Nhịp sống đô thị
TP. Bạc Liêu: Cần nghiên cứu và xây dựng chương trình “nuôi biển”
Cách đây vài năm, TP. Bạc Liêu được xem là khu vực trọng điểm về nuôi tôm công nghiệp so với nhiều địa phương khác trong tỉnh. Song, thời gian gần đây, TP. Bạc Liêu đã đánh mất đi vị trí dẫn đầu về diện tích nuôi tôm công nghiệp và ứng dụng công nghệ cao (CNC).
Hệ thống kênh thủy lợi bị bồi lắng gây khó khăn cho lấy nước nuôi tôm.
NUÔI TÔM GẶP KHÓ
Năm 2023, sản xuất tôm nuôi trên địa bàn TP. Bạc Liêu chỉ đạt 99,90% so với kế hoạch. Sản xuất tôm nuôi tuy chưa đạt kế hoạch đề ra, nhưng so với cùng kỳ năm vẫn tăng 49,63%. Đây là nỗ lực rất lớn của thành phố trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo trước hàng loạt các khó khăn, thách thức đặt ra cho con tôm trong năm 2023, nhất là sự biến động về thị trường và giá thu mua tôm nguyên liệu. Riêng mô hình nuôi tôm CNC được giữ vững, với 139 khu nuôi. Trong đó có 9 công ty, 2 hợp tác xã và 130 hộ dân đang thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng CNC trên tổng diện tích 872ha.
Từ những con số trên cho thấy, mô hình nuôi tôm CNC trên địa bàn thành phố lan tỏa chưa nhiều và gần đây nhiều khu vực nuôi tôm trọng điểm của thành phố đã “treo ao” vì không đủ nước mặn cho nuôi tôm và cả những rủi ro cao phát sinh trong nuôi tôm, đặc biệt là bài toán về môi trường. Thêm vào đó, tình trạng mua bán hóa chất xử lý môi trường, thuốc thú y thủy sản kém chất lượng tại các cửa hàng kinh doanh, hoặc mua bán qua mạng khá phổ biến trong khi tất cả những hàng hóa này chưa được kiểm soát, quản lý chặt chẽ và rất khó đảm bảo chất lượng sản phẩm. Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng tới hiệu quả và năng suất nuôi trồng, gây thiệt hại kinh tế cho người nuôi tôm. Đáng quan tâm nhất là hệ thống công trình thủy lợi chưa đáp ứng phục vụ sản xuất nuôi trồng thủy sản. Cụ thể, ở một số vùng nuôi tôm siêu thâm canh, bán thâm canh chưa có hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt nên dễ gây ô nhiễm chéo và khó xử lý nguồn nước ô nhiễm khi có sự cố. Một số tuyến kênh, nhất là các tuyến kênh dọc theo kênh 30/4 và các tuyến kênh dọc theo tuyến ven biển thuộc địa bàn phường Nhà Mát, xã Hiệp Thành và xã Vĩnh Trạch Đông (vùng nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh ứng dụng CNC của thành phố) bị bồi lắng quá nhanh, trong khi nguồn kinh phí để đầu tư sên vét kênh mương của tỉnh và thành phố thì có hạn. Mặt khác, một số công trình thủy lợi do tỉnh làm chủ đầu tư như cống Trường Sơn 1, các cống dọc theo đường Hoàng Sa… gây thiếu nước phục vụ nuôi tôm kéo dài gây bức xúc cho người nuôi tôm và đẩy sản xuất vào cảnh trì trệ, nông dân thay nhau bỏ ao trống… Đây là những vấn đề cần được Ban chỉ đạo sản xuất TP. Bạc Liêu phối hợp với các ngành chỉ đạo quyết liệt hơn, nhất là nhu cầu cấp nguồn nước mặn phục vụ nuôi tôm đầu năm nay.
