Nhịp sống đô thị
TP. Bạc Liêu: Cần những cú hích cho nông nghiệp đô thị
Một trong những mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế từ nay đến năm 2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Bạc Liêu là xây dựng và phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị. Đây không chỉ là nhu cầu tất yếu, mà còn là điều kiện không thể thiếu để thành phố khai thác có hiệu quả đất đô thị trong khi quỹ đất ngày càng bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa.
Xây dựng nhiều mô hình
Hướng đến xây dựng mô hình nông nghiệp đô thị, thời gian qua TP. Bạc Liêu đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi và ban hành nghị quyết để thực hiện mục tiêu này. Đồng thời tăng cường đầu tư, khuyến khích nông dân ứng dụng những mô hình sản xuất mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trồng và kinh doanh hoa kiểng - mô hình nông nghiệp đô thị đang được khuyến khích phát triển. Ảnh: Tú Anh |
Những mô hình trên đã giúp nông dân tăng lợi nhuận trên một đơn vị diện tích. Cụ thể, đối với đất trồng lúa, từ thu nhập 41 triệu đồng/ha vào năm 2010, đến năm 2014 đã tăng lên hơn 60 triệu đồng/ha; đất nuôi trồng thủy sản từ 125 triệu đồng/ha, tăng lên 200 triệu đồng/ha; đất trồng màu từ 100 triệu đồng/ha, tăng lên 180 triệu đồng/ha… Qua đó, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người trong sản xuất nông nghiệp cao hơn bình quân chung của cả nước, từ 21 triệu đồng (năm 2010), tăng lên 30 triệu đồng (năm 2015).
Cần liên kết, đầu tư
Phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị và phát triển bền vững là một trong những mục tiêu chiến lược của TP. Bạc Liêu. Tuy nhiên, để thực hiện hoàn thành mục tiêu này không phải là chuyện dễ làm. Bởi, đó không chỉ là xây dựng hoàn chỉnh về quy hoạch, hạ tầng, tái cơ cấu cây trồng - vật nuôi, mà còn phải liên kết sản xuất, liên kết thị trường và nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGap. Đáp ứng các nhu cầu cơ bản này thì mới phát huy nền nông nghiệp đô thị, nếu không thì vẫn là sản xuất truyền thống.
Đơn cử như cây màu, nhiều năm qua TP. Bạc Liêu đã xúc tiến, xây dựng nhiều chương trình gắn kết với doanh nghiệp theo mô hình từ cánh đồng đến nhà máy và tiêu thụ sản phẩm tại các siêu thị. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa thực hiện được sự liên kết. Bởi, sản xuất nông sản sạch phải gắn với quy hoạch, vùng chuyên canh, sản xuất khối lượng hàng hóa lớn và có quản lý về quy trình sản xuất, chứ không đơn giản chỉ là được cấp giấy chứng nhận rau sạch, hoặc rau an toàn. Thậm chí, rau có thương hiệu vẫn bán không được vì số lượng, chất lượng không đồng nhất, mà cây ngò rí là một minh chứng cụ thể.
Do vậy, cần tăng cường đầu tư cho xây dựng, phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất. Trong đó, ưu tiên đầu tư cho ứng dụng những mô hình sản xuất mới và mạnh dạn thay thế hoặc loại bỏ những cây trồng - vật nuôi kém hiệu quả. Như đối với những khu vực phường 8, phường 7 (nằm gần trung tâm TP. Bạc Liêu) có nhất thiết phải trồng lúa? Và có thể chuyển một phần đất chuyên độc canh cây lúa sang mô hình sản xuất kết hợp theo mô hình nông nghiệp gắn với phát triển dịch vụ - du lịch và thương mại?... Mô hình nông nghiệp đô thị đã và đang phát triển mạnh ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Như khu du lịch Mỹ Khánh, Phong Điền (TP. Cần Thơ), nông dân cũng làm nông nghiệp, nhưng nguồn thu nhập chính lại là dịch vụ - thương mại. Ngay cả khu du lịch vườn nhãn cổ ở các xã vùng ven của TP. Bạc Liêu hiện nay, cây nhãn cũng chỉ có chức năng làm cảnh quan phục vụ cho phát triển du lịch…
Một vấn đề khác, nông nghiệp đô thị cần “đi tắt, đón đầu”, và phải là những mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, giải quyết tốt các vấn đề về môi trường và phát triển bền vững. Tuy nhiên, muốn làm được việc này phải cần những cú hích đột phá. Đó là có cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên đầu tư vốn, nguồn nhân lực… Và quan trọng hơn là làm thay đổi cách nghĩ, cách làm và cả những tập quán sản xuất của nông dân.
Trong quá trình đô thị hóa, nhu cầu cho phát triển công nghiệp, xây dựng, thương mại - dịch vụ và du lịch sẽ làm mất dần đất nông nghiệp. Vì lẽ đó, đất nông nghiệp đô thị phải phát huy hết giá trị vốn có và mang lại lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với đất nông nghiệp thông thường. Và chỉ có mô hình nông nghiệp đô thị mới giải quyết tốt vấn đề này.
KIẾT TƯỜNG
Để phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa và phù hợp với mô hình nông nghiệp đô thị TP. Bạc Liêu sẽ tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp sau:
Trước mắt, hoàn chỉnh các quy hoạch vùng, quy hoạch chi tiết về sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Hình thành các vùng chuyên canh sản xuất rau sạch, cây ăn trái, hoa kiểng, vùng chăn nuôi gia súc - gia cầm, vùng nuôi trồng thủy sản. Kết hợp phát triển nông nghiệp với phát triển các loại hình dịch vụ, các sản phẩm hàng hóa lưu niệm phục vụ du lịch, nhất là du lịch sinh thái, du lịch vườn, du lịch tâm linh.
Khuyến khích nhân rộng các hình thức sản xuất phù hợp, có hiệu quả trong nông nghiệp như: kinh tế hộ, kinh tế trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã… Nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả như: trồng rau sạch, măng tây, lúa chất lượng cao, thanh nhãn, nuôi tôm trong nhà kính, nuôi cua lột xuất khẩu và một số loại cây, hoa kiểng… Đồng thời, vận động nông dân tích cực chuyển đổi mô hình sản xuất, cải tạo vườn tạp; sử dụng, khai thác có hiệu quả mặt nước, ao hồ để nuôi các loại cá, tôm, chăn nuôi các loại động vật quý hiếm nhằm phát triển đa dạng các loại hình sản xuất và tạo ra các sản phẩm hàng hóa chất lượng có thương hiệu, có giá trị kinh tế cao đủ sức cạnh tranh trên thị trường nội địa và tiến tới xuất khẩu.
Giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc đặt ra trong nông nghiệp - nông dân - nông thôn, nhất là nhu cầu về vốn, kỹ thuật, về điện phục vụ sản xuất, nuôi trồng thủy sản, về hệ thống kênh mương thủy lợi, chất lượng sản phẩm và thị trường đầu ra tiêu thụ sản phẩm…
- Tập huấn chuyên sâu về thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
- Hội Cựu chiến binh TP. Bạc Liêu: Tổng kết công tác Hội năm 2024
- Tỉnh Bạc Liêu và Quảng Ngãi chia sẻ kinh nghiệm về công tác chống khai thác IUU
- Hơn 200 cán bộ, giáo viên mầm non được bồi dưỡng năng lực giáo dục quyền con người
- Tận dụng, phát huy nguồn lực thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu