Nhịp sống đô thị
TP. Bạc Liêu: Cần sự đột phá từ du lịch nông nghiệp
Được xem là trung tâm du lịch của tỉnh và trong tương lai gần sẽ trở thành trung tâm du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nếu TP. Bạc Liêu sớm xây dựng nên những mô hình du lịch đặc thù gắn với tái cơ cấu mô hình tăng trưởng theo chiều sâu.
HƯỚNG ĐẾN ĐA GIÁ TRỊ
Nhìn lại bức tranh du lịch của TP. Bạc Liêu trong những năm qua cho thấy, ngành Du lịch vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khá ngay trong điều kiện bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Chỉ tính riêng trong năm 2023, TP. Bạc Liêu đón tiếp khoảng 3,5 triệu lượt khách, đạt 100% kế hoạch đề ra, tăng 48,3% so với năm 2022. Trong đó, khoảng 1,3 triệu lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú, tăng 44,4% so với năm 2022. Số lượt du khách đến tham quan đông đã thúc đẩy ngành thương mại - dịch vụ phát triển, với tổng doanh thu du lịch - dịch vụ là 3.600 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch đề ra, tăng 56,5% so với năm 2022. Trong đó, doanh thu khối nhà hàng - khách sạn đạt khoảng 1.600 tỷ đồng, tăng 68,4% so với năm 2022.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng khá nhưng phát triển du lịch của TP. Bạc Liêu vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như: chưa khai thác hết các tiềm năng, lợi thế sẵn có; các loại hình dịch vụ, các sản phẩm du lịch còn đơn điệu, sức cạnh tranh thấp và thiếu những sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng. Đặc biệt, hoạt động du lịch còn rời rạc, chưa tạo được tua, tuyến trong tỉnh và gắn kết thường xuyên với các trung tâm du lịch lớn của khu vực ĐBSCL và cả nước. Lượng khách tuy đông và có tăng trưởng nhưng thời gian lưu trú không nhiều, cũng như còn thiếu nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí (chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng, các trung tâm mua sắm hiện đại, các sản phẩm lưu niệm...) để “giữ chân” và “dụ” du khách xài tiền.
Du khách sẽ thích thú với mô hình “Một ngày làm nông dân” ngay chính trên những cánh đồng du lịch nông nghiệp.
Xuất phát từ thực trạng này, việc nghiên cứu và đề xuất các mô hình du lịch mang bản sắc Bạc Liêu chính là vấn đề cần được quan tâm. Trong đó, phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nền nông nghiệp đô thị ở các xã vùng ven chính là mô hình cần được quan tâm nghiên cứu và xúc tiến thực hiện. Lợi ích của mô hình du lịch nông nghiệp không chỉ góp phần giải bài toán nâng cao giá trị cho hàng nông, thủy sản, mà còn tạo ra giá trị gia tăng cao và cả những tiền đề trong việc thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh đã được Đảng ta cụ thể hóa trong phát triển “tam nông”. Đơn cử 1kg tôm nguyên liệu bán với mức giá cao nhất hiện nay cũng dừng ở con số 180.000 đồng, nhưng nếu được chế biến thành món ngon phục vụ du khách sẽ mang lại giá trị khoảng 500.000 đồng/kg. Cũng như, muốn có tôm sạch, tôm sinh thái bán cho du khách thì nông dân phải tuân thủ các quy trình sản xuất sạch và kéo theo sự phát triển xanh trong sản xuất, tiêu dùng. Đây cũng chính là một trong những giải pháp hướng đến nền nông nghiệp đa giá trị và thể hiện tính tổng hợp, xã hội hóa cao của ngành Du lịch. Đồng thời, giải pháp này cũng sẽ góp phần giúp TP. Bạc Liêu hoàn thành chỉ tiêu đến năm 2025 thu hút hơn 4 triệu lượt khách và doanh thu du lịch đạt khoảng 8.000 tỷ đồng.
TÍCH CỰC TRUYỀN THÔNG, QUẢNG BÁ
Thực tiễn đã chứng minh, muốn triển khai hay áp dụng một mô hình mới, nhằm tạo đồng thuận, khuyến khích người dân, doanh nghiệp tích cực làm theo, thì truyền thông phải đi trước một bước. Do vậy, ngành quản lý và các địa phương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về du lịch, nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả cộng đồng cho phát triển du lịch. Đặc biệt là đối với nông dân, phải giúp họ thay đổi nhận thức, tư duy, chuyển từ tập quán sản xuất truyền thống sang làm kinh tế nông nghiệp.
Bên cạnh đó, phải tăng cường công tác quản lý nhà nước từ thành phố đến phường, xã trong việc tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV gắn với chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ hằng năm của từng cơ quan, đơn vị về đẩy mạnh phát triển du lịch. Đồng thời, gắn việc thực hiện Đề án chiến lược phát triển du lịch thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với các chiến lược và kế hoạch khác, nhất là chính sách tín dụng đầu tư cho những mô hình, dự án làm du lịch nông nghiệp. Đi cùng với đó là đề xuất các chính sách mang tính đặc thù trong việc hỗ trợ lãi suất cho vay, tăng hạn mức tín dụng cho những mô hình hiệu quả và hướng đến cho vay tín chấp không cần tài sản đảm bảo.
Du khách lựa chọn thủy sản tươi sống tại khu du lịch Nhà Mát (TP. Bạc Liêu). Ảnh: L.D
Xây dựng kế hoạch thực hiện chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, tăng cường tập huấn kiến thức, kỹ năng giao tiếp cho nông dân trong việc ứng xử với du khách lịch thiệp, văn minh và phát huy những giá trị văn hóa của địa phương như hiếu khách, nghĩa tình và hào sảng. Đặc biệt, phải phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông trong và ngoài tỉnh tăng cường quảng bá các điểm du lịch, sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương và tận dụng cả các trang mạng xã hội để tăng kết nối. Xây dựng các phần mềm quản lý, phần mềm tiện ích và ứng dụng bản đồ số cho ngành Du lịch thành phố.
Song song đó, chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, các công ty lữ hành, các tổ chức hoạt động du lịch xây dựng các tua, tuyến mang tính liên vùng và xây dựng các trạm nghỉ dưỡng, các điểm vui chơi giải trí gắn với áp dụng chuẩn hóa các tiêu chuẩn kỹ thuật dịch vụ du lịch và không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ du khách.
Mặt khác, cần tổ chức các đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm phát triển du lịch trong, ngoài nước. Quản lý hiệu quả hoạt động dịch vụ và kinh doanh du lịch nhằm cung cấp các sản phẩm dịch vụ du lịch có chất lượng cao (đạt chuẩn OCOP) đưa sản phẩm doanh nghiệp trở thành sản phẩm có thương hiệu ở thị trường trong, ngoài nước. Tăng cường kiểm soát giá, thiết lập “đường dây nóng” để nắm bắt thông tin phản ánh, kiến nghị về chất lượng dịch vụ, nạn chèo kéo, “hét” giá và cách ứng xử kém văn hóa với du khách… để kịp thời xử lý.
Nguyễn Hồng Anh (Đại học Gia Định - TP. Hồ Chí Minh)