Công ty TNHH MTV Hải Nguyên thành công với mô hình nuôi ốc hương biển theo công nghệ sinh học. Ảnh: K.T
HIỆU QUẢ TỪ MÔ HÌNH MỚI
Trước những thách thức và khó khăn cho nghề nuôi tôm, có một tín hiệu đáng mừng là một số doanh nghiệp nuôi tôm hàng đầu của TP. Bạc Liêu đã dành một phần diện tích để thí điểm một số mô hình mới ngay trên đồng tôm của mình. Tiên phong cho cách làm tâm huyết này là Công ty TNHH MTV Hải Nguyên (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu - gọi tắt là Công ty Hải Nguyên) với mô hình nuôi ốc hương biển theo công nghệ sinh học ứng dụng CNC. Tuy mới nuôi thử nghiệm không lâu, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại rất phấn khởi, vì lâu nay con ốc hương biển chỉ được nuôi ở các tỉnh miền Trung. So với nuôi tôm, mô hình nuôi ốc hương biển cho tỷ lệ sống cao chiếm gần 80% và phát triển tốt trong điều kiện độ mặn ở mức thấp khoảng 18 - 20‰. Ốc hương vừa có thể nuôi trong ao bạt, vừa nuôi được trong hồ bê-tông. Mặt khác, nguồn thức ăn phục cho ốc hương biển ở Bạc Liêu khá dồi dào và chủ yếu là cá biển tươi nên chất lượng thịt ốc nuôi rất ngon và mang hương vị đặc trưng. Thời gian nuôi từ 12 - 14 tháng là cho thu hoạch và tùy theo thời điểm, giá ốc nguyên liệu được thương lái thu mua với mức từ 200.000 - 250.000 đồng/kg, đặc biệt ốc hương loại 60 con/kg có giá lên đến 420.000 đồng/kg. Chỉ hơn một năm phát triển mô hình nuôi ốc hương, Công ty Hải Nguyên đã đón nhiều đoàn khách trong, ngoài tỉnh đến tham quan học tập và Công ty Hải Nguyên sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm mô hình nuôi này, nhất là các hộ nuôi tôm gặp khó.
Có thể nói, trong điều kiện nhiều nơi nguồn nước bị ô nhiễm, môi trường nuôi tôm bị tác động từ các loại hóa chất, kháng sinh làm cho nuôi tôm khó thành công thì mô hình nuôi ốc hương của Công ty Hải Nguyên thật sự là một giải pháp hay. Đồng thời, góp phần khắc phục tình trạng bỏ đất trống gây lãng phí tài nguyên đất khi nuôi tôm gặp quá nhiều rủi ro. Ngoài ra, trong xây dựng các mô hình nông nghiệp đô thị gắn với phát triển du lịch thì mô hình nuôi ốc hương này cũng có thể trở thành điểm tham quan để du khách tự bắt ốc và chế biến các món ngon từ ốc. Một vấn quan trọng khác, mô hình nuôi ốc hương biển đã thành công ở ngay trên vùng biển Bạc Liêu càng chứng minh hệ sinh thái biển Bạc Liêu có thể nghiên cứu và phát triển các mô hình “nuôi biển” vốn trở thành xu thế ở các quốc gia có biển hiện nay. Đặc biệt là phù hợp với định hướng và chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam.
Từ cách làm đột phá của Công ty Hải Nguyên, TP. Bạc Liêu cần đánh giá lại thực trạng của nghề nuôi tôm hiện nay và chủ động xây dựng các chương trình “nuôi biển”, nhằm khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vốn có.
KIM TRUNG
Quản lý chặt môi trường và dịch bệnh
Để thúc đẩy nuôi trồng thủy sản phát triển, năm 2024 này TP. Bạc Liêu sẽ chỉ đạo các phường, xã và cán bộ kỹ thuật quản lý chặt chẽ tình hình sản xuất tại địa phương, khuyến cáo nông dân nên kịp thời, chủ động trong việc quản lý các thông số môi trường trong ao nuôi, tuyên truyền nông dân không dùng hóa chất nằm trong danh mục cấm, sử dụng cho ao nuôi hạn chế gây ô nhiễm ảnh hưởng đến tôm nuôi, xử lý mầm bệnh trong ao nuôi mới được xả nước thải ra môi trường không để lây lan dịch bệnh. Đồng thời, hướng dẫn các phường, xã và nông dân thực hiện tốt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh và có biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Khuyến khích người nuôi thành lập các tổ hợp tác, đội tự quản, nhằm phát huy sức mạnh cộng đồng hỗ trợ nhau trong sản xuất.
Bên cạnh đó, các phường, xã có diện tích nuôi thủy sản tăng cường công tác tuyên truyền nông dân phải thực hiện việc thả giống và thiệt hại của bà con nuôi tôm theo Quyết định 369 của Sở NN&PTNT và chỉ đạo cán bộ kỹ thuật theo dõi tình hình thả giống và dịch bệnh trên tôm xảy ra ở đơn vị mình, báo cáo kịp thời cho các ngành chuyên môn để có biện pháp xử lý theo kế hoạch phòng, chống dịch bệnh của tỉnh trên địa bàn thành phố.