Nhịp sống đô thị
TP. Bạc Liêu: Cần “cú hích” cho sản xuất
Từ năm 2007, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Bạc Liêu khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-TU về chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp đến năm 2010 - giai đoạn 2007 - 2010, và giai đoạn 2011 - 2015 (gọi tắt là Nghị quyết 03). Đây được xem là một trong những nghị quyết quan trọng góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng và mang lại giá trị kinh tế cao.
Nông dân xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) thu hoạch củ cải trắng. Ảnh: L.D
Nghị quyết 03 ra đời đã tạo nên phong trào thi đua khá sôi nổi, bước đầu gặt hái nhiều kết quả phấn khởi. Cụ thể, trong sản xuất rau màu, nếu như trước đây nông dân chỉ sản xuất độc canh cây lúa, thì sau khi có Nghị quyết số 03, nông dân nhiều nơi đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất trên đất lúa gắn với cây màu. Đó là sản xuất kết hợp 1 vụ lúa - 2 vụ màu, hoặc 2 vụ lúa - 1 vụ màu. Những mô hình này mang lại lợi nhuận bình quân từ 50 - 90 triệu đồng/ha/vụ, tập trung nhiều ở phường 8, xã Vĩnh Trạch và xã Vĩnh Trạch Đông…
Cũng từ nghị quyết này, việc cải tạo vườn tạp, phát triển thêm vườn cây, ao cá, chăn nuôi giúp nông dân tăng thêm thu nhập, phục vụ phát triển du lịch...
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, việc chuyển đổi cơ cấu trong sản xuất vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra, bởi một số chương trình, kế hoạch vẫn còn nằm trên giấy. Trong đó, ngoài nguyên nhân chính là thiếu vốn đầu tư, còn có một nguyên nhân mang tính quyết định là chưa làm tốt khâu tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Điều đó bắt nguồn từ nhận thức ở một số địa phương. Có nơi chỉ xem chuyển đổi cơ cấu sản xuất chỉ đơn giản là thay đổi cây trồng - vật nuôi mới, hoặc phát triển thêm mô hình sản xuất, chứ không phải đem lại lợi nhuận hay giúp phát triển bền vững. Do vậy, việc chuyển đổi sản xuất chưa thể giúp nông dân làm giàu hay tạo ra những mô hình đột phá. Đơn cử như khi củ cải bị mất giá, nhiều nơi khuyến khích nông dân chuyển sang trồng cây cải rổ và phát triển diện tích trồng cải rổ. Thế nhưng, cây cải rổ vẫn không tìm được đầu ra! Và khi tìm được đầu ra thì không đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp do sản xuất thiếu tập trung, không đủ số lượng cung cấp cho doanh nghiệp. Cái vòng luẩn quẩn ấy lại đẩy nông dân vào cảnh “mới trồng đã nhổ” - vì đầu ra cho cây màu luôn bấp bênh.
Trên thực tế, có một số địa phương đã tìm ra giải pháp khắc phục khó khăn này, đó là gắn sản xuất với chế biến. Điển hình như ở huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, để củ cải trắng không bị rớt giá, ngoài việc bán củ cải tươi, nông dân còn chế biến củ cải muối, củ cải sấy khô, củ cải làm dưa, củ cải chua ngọt… Các sản phẩm này được đóng gói, trở thành một trong những loại đặc sản cung cấp cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Trước thực trạng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố như hiện nay, rất cần một “cú hích” cho sản xuất. Trong đó, cùng với tổ chức lại sản xuất, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, cần tập trung nâng chất các mô hình theo hướng nông nghiệp đô thị và lấy ứng dụng khoa học - công nghệ làm khâu đột phá.
K.T
- Tập huấn chuyên sâu về thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
- Hội Cựu chiến binh TP. Bạc Liêu: Tổng kết công tác Hội năm 2024
- Tỉnh Bạc Liêu và Quảng Ngãi chia sẻ kinh nghiệm về công tác chống khai thác IUU
- Hơn 200 cán bộ, giáo viên mầm non được bồi dưỡng năng lực giáo dục quyền con người
- Tận dụng, phát huy nguồn lực thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu