Nhịp sống đô thị
TP. Bạc Liêu: Cần phát huy giá trị từ các lễ hội dân gian để phát triển du lịch
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được TP. Bạc Liêu tập trung chỉ đạo trong năm 2017 là phát triển du lịch. Để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch, thành phố cần quan tâm đến việc quản lý và tổ chức tốt các lễ hội dân gian.
TẦM QUAN TRỌNG CỦA các lễ hội dân gian
TP. Bạc Liêu là nơi tập trung nhiều lễ hội văn hóa dân gian của cộng đồng người Hoa và đồng bào dân tộc Khmer. Thế nhưng, việc khai thác các giá trị văn hóa truyền thống này dường như chưa được quan tâm. Các lễ hội còn diễn ra theo hình thức “đến hẹn lại lên”, thay vì được tổ chức một cách bài bản để góp phần khai thác có hiệu quả các thế mạnh, giá trị văn hóa của lễ hội cho phát triển du lịch.
Lễ rước thần về xem hát cúng Kỳ yên ở Miếu Vạn Ban Ngũ Hành (phường 2, TP. Bạc Liêu).
Chơi bầu cua ăn tiền tại lễ hội Kỳ yên ở miếu Bà Chúa Xứ (phường 2, TP. Bạc Liêu). Ảnh: T.A
Bằng chứng là ngoài lễ hội Dạ cổ hoài lang được tập trung tổ chức hoành tráng hàng năm, các lễ hội dân gian truyền thống khác gần như chưa được đầu tư, khai thác. Trong khi các lễ hội dân gian lâu nay bao giờ cũng thu hút lượng du khách tham quan nhiều hơn so với các lễ hội mang tính văn hóa. Cụ thể là lễ hội Vía bà Nam Hải, lễ Kỳ yên, lễ hội Nghinh Ông Nam Hải...
Đề cập vấn đề trên để thấy rằng, lễ hội dân gian có một sức hút đặc biệt và tầm ảnh hưởng to lớn đến phát triển du lịch. Việc khai thác các lễ hội dân gian cho phát triển du lịch đã trở thành xu thế chung trong phát triển du lịch văn hóa ở nhiều quốc gia, tỉnh, thành phố hiện nay. Bởi, lễ hội văn hóa dân gian được xem như “tài nguyên” về du lịch và tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn. Thông qua hoạt động du lịch, du khách có cơ hội đắm mình trong các lễ hội dân gian truyền thống và cảm nhận được các giá trị từ lễ hội. Và chỉ có du lịch mới có thể đem lại cho du khách những trải nghiệm đặc biệt, sống động chứ không phải qua màn ảnh, sách báo hay nghe kể...
Đơn cử như lễ hội Vía bà Chúa Xứ núi Sam (TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) mỗi năm thu hút hàng triệu lượt du khách đến tham quan, hành hương và được Bộ VH-TT&DL công nhận là lễ hội cấp quốc gia. Ngoài việc thu hút du khách trong, ngoài nước đến tham quan, lễ hội này còn kéo theo sự phát triển mạnh mẽ các hoạt động thương mại, dịch vụ và giải quyết việc làm, đem lại thu nhập cho nhiều lao động của địa phương; góp phần khai thác, bảo tồn có hiệu quả các làng nghề truyền thống như: nghề làm mắm, làm dưa, làm đường thốt nốt, các sản phẩm trang trí phục vụ cho tín ngưỡng thờ mẫu... Lễ hội Vía bà Chúa Xứ đã góp phần xây dựng thương hiệu, tạo dấu ấn cho tỉnh An Giang với du khách trong và ngoài nước.
