Nhịp sống đô thị

TP. Bạc Liêu: Cần phát động phong trào thi đua đờn ca tài tử

Thứ Tư, 31/07/2013 | 17:31

Để chuẩn bị cho Festival đờn ca tài tử (ĐCTT) quốc gia lần đầu tiên được tổ chức tại Bạc Liêu vào năm 2014, TP. Bạc Liêu đã thành lập Ban chỉ đạo và phát động nhiều phong trào thi đua hướng đến Festival. Để nâng tầm và phát huy hơn nữa giá trị loại hình văn hóa độc đáo này, thiết nghĩ, cần phát động phong trào “nhà nhà, người người học ĐCTT”.

Ai cũng nên biết đờn, ca

Ở đất ĐCTT như Bạc Liêu, chuyện phát động phong trào “nhà nhà, người người học ĐCTT” nói ra cứ tưởng là chuyện đùa, song, thật sự đây là vấn đề cần được quan tâm. Bởi việc làm này sẽ mang lại nhiều ý nghĩa và góp phần tôn vinh thêm vùng đất được mệnh danh là “chiếc nôi” của ĐCTT.

Biểu diễn đờn ca tài tử phục vụ du khách tại khu du lịch vườn nhãn (TP. Bạc Liêu). Ảnh: K.T

TP. Bạc Liêu là nơi sản sinh ra bài ca “Dạ cổ hoài lang”, nhưng hiện nay, có bao nhiêu người thuộc và hát được bài ca này? Về nhạc cụ truyền thống, Bạc Liêu cũng có một vài điểm bán, nhưng lại không chuyên nghiệp mà chủ yếu bán kèm với các mặt hàng điện tử khác. Hầu hết các loại đờn kìm, đờn sến, đờn nhị, trống da, bộ gõ… đều phải mua từ các tỉnh khác và chỉ dành cho những đội nhạc chuyên nghiệp.

Phản ánh thực trạng này để thấy rằng, cần phải chung tay “lấp đầy khoảng trống” còn bị hụt hẫng bấy lâu nay. Vì sẽ rất trớ trêu khi mảnh đất được coi là “chiếc nôi” của cải lương Nam bộ, của ĐCTT, của nhiều nghệ nhân, danh cầm nổi tiếng, nhưng lại ít người biết đờn, biết ca?!...

Một vấn đề quan trọng của ĐCTT (có thể gọi là “cái hồn” của ĐCTT), đó chính là không gian của ĐCTT. Không gian của ĐCTT sẽ trở nên hấp dẫn, lôi cuốn hơn khi những người đến vùng đất này, nơi đâu họ cũng nghe người dân địa phương ĐCTT. Họ thuộc bài ca như ăn sâu vào tim, vào máu, hễ cần là hát ngay. Đó có thể là vài câu hát bông đùa dí dỏm để mời du khách mua hàng; hoặc là lời chào mời uống chén rượu, ly trà; hay là những lời chúc phúc thể hiện sự hiếu khách… Làm được việc này, chúng ta sẽ tạo được cái riêng cho ĐCTT Bạc Liêu và góp phần xây dựng “Bạc Liêu đi lên từ văn hóa”.

Xét ở góc độ nào đó, đây cũng là điều kiện để ĐCTT được UNESCO công nhận nghệ thuật ĐCTT Nam bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, mà sự hấp dẫn của nó được thể hiện ở tính đại chúng, ai cũng biết, ai cũng yêu thích và trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần. Như dân ca quan họ Bắc Ninh là một trong những minh chứng sinh động nhất về việc “nhà nhà, người người” đều ca quan họ; hoặc bà con người dân tộc Khmer gần như ai cũng biết múa lâm thôn…

NÊN PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO thi đua

TP. Bạc Liêu đã từng thành công với việc phát động phong trào “nhà nhà, người người” thi đua trong nhiều phong trào và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Do đó, ở Festival này, cần tiếp tục phát động phong trào học đờn, tập ca và xem việc luyện tập này cũng là một phong trào thi đua.

Trong điều kiện hiện nay, muốn làm được việc này phải tập hợp nghệ nhân. Đồng thời huy động các câu lạc bộ, đội nhạc lễ để gắn kết với phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xem đây là hạt nhân ở từng địa phương để nhân rộng phong trào. Tại các trường học, cần tăng cường các giờ ngoại khóa bằng việc học tập, giao lưu ĐCTT, tổ chức hội thi ĐCTT, qua đó tạo sự lan tỏa cho phong trào ĐCTT. Đồng thời phát hiện, chăm bồi những tài năng về ĐCTT. Bên cạnh đó, cần phát động thi đua sáng tác các lời ca mới trên nền tảng bài “Dạ cổ hoài lang” với nội dung giới thiệu về vùng đất, con người và các tiềm năng, thế mạnh của Bạc Liêu nhân cơ hội Festival cấp quốc gia lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam cho bạn bè thế giới.

Với thế mạnh của vùng đất giàu truyền thống văn hóa, TP. Bạc Liêu nói riêng và tỉnh Bạc Liêu nói chung có thể đẩy mạnh phong trào thi đua này. Đây cũng là một trong những việc làm thiết thực để mỗi người dân Bạc Liêu tích cực tham gia, hướng đến Festival ĐCTT trong niềm vui và tự hào.

LƯ DŨNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.