Nhịp sống đô thị
TP. Bạc Liêu: Đẩy mạnh phát triển khoa học - công nghệ
Xác định phát triển khoa học - công nghệ (KH-CN) đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, TP. Bạc Liêu đã quan tâm chỉ đạo công tác này gắn với thực hiện tốt Chỉ thị 22 của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy “về đẩy mạnh phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đến năm 2030”.
Công ty TNHH công nghệ sinh học Trúc Anh (TP. Bạc Liêu) nghiên cứu các sản phẩm phục vụ nuôi tôm công nghệ cao.
NÂNG CAO NHẬN THỨC
Để đẩy mạnh phát triển KH-CN và ĐMST, UBND TP. Bạc Liêu đã chỉ đạo các ngành, địa phương phải tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức và hành động trong thực hiện Kế hoạch 120 của BTV Thành ủy TP. Bạc Liêu và Chỉ thị 22 của BTV Tỉnh ủy. Theo đó, triển khai đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế và Nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức, hành động và kết quả của việc phát triển KH-CN và ĐMST trên địa bàn thành phố.
Cùng với đó, xây dựng và phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng thông tin KH-CN, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, nhất là trên nền tảng số và mạng xã hội, nhằm phổ biến tri thức khoa học đến với mọi đối tượng để KH-CN thật sự đi vào đời sống, sản xuất và sinh hoạt của toàn xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá, tôn vinh các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp KH-CN có nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả kết quả nghiên cứu vào sản xuất - kinh doanh; đẩy mạnh truyền thông, tăng cường hỗ trợ của Nhà nước đối với các hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của người dân; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn, trình diễn các mô hình ứng dụng tiến bộ KH-CN…
Để thực hiện tốt công tác này, UBND TP. Bạc Liêu chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan, đơn vị có liên quan, nhất là người đứng đầu chịu trách nhiệm thúc đẩy phát triển, ứng dụng KH-CN và ĐMST, nhất là công tác tổ chức phổ biến, quán triệt tuyên truyền vai trò, ý nghĩa của KH-CN và ĐMST trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý. Cũng như, xác định kết quả thực hiện nhiệm vụ này là một trong những tiêu chí, thước đo đánh giá về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý nhà nước.
Đoàn viên - thanh niên TP. Bạc Liêu hướng dẫn hộ kinh doanh ứng dụng công nghệ trong thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: K.T
“ĐI THẲNG VÀ ĐI TẮT”
Một trong những nội dung quan trọng được UBND TP. Bạc Liêu chỉ đạo trong KH-CN và ĐMST chính là phải phù hợp với quy hoạch của tỉnh và quy hoạch chung của thành phố gắn với nghiên cứu, định hướng tái cơ cấu các nhiệm vụ KH-CN theo hướng phục vụ hiệu quả cho phát triển KT-XH. Thúc đẩy nhanh lộ trình đổi mới công nghệ theo hướng “đi thẳng và đi tắt” vào công nghệ tiên tiến, hiện đại, chuyển giao và làm chủ những công nghệ mới, nhằm tạo bước tăng trưởng mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế thành phố.
Một trong những lĩnh vực cần quan tâm đó là điều tra cơ bản, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Đó là việc đánh giá đúng tiềm năng các nguồn tài nguyên, khoáng sản và dự báo các vấn đề môi trường để xây dựng quy hoạch, kế hoạch khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, lựa chọn, áp dụng công nghệ hiện đại trong quan trắc, giám sát, xử lý môi trường và đề xuất các giải pháp, mô hình thích ứng với BĐKH, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; ứng dụng KH-CN trong xây dựng, phát triển, bảo tồn đa dạng sinh học; nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về tài nguyên và môi trường phục vụ phát triển KT-XH.
Đặc biệt, nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ cao. Như việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học để tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi, các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp gắn với sản phẩm chủ lực của thành phố. Hay đối với thủy sản, tập trung phát triển các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, nhuyễn thể). Đồng thời, thúc đẩy chuyển đổi số, ưu tiên bố trí nguồn lực và chính sách phù hợp để xã hội hóa, thực hiện có hiệu quả chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh. Xử lý môi trường trong chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và xử lý chất thải rắn, rác thải sinh hoạt.
Cùng với đó, ưu tiên nghiên cứu và phát triển KH-CN trong các hoạt động nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh học; nghiên cứu, chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt, phù hợp với các điều kiện tự nhiên và khả năng thích ứng với BĐKH để bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh; Đẩy mạnh hợp tác về KH-CN với các viện, trường đại học, trung tâm khoa học đầu ngành nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển, ứng dụng KH-CN trên địa bàn thành phố. Triển khai các hoạt động đào tạo kiến thức, kỹ năng về KH-CN. Tăng cường cơ giới hóa và tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp; ứng dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành các công trình thủy lợi và phòng chống lụt bão, công tác bảo vệ rừng. Xây dựng và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung trên cơ sở quy hoạch nông thôn mới…
TÚ ANH
Huy động nguồn vốn xã hội đầu tư cho phát triển KH-CN và ĐMST
Để thực hiện tốt Kế hoạch 120 của BTV Thành ủy TP. Bạc Liêu và Chỉ thị 22 của BTV Tỉnh ủy, UBND thành phố sẽ xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ, làm chủ công nghệ mới và hoạt động ĐMST của doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn thành phố.
Nghiên cứu, rà soát, tham mưu điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách và tập trung nguồn lực để thực hiện có hiệu quả mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng bộ thành phố xác định. Tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chủ lực của thành phố, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; xây dựng cơ chế, chính sách quản lý, đãi ngộ, trọng dụng phù hợp nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả bộ máy và đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về KH-CN và ĐMST. Nghiên cứu, vận dụng các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp cải tiến, đổi mới và phát triển công nghệ, ứng dụng thành tựu KH-CN vào sản xuất - kinh doanh.
Rà soát, nghiên cứu điều chỉnh, đổi mới cơ chế tài chính cho các nhiệm vụ KH-CN sử dụng ngân sách nhà nước theo hướng thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ nhiệm đề tài, dự án, nhà khoa học, hướng đến sản phẩm cuối cùng, lấy kết quả nghiên cứu làm mục tiêu. Tăng cường nguồn ngân sách hợp lý chi cho sự nghiệp KH-CN và huy động mạnh mẽ nguồn vốn xã hội đầu tư cho phát triển KH-CN và ĐMST.
Tiếp tục đổi mới phương thức quản lý hoạt động KH-CN đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; duy trì, phát huy phương thức đặt hàng, tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ KH-CN, tiến đến thực hiện cơ chế khoán kinh phí đến sản phẩm cuối cùng. Tăng cường nguồn ngân sách hợp lý chi cho KH-CN và huy động mạnh mẽ nguồn vốn xã hội đầu tư cho phát triển KH-CN và ĐMST; đẩy mạnh hợp tác công - tư trong hoạt động nghiên cứu KH-CN. Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ huy động vốn ngoài ngân sách đạt trên 40% và năm 2030 đạt ít nhất 60% so với tổng kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH-CN.