Nhịp sống đô thị
TP. Bạc Liêu: Có nên phát triển diện tích trồng lúa?
Một trong những mô hình nông nghiệp đô thị được TP. Bạc Liêu đánh giá cao trong thời gian qua là mô hình sản xuất lúa thương phẩm ST20 của Công ty Lương thực Sóc Trăng gắn với bao tiêu sản phẩm trên diện tích 10,3ha ở khóm Trà Kha (phường 8, TP. Bạc Liêu). Theo kế hoạch, thành phố sẽ nhân rộng giống lúa này tại phường 1, phường 8, xã Vĩnh Trạch và xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) với diện tích khoảng 200ha.
Một điểm bán hoa kiểng ở phường 1 (TP. Bạc Liêu). Ảnh: Tú Anh
Với thực trạng sản xuất của TP. Bạc Liêu như hiện nay, nên chăng kế hoạch phát triển diện tích trồng lúa cần phải xem lại. Bởi, diện tích đất nông nghiệp của thành phố không nhiều, lại đang đứng trước áp lực bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa. Do đó, đất nông nghiệp chắc chắn sẽ bị giảm, và việc khai thác quỹ đất sao cho hiệu quả không phải là chuyện dễ làm. Vì vậy, có nhất thiết phải phát triển diện tích trồng lúa, thay vì chuyển đổi sang những mô hình kinh tế khác có giá trị kinh tế cao hơn?
Đơn cử như giống lúa ST20 cho năng suất bình quân khoảng 7,4 tấn/ha, song, nếu so với các loại giống chất lượng cao của nông dân sản xuất lâu nay thì vẫn không bằng. Cụ thể, ở vụ đông xuân, các loại giống như: OM 5451, OM 4900, OM 2527... cho năng suất hơn 7 tấn/ha, thậm chí có nơi đạt 8 tấn/ha. Nếu vậy, có nên phát triển diện tích trồng lúa ST20?
Từ thực trạng trên, bài toán giảm diện tích đất trồng lúa thay cho các mô hình khác như: trồng hoa lan, trồng rau màu, nuôi cá kiểng, động vật hoang dã... (cho lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng lúa) cần phải được tính đến. Như mô hình nuôi cá cảnh cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm. Rồi mô hình trồng hoa kiểng phục vụ cho trang trí, làm đẹp, lễ hội; hoặc nuôi các loại đặc sản bày bán ở các nhà hàng, các siêu thị cũng cho thu nhập cao. Hay như khổ hoa mini, dưa leo mini, rau muống mini... được trồng theo quy trình GAP bán tại siêu thị Co.opmart Bạc Liêu có giá bán cao hơn từ 3 - 4 lần/kg so với các loại rau cùng loại sản xuất theo phương pháp truyền thống.
TP. Bạc Liêu hội đủ tất cả các yếu tố thuận lợi về giao thông, thị trường và cả khoa học - công nghệ cho phát triển mô hình nông nghiệp đô thị. Do vậy, nếu phát triển diện tích trồng lúa sẽ lãng phí tài nguyên đất.
Sắp tới, Thành ủy TP. Bạc Liêu sẽ tổ chức tổng kết Nghị quyết số 03/NQ-TU của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (khóa IX) về chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp đến năm 2010, giai đoạn 2007 - 2010 và giai đoạn 2011 - 2015. Đồng thời, triển khai Nghị quyết về phát triển toàn diện lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản giai đoạn 2015 - 2020. Với tầm quan trọng này, việc phân tích và đánh giá một cách toàn diện việc thực hiện Nghị quyết số 03 và mô hình nông nghiệp đô thị thời gian qua, trong đó có mô hình sản xuất lúa thương phẩm ST20 cần được tập trung làm rõ. Qua đó đề ra giải pháp có nên tiếp tục giữ, phát triển diện tích trồng lúa trong điều kiện đất đô thị đã trở thành “đất vàng”, hay cần phát triển những mô hình khác…
LƯ LÂM
- Tập huấn chuyên sâu về thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
- Hội Cựu chiến binh TP. Bạc Liêu: Tổng kết công tác Hội năm 2024
- Tỉnh Bạc Liêu và Quảng Ngãi chia sẻ kinh nghiệm về công tác chống khai thác IUU
- Hơn 200 cán bộ, giáo viên mầm non được bồi dưỡng năng lực giáo dục quyền con người
- Tận dụng, phát huy nguồn lực thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu