây dễ trồng, thích nghi với vùng đất Bạc Liêu. Cây măng tây cho thu hoạch gần như quanh năm. Với giá thành từ 30.000 - 65.000 đồng/kg, trung bình, trồng 1 công măng tây nông dân lãi từ 4 - 10 triệu đồng/tháng”. Diện tích trồng măng tây trên thành phố hiện đã hơn 13ha và còn tiếp tục mở rộng.
Bên cạnh cây măng tây, các loại nông sản khác cũng được khoa học - kỹ thuật giúp nâng tầm, như: trồng hạt thì là ở xã Vĩnh Trạch Đông; trồng hoa sứ ghép nhiều màu ở phường 3; hoa lan Mokara, lan Denro ở phường 8…
Nhiều đối tượng nuôi mới cũng được nông dân đưa vào nuôi như cá trạch quế thương phẩm, cua sữa xuất khẩu, cá bống mú… Đặc biệt NNĐT TP. Bạc Liêu có bước phát triển độc đáo là nhiều loài động vật hoang dã được nuôi thành công. Đơn cử như mô hình nuôi đà điểu và gà sao ở trang trại ông Nguyễn Văn Hoạt (ấp Giồng Nhãn A, xã Hiệp Thành). Năm qua, ông Hoạt đã nuôi thành công đàn đà điểu 30 con và 2.000 con gà sao. Đây là đối tượng rất dễ nuôi, mỗi tháng có thể tăng trọng từ 15 - 17kg. Giá đầu tư con đà điểu chỉ hơn 4 triệu đồng, nhưng giá thịt trên thị trường hơn 300.000 đồng/kg. Đó là chưa kể đến việc nhiều đơn vị làm du lịch đặt mua để làm dịch vụ cưỡi đà điểu. Đàn gà sao của ông đã bắt đầu cho trứng. Còn gà thịt có giá từ 90.000 - 100.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, nhím, cá sấu, chim trĩ, rắn… cũng được nhiều người dân thành phố nuôi phổ biến và cho hiệu quả kinh tế cao. Có thể thấy, NNĐT đã mở ra hướng phát triển mới cho nông dân TP. Bạc Liêu hướng đến sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Ông Nguyễn Văn Hoạt với mô hình nuôi đà điểu. Ảnh: Việt Thùy |
Thị trường luôn có nhu cầu lớn về nông sản sạch, và nền NNĐT của TP. Bạc Liêu đang hướng đến đáp ứng nhu cầu đó. Với 5 mô hình sản xuất rau an toàn theo chương trình VietGAP được áp dụng cho 5 loại rau màu chủ lực của thành phố gồm: hẹ, cải rổ, ngò rí, củ hành tím và măng tây xanh, TP. Bạc Liêu đã từng bước xây dựng được những vùng trồng an toàn, đầu ra các mặt hàng hoa màu sạch được liên kết bao tiêu. Mới đây, ngành quản lý đã xúc tiến đẩy mạnh liên kết giữa người dân trồng màu và các hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố để đưa rau sạch vào siêu thị.
Trong tương lai, việc xây dựng thương hiệu sản xuất rau màu sạch cho 5 loại màu chủ lực trên địa bàn TP. Bạc Liêu là không quá khó. Qua đó, Bạc Liêu sẽ tạo được vùng nguyên liệu cung ứng sản phẩm rau cao cấp, phục vụ người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Ông Trần Bảo Hoàng, Trưởng phòng Kinh tế TP. Bạc Liêu, nói: “Việc chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn thuần túy sang phát triển kinh tế NNĐT đã đem lại hiệu quả thiết thực. Giá trị sản xuất bình quân trên đơn vị diện tích đất nông nghiệp tăng nhanh. Đối với đất nuôi trồng thủy sản tăng từ 125 triệu đồng/ha năm 2010 lên 200 triệu đồng/ha năm 2014; đất trồng màu tăng từ 100 triệu đồng/ha năm 2010 lên 180 triệu đồng/ha năm 2014. Chúng ta đã hình thành được nhiều nông sản chủ lực để cung ứng thị trường, phục vụ du lịch”.
NNĐT đang mang lại những lợi ích thiết thực cho nông dân như: cung cấp lương thực - thực phẩm cho thành phố, giải quyết việc làm, kích thích các loại hình dịch vụ phát triển, bảo vệ môi trường, thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hóa...
Phạm Đoàn
- THỦ TƯỚNG TRAO QUYẾT ĐỊNH BỔ NHIỆM VÀ GIAO NHIỆM VỤ CHO 2 TÂN BỘ TRƯỞNG
- Khai mạc Hội chợ thương mại - Triển lãm sản phẩm OCOP tỉnh Bạc Liêu năm 2024
- Tập huấn chuyên sâu về thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
- Hội Cựu chiến binh TP. Bạc Liêu: Tổng kết công tác Hội năm 2024
- Tỉnh Bạc Liêu và Quảng Ngãi chia sẻ kinh nghiệm về công tác chống khai thác IUU