Do vậy, việc quảng bá, giới thiệu và phát huy các giá trị văn hóa hay các tiềm năng, thế mạnh của địa phương thông qua du lịch được xem là con đường ngắn và hiệu quả nhất. Từ ý nghĩa này mà du lịch văn hóa lễ hội được xem là “cầu nối” trong giao lưu văn hóa giữa các dân tộc và góp phần quan trọng cho công tác thu hút, kêu gọi đầu tư. Bên cạnh đó, khi du lịch phát triển sẽ kéo theo hoạt động thương mại - dịch vụ tăng lên và tạo ra những nguồn thu lớn cho ngân sách, các nơi tổ chức sự kiện du lịch. Đây chính là nguồn thu quan trọng cho việc gìn giữ và tiếp tục phát huy giá trị văn hóa từ các lễ hội.
Từ thực tiễn trên cho thấy, việc quan tâm và khai thác giá trị văn hóa từ các lễ hội dân gian truyền thống cho phát triển du lịch của địa phương rất quan trọng.
Làm gì để phát huy giá trị?
Để các lễ hội dân gian phát huy được giá trị, tránh tình trạng “thương mại hóa” lễ hội lai căng, mất gốc thì cần có sự tham gia tích cực từ ngành quản lý và các địa phương. Đó là phối hợp với Ban trị sự, hay Ban quản lý di tích, nơi thờ tự để xây dựng các kế hoạch tổ chức lễ hội theo đúng nguyên bản, có kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc, đảm bảo văn minh trong lễ hội và mạnh dạn loại bỏ những hủ tục không cần thiết... Đồng thời quan tâm chấn chỉnh các hoạt động ăn theo lễ hội như: nạn “chặt chém” giá cả, chèo kéo du khách, hét giá dịch vụ, gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường... Đặc biệt là thời gian gần đây tại các nơi diễn ra lễ hội thường xuất hiện các trò cờ bạc núp bóng dưới các tên gọi trò chơi dân gian như: quay bầu cua 1 trúng 10, bốc thăm xổ số, quay số trúng thưởng... Tất cả đều đặt cược, trả thưởng bằng tiền với giá trị mỗi lần chơi có khi lên tới 1 - 2 triệu đồng. Hoặc dùng chiêu bốc số trúng hàng, nhưng lại quy hàng thành tiền nhằm hợp thức hóa các trò chơi đỏ đen.
Những bất cập trên đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát huy giá trị của các lễ hội và chưa tạo lòng tin, sự an tâm cho du khách khi đến tham quan, vui chơi ở các lễ hội. Vì vậy, việc quản lý tốt lễ hội dân gian truyền thống không chỉ góp phần thực hiện văn hóa, văn minh lễ hội, mà còn góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết cộng đồng.
Song song đó, cần đẩy mạnh công tác quảng bá về giá trị văn hóa các lễ hội dân gian và phát huy vai trò của cộng đồng trong việc tham gia lưu giữ, phát huy giá trị các lễ hội. Khi vai trò cộng đồng được phát huy, sẽ có những tác động tích cực trong việc giải quyết việc làm, giúp lao động nghèo tăng thu nhập; thậm chí chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động từ nghề nông sang làm dịch vụ du lịch. Đây sẽ là yếu tố tích cực góp phần làm giảm tác động của cộng đồng đến các giá trị cảnh quan, tự nhiên, hạn chế tình trạng xâm hại di tích. Đồng thời góp phần bảo tồn tài nguyên, môi trường, khôi phục và giữ gìn các làng nghề truyền thống khi các hoạt động du lịch tạo được nguồn thu và nuôi sống những người làm du lịch. Đây cũng được coi là một trong những mô hình góp phần cho du lịch phát triển bền vững.
TRUNG DŨNG
- Hội Cựu chiến binh TP. Bạc Liêu: Tổng kết công tác Hội năm 2024
- Tỉnh Bạc Liêu và Quảng Ngãi chia sẻ kinh nghiệm về công tác chống khai thác IUU
- Hơn 200 cán bộ, giáo viên mầm non được bồi dưỡng năng lực giáo dục quyền con người
- Tận dụng, phát huy nguồn lực thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu
- Tuổi trẻ An ninh kinh tế: Xung kích, tình nguyện tham gia bảo đảm an ninh, trật tự trong công tác giải phóng mặt bằng