Nhịp sống đô thị

TP. Bạc Liêu: Cần phát huy giá trị văn hóa từ các lễ hội

Thứ Tư, 20/02/2013 | 20:07

So với những địa phương khác trong tỉnh, TP. Bạc Liêu là nơi tập trung nhiều di tích lịch sử - văn hóa và các lễ hội truyền thống. Vì vậy, nơi đây đã trở thành điểm đến hấp dẫn mỗi năm thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách trong, ngoài tỉnh. Tiềm năng và lợi thế đã có, nhưng làm gì để phát huy giá trị văn hóa từ các lễ hội này là chuyện đáng bàn khi Bạc Liêu chọn văn hóa là động lực cho phát triển.

Du khách vui lễ hội hát đình tại miếu Vạn ban ngũ hành (phường 2, TP. Bạc Liêu). Ảnh: K.T

Ngay từ những ngày đầu năm mới, tiếng trống chầu, trống lân, đã vang lên trên khắp các nẻo đường của TP. Bạc Liêu. Từ trung tâm hành chính tỉnh đến các xã ven biển của thành phố như: Vĩnh Trạch, Hiệp Thành, Vĩnh Trạch Đông lúc nào cũng nhộn nhịp vào mùa lễ hội.

Cùng với các hội thi văn nghệ vui xuân được tổ chức ở xã Vĩnh Trạch Đông cho ba dân tộc Kinh - Hoa - Khmer, thì từ ngày mùng 6 Tết, nhiều chùa, miếu trên địa bàn thành phố cũng khai lễ đầu năm cầu cho “vũ thuận phong hòa; quốc thới dân an”. Một số cơ sở thờ tự tổ chức hát, cúng thu hút nhiều du khách đến tham quan, vui chơi giải trí là miếu Tam sơn quốc vương (phường 5), miếu Vạn ban ngũ hành (phường 2)… Rồi ở các chùa, miếu của người Hoa cũng tổ chức tấu nhạc mừng xuân, thỉnh lộc phát tài, cầu mua may bán đắt…

Những lễ hội truyền thống như thế không chỉ phản ánh nét đẹp văn hóa truyền thống, mà còn thể hiện sinh động đời sống văn hóa tinh thần rất phong phú của vùng đất Bạc Liêu. Đơn cử là cùng với hát bội của người Việt, hát Kinh kịch, múa lân, múa thần tài của người Hoa, còn có múa khỉ, múa ngựa của đồng bào dân tộc Khmer trong mấy ngày Tết.

Nói lên điều này để thấy rằng, TP. Bạc Liêu vốn là mảnh đất rất màu mỡ để phát triển du lịch, mà văn hóa lễ hội là cái cần được đào xới, khai thác. Bởi, các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL, nơi nào cũng có chùa miếu, thậm chí các chùa miếu còn hoành tráng và đẹp hơn Bạc Liêu, nhất là những nơi có núi, sông hùng vĩ. Do vậy, Bạc Liêu phải khai thác văn hóa từ các lễ hội để tạo nên những nét văn hóa đặc trưng. Nếu làm được việc này, Bạc Liêu sẽ trở thành nơi thu hút nhiều du khách và sẽ có những đóng góp tích cực cho sự phát triển văn hóa - xã hội của tỉnh.

Muốn làm được điều này, cùng với việc tổ chức lại các lễ hội một cách bài bản đúng theo các nghi thức dân gian, tránh trường hợp tổ chức theo kiểu “mì ăn liền”, tốn kém, mê tín… thì cũng cần phục dựng lại các lễ hội để tạo điểm nhấn. Như từ mùng một Tết cho đến rằm tháng giêng, ngoài lễ hội Kỳ yên, ngành chức năng có thể khuyến khích các cơ sở thờ tự tổ chức lễ đấu đèn, đề thơ. Trước đây, vào rằm tháng giêng, nhiều chùa miếu của người Hoa thường tổ chức lễ đấu đèn và toàn bộ số tiền đấu được này đều dùng làm việc thiện (như tặng bệnh viện, hộ nghèo, xây cầu, làm đường giao thông...). Hiện nay, do hạ tầng đã được Nhà nước đầu tư và phần lớn các bệnh viện đều có kinh phí hỗ trợ cho hộ nghèo nên nhiều cơ sở thờ tự không còn tổ chức đấu đèn nữa. Nếu phục dựng lại lễ đấu đèn chắc chắn sẽ tạo nên một sân chơi rất vui và ý nghĩa trong mấy ngày xuân.

Ngoài lễ đấu đèn, Bạc Liêu còn rất nhiều lễ hội khác trong đầu năm mới như: lễ vay tiền, vay quýt ông Bổn, lễ cúng kẹo đậu phộng, hát chúc xuân, chúc thọ…

Tất cả những lễ hội trên đều mang đậm tín ngưỡng dân gian, thể hiện nét văn hóa, nhân văn. Như việc vay quýt ông Bổn ở chùa Bang (Phước Đức cổ miếu, phường 3, TP. Bạc Liêu). Nghĩa là người ta đến chùa ông Bổn xin vay 2, 3 trái quýt đem về nhà với mong muốn được đại cát, đại lợi (vì theo người Hoa trái quýt được gọi theo tiếng Triều Châu là tài két, tài lỹ). Người đi vay có thể trả lại 3 hoặc 4 trái quýt mới sau khi vay. Hoặc đợi đến rằm tháng giêng năm sau mới mang lại cúng trả cũng được. Họ xem đây là cái lộc của ông Bổn ban tặng cho đầu năm mới.

Qua đó cho thấy, lễ hội và các phong tục vui xuân ở TP. Bạc Liêu rất đa dạng và đa màu sắc về văn hóa. Nếu được khai thác và phát huy sẽ tạo nên những bước đột phá mới cho du lịch của tỉnh. Đồng thời, góp phần bảo tồn những phong tục, tín ngưỡng đẹp hướng con người đến chân - thiện - mỹ.

LƯ DŨNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.