Nhịp sống đô thị
TP. Bạc Liêu: Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm để giảm nghèo bền vững
TP. Bạc Liêu được xem là địa phương có nhiều mô hình và cách làm sáng tạo trong công tác giảm nghèo. Trong đó, việc thực hiện tốt công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Quang cảnh lễ khai giảng lớp dạy nghề chăn nuôi gà cho phụ nữ TP. Bạc Liêu.
Lao động nữ được đào tạo nghề và giải quyết việc làm ở doanh nghiệp chế biến thủy sản (TP. Bạc Liêu). Ảnh: H. Lĩnh - T. Anh
Đẩy mạnh đào tạo nghề
Năm 2016, TP. Bạc Liêu có hơn 1.640 hộ nghèo (theo phương pháp tiếp cận đa chiều), chiếm tỷ lệ 4,75%; năm 2017 là 1.172 hộ, chiếm tỷ lệ 3,27%. Theo kế hoạch, năm 2017, thành phố phấn đấu giảm 450 hộ nghèo và 435 hộ cận nghèo. Trong đó, tập trung giải quyết việc làm cho 6.000 lao động và đào tạo nghề 1.500 lao động. Đây được xem là giải pháp quan trọng cho giảm nghèo bền vững và chống tái nghèo.
Thực tiễn công tác giảm nghèo nhiều năm qua cho thấy, việc thực hiện tốt hỗ trợ hộ nghèo (như: nhận đỡ đầu, tặng phương tiện, hỗ trợ vốn…) chỉ phát huy hiệu quả khi giải quyết tốt bài toán lao động. Đó là tạo được việc làm ổn định và giúp hộ nghèo có thu nhập, hướng đến tự tích lũy để giảm nghèo và hạn chế tái nghèo. Vì vậy, năm 2017, Phòng LĐ-TB&XH thành phố đã mở 23 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thu hút 680 học viên tham gia (chủ yếu là hộ nghèo, hộ dân tộc). Đồng thời giới thiệu 520 học viên tham gia các lớp đào tạo nghề tại trường cao đẳng, các trung tâm dạy nghề ngoài công lập; mở trên 30 lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về nông nghiệp, thủy sản, chăn nuôi cho gần 1.000 lao động nông thôn.
Bên cạnh đó, Phòng LĐ-TB&XH thành phố còn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đẩy mạnh việc tư vấn, giới thiệu việc làm thông qua sàn giao dịch việc làm tại 10 phường, xã trên địa bàn; điều tra cung - cầu lao động để chủ động đào tạo, giải quyết việc làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Những việc làm trên góp phần giải quyết việc làm cho hơn 6.000 lao động, đạt 102% kế hoạch thành phố giao và đạt 204% kế hoạch tỉnh giao.
Tăng cường phối hợp
Một bài học kinh nghiệm được rút ra trong công tác giảm nghèo mang lại hiệu quả là khi có sự tham gia, phối hợp giữa các ngành, đoàn thể và các doanh nghiệp. Điển hình như Phòng LĐ-TB&XH thành phố đã phối hợp với Hội LHPN cùng cấp tổ chức đào tạo nghề cho lao động nữ. Bởi đây là đối tượng ít có việc làm và thời gian nông nhàn còn chiếm khá nhiều, nhất là phụ nữ ở các xã vùng ven. Từ đầu năm đến nay, cùng với thực hiện các chương trình hỗ trợ cho chị em phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, Hội LHPN phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH thành phố mở 9 lớp dạy nghề, thu hút gần 300 học viên. Trong đó, tập trung vào các nghề thế mạnh của chị em như: Kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho gà; kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh trên vịt xiêm Pháp; kỹ thuật trồng rau an toàn; kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho heo… Sau khóa học, chị em còn được hỗ trợ cây, con giống để thực hành, áp dụng vào sản xuất.
Cùng với đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho chị em phụ nữ nông thôn, Hội LHPN thành phố còn liên kết với các doanh nghiệp, các điểm kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tổ chức dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho chị em ở khu vực thành thị, đặc biệt là làm việc ở các nhà hàng, khách sạn và các điểm du lịch. Qua đó không chỉ giúp chị em tạo được thu nhập, mà còn mở ra cơ hội tham gia sinh hoạt Hội và phát triển toàn diện.
Từ cách làm trên cho thấy, việc phối hợp trong công tác giảm nghèo cần sự chung sức của các ban ngành và toàn xã hội; đồng thời cũng là nhu cầu không thể thiếu để công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm phát huy hiệu quả đầu tư. Đó là các mô hình sản xuất phải gắn với đảm bảo đầu ra cho sản phẩm; đào tạo nghề và có việc làm ổn định sau đào tạo; từng bước xây dựng thị trường lao động dành cho hộ nghèo, giúp họ tạo thu nhập và giảm nghèo bền vững.
Nguyễn Hồng