Nhịp sống đô thị

TP. Bạc Liêu: Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thứ Tư, 02/11/2016 | 14:58

TP. Bạc Liêu là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cần sử dụng nhiều lao động, cũng là nơi thu hút nhiều dự án động lực và cần nguồn lao động chất lượng cao. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề và chủ động cung ứng nguồn lao động cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới là rất cần thiết.

Đào tạo nghề còn gặp khó

Để giải quyết việc làm cho người lao động, thời gian qua, TP. Bạc Liêu tập trung thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Qua 5 năm thực hiện chương trình, TP. Bạc Liêu đã mở 54 lớp đào tạo nghề cho 1.580 lao động với một số ngành nghề cơ bản như: Đan đát, kỹ thuật trồng nấm linh chi, trồng rau an toàn, nuôi gà theo công nghệ sinh học, trồng bông thiên lý, kỹ thuật trồng thanh long ruột trắng, kỹ thuật nuôi cua biển, kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho heo...

Lao động nông thôn làm việc tại công trình xây dựng trên địa bàn phường Nhà Mát.

Trồng hoa màu - một trong những nghề được chuyển giao cho lao động nông thôn xã Hiệp Thành. Ảnh: L.D

Tuy nhiên, phần lớn nghề đào tạo cho LĐNT là về nông nghiệp, chưa có những ngành nghề sản xuất công nghiệp hay gắn với ứng dụng công nghệ, dây chuyền sản xuất hiện đại. Trong khi đó, thế mạnh kinh tế của thành phố là sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ. Từ bất cập này làm cho hiệu quả đào tạo không cao, nhiều ngành nghề không thể áp dụng, nhân rộng vì không mang lại hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, phần lớn LĐNT học nghề là hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ dân tộc Khmer. Họ không có vốn đầu tư phát triển sản xuất, ứng dụng mô hình. Đồng thời, do đầu ra các mặt hàng nông, thủy sản không ổn định nên chưa kích thích người học áp dụng các kiến thức đã học vào sản xuất.

Cùng với đó, do LĐNT chủ yếu là hộ nghèo, hàng ngày phải lao động kiếm sống, nhiều người chưa thấy được tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề, nên các cơ quan, đơn vị chức năng gặp khó  trong việc vận động LĐNT học nghề. Mặt khác, số tiền hỗ trợ LĐ học nghề chỉ 15.000 đồng/ngày/người nên họ không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Đặc biệt, phần lớn LĐ là hộ nghèo và người dân tộc không biết chữ, nên khi học nghề, họ cũng khó nắm bắt những kiến thức được chuyển giao.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, vận động của các cấp, các ngành chưa thường xuyên và chưa đi vào chiều sâu. Một số địa phương chưa thật sự quan tâm đến công tác đào tạo nghề, vì vậy chưa làm thay đổi được nhận thức của người lao động. Một số phường, xã khi tư vấn cho lao động học nghề và tổ chức dạy nghề chưa bám sát nhu cầu học nghề, việc làm và điều kiện của người lao động, chưa gắn kết giữa đào tạo và đơn vị sử dụng lao động, chưa gắn công tác dạy nghề với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…

Nâng cao chất lượng và đầu ra

Theo kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT từ nay đến năm 2020, TP. Bạc Liêu phấn đấu hàng năm đào tạo nghề cho 1.200 lao động. Trong đó, đào tạo nghề từ chương trình mục tiêu quốc gia về dạy nghề khoảng 700 lao động. Để hoàn thành mục tiêu này, thành phố sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế thực hiện việc đầu tư mới; mở rộng cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; phát triển các làng nghề truyền thống, tổ hợp tác, hợp tác xã, trang trại… nhằm tạo việc làm tại chỗ cho lao động. Đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT với nhiều hình thức thích hợp, đa dạng hóa ngành nghề. Qua đó, giúp người lao động có tay nghề, tự tạo việc làm, có thu nhập, giải quyết những khó khăn trong cuộc sống.

Song song đó, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp, tăng cường công tác phối hợp giữa các thành viên Ban chỉ đạo; phát huy vai trò, trách nhiệm của các đoàn thể trong công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm cho LĐNT. Tăng cường nguồn vốn cho công tác đào tạo nghề và vốn vay để giải quyết việc làm, hỗ trợ giải quyết việc làm cho người thất nghiệp, người thiếu việc làm, lao động bước vào độ tuổi và phát triển thị trường lao động. Tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các dự án, hoạt động của chương trình như: thông tin thị trường lao động, các cơ sở, khóa đào tạo nghề, thông tin tư vấn, giới thiệu việc làm và các chính sách dạy nghề, việc làm, xuất khẩu lao động…

Nguyễn Hà

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.