Nhịp sống đô thị
TP. Bạc Liêu: Đầu tư nâng chất các sản phẩm du lịch
Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thời gian qua, TP. Bạc Liêu đã huy động nhiều nguồn lực cho phát triển du lịch. Đồng thời hướng đến xây dựng một thành phố du lịch chuyên nghiệp, hiện đại và văn minh.
Du khách tham quan nhà Công tử Bạc Liêu.
Một điểm bán thanh nhãn phục vụ du khách ở xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu). Ảnh: L.D
KHAI THÁC DI TÍCH LỊCH SỬ, VĂN HÓA
Để hoàn thành mục tiêu trên và khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh trong phát triển du lịch, một trong những giải pháp quan trọng mà TP. Bạc Liêu thực hiện là nâng cấp và đầu tư mới các sản phẩm du lịch. Bởi, TP. Bạc Liêu tuy có nhiều sản phẩm du lịch, nhưng nhìn chung còn đơn điệu, thiếu đầu tư chiều sâu và chưa tạo nên ấn tượng. Đơn cử như mặt hàng khô biển phục vụ du khách đến nay vẫn chưa được đóng gói, chưa xây dựng được thương hiệu, phần lớn còn kinh doanh theo kiểu truyền thống nên chưa nâng tầm cho loại đặc sản này.
Bên cạnh đó, TP. Bạc Liêu sẽ kiểm soát và nâng cao chất lượng, khai thác có hiệu quả các sản phẩm du lịch đặc thù, nhất là các sản phẩm đã được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận là điểm du lịch tiêu biểu. Đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn; hoàn thiện các tiêu chí để đề nghị công nhận các khu, điểm du lịch theo quy định. Tập trung nguồn lực đầu tư, khai thác có hiệu quả để phát triển thành sản phẩm du lịch đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, tránh trùng lắp với các huyện, thị xã. Trước mắt, tập trung nguồn lực xây dựng và hoàn thành thủ tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Khu du lịch Nhà Mát là khu du lịch cấp quốc gia (theo Luật Du lịch) trước năm 2025.
Tiếp tục nâng cấp, trùng tu và tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng; các công trình văn hóa, các công trình có kiến trúc cổ và các di tích nhà cổ đã được xếp hạng; nhất là các di tích kiến trúc nghệ thuật như: Trụ sở Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Bạc Liêu, di tích lịch sử - văn hóa Đồng hồ Thái Dương, Thành Hoàng cổ miếu (chùa Minh, phường 3), Nhà cổ số 59 (phường 5), Phước Đức cổ miếu (miếu Ông Bổn, phường 8)… để xây dựng thành các địa điểm du lịch thu hút du khách đến với thành phố.
Song song đó, thành phố cũng đang hoàn thành việc lập hồ sơ xếp hạng di tích đối với 9 công trình trình UBND tỉnh công nhận là di tích cấp tỉnh để đưa vào kết nối các tua, tuyến phục vụ nhu cầu tham quan du lịch. Đó là: Triều Quang Sùng Thiện Đường (phường 1), chùa Vĩnh Phước An (phường 2), nhà Công tử Bạc Liêu (phường 3), nhà Vưu Văn Tụng (Huyện Sổn, phường 3), khu mộ Cao Triều (phường 5), khu mộ Chung Bá (Chung Bá Vạn, phường 5), chùa Khánh Long An (phường 8), Căn cứ Thị ủy Bạc Liêu (Vườn Chim, phường Nhà Mát), Huyền thiên Thượng đế cổ miếu (xã Vĩnh Trạch Đông).
PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH ĐẶC THÙ
Để có các sản phẩm du lịch đặc trưng, thành phố sẽ phát triển mạnh các loại hình nghệ thuật đặc sắc của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa. Phối hợp với các sở, ban ngành của tỉnh có liên quan trưng bày các hình ảnh, hiện vật tiêu biểu giới thiệu về văn hóa, con người Bạc Liêu; lịch sử hình thành và phát triển của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa.
Đặc biệt là tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù nhằm nâng cao thương hiệu, tạo sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao như sản phẩm du lịch văn hóa gắn với giá trị đặc sắc của bản Dạ cổ hoài lang và nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ. Đó là phục vụ giao lưu đờn ca tài tử và hướng dẫn du khách hát bản Dạ cổ hoài lang; chọn lọc một số câu lạc bộ phục vụ phát triển du lịch gắn với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, từng bước xây dựng TP. Bạc Liêu trở thành trung tâm bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử của tỉnh.
Mặt khác, thành phố còn xây dựng sản phẩm du lịch gắn với thương hiệu Công tử Bạc Liêu; sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh; sản phẩm du lịch xanh; tham quan Nhà máy điện gió kết hợp với trải nghiệm hệ sinh thái rừng ven biển; sản phẩm du lịch tham quan Quảng trường Hùng Vương và các công trình nghệ thuật kiến trúc, văn hóa xung quanh Quảng trường, Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật và nhà hát Cao Văn Lầu; sản phẩm du lịch sinh thái - cộng đồng ven biển với hệ sinh thái biển, rừng ven biển…
Tiếp tục sắp xếp lại các dịch vụ du lịch tại khu du lịch Giồng Nhãn. Phối hợp với các đơn vị chức năng tỉnh triển khai đề án bảo tồn nhãn cổ giai đoạn tiếp theo kết hợp với việc đầu tư trồng thanh nhãn gắn với du lịch nhà dân có phục vụ đờn ca tài tử, nơi nghỉ qua đêm cho khách du lịch. Cùng với đó là phát triển một số sản phẩm du lịch nhằm làm đa dạng, phong phú sản phẩm du lịch của thành phố như: Sản phẩm du lịch sinh thái - cộng đồng sông nước thông qua tuyến du lịch sông Bạc Liêu - Vàm Lẽo; du lịch theo tuyến sông từ TP. Bạc Liêu đi Cà Mau, Cần Thơ…
Những giải pháp quan trọng trên hứa hẹn sẽ tạo thêm sức hút cho các sản phẩm du lịch và góp phần đưa du lịch của TP. Bạc Liêu trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách.
NGUYỄN ĐÀO
- Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua nhiều dự thảo Luật
- UBND tỉnh họp thành viên thường kỳ tháng 11/2024
- Khởi tố, tạm giam đối tượng lừa đảo gần 1 tỷ đồng
- Xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình): Điểm sáng trong giảm nghèo bền vững
- Huyện Hòa Bình: Hơn 19 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững