Nhịp sống đô thị

TP. Bạc Liêu: Đẩy mạnh phát triển nghề nuôi trồng và khai thác thủy hải sản

Thứ Tư, 02/10/2019 | 15:18

Thực hiện Nghị quyết số 13 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về phát triển kinh tế biển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Ban Thường vụ Thành ủy TP. Bạc Liêu đã xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó xem phát triển kinh tế biển là mục tiêu mang tính chiến lược, góp phần tăng trưởng kinh tế và khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vốn có.

Giới thiệu thiết bị phục vụ nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại TP. Bạc Liêu.

Phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao

TP. Bạc Liêu được xem là địa phương giàu tiềm năng, thế mạnh về phát triển nghề nuôi trồng và khai thác, đánh bắt thủy sản. Ngoài lợi thế nằm giáp biển, thành phố còn là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao dẫn đầu cả tỉnh về diện tích và sản lượng tôm nuôi.

Xác định phát triển mạnh nghề nuôi trồng thủy sản theo mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao là khâu đột phá, TP. Bạc Liêu đã phối hợp với tỉnh xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu (tại xã Hiệp Thành) để sản xuất giống thủy sản chất lượng cao đối với các đối tượng nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ, cua biển, nhuyễn thể). Phấn đấu đến năm 2025, đảm bảo 100% giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng đạt các tiêu chuẩn về chất lượng, đáp ứng nhu cầu sản xuất trong tỉnh và cung cấp một phần tôm giống chất lượng cao cho các tỉnh trong khu vực. Thành phố cũng khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất tôm giống chất lượng cao, sạch bệnh tại các vùng quy hoạch sản xuất giống thủy sản tập trung của tỉnh (tại phường Nhà Mát); xây dựng khu nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao (diện tích 700ha) ở xã Hiệp Thành và xã Vĩnh Trạch Đông.

Đặc biệt, thành phố sẽ xây dựng khu vực nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh tập trung, phấn đấu đến năm 2025, tổng diện tích đất canh tác chuyên nuôi trồng thủy sản của thành phố đạt 6.570ha. Trong đó, mô hình nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh là 5.993ha, nuôi thủy sản khác là 577ha; diện tích nuôi nghêu, sò ven biển là 120ha (khu vực bãi bồi phường Nhà Mát, xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông). Theo đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản là 112.063 tấn (tôm 103.853 tấn; cá và thủy sản khác 8.210 tấn). Cùng với đó là đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nghề nuôi, đa dạng hóa đối tượng nuôi và phương pháp nuôi; áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, các biện pháp quản lý tiên tiến như VietGAP, GlobalGAP, BMP, CoC, ASC…

Cùng với phát triển mạnh nghề nuôi tôm, thành phố sẽ huy động mọi nguồn lực để xây dựng đội tàu đánh bắt xa bờ có công suất lớn, được đầu tư trang thiết bị hiện đại để có thể khai thác dài ngày trên biển và nâng cao hiệu quả khai thác trên các vùng biển xa, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Phấn đấu đến năm 2025, thành phố có 385 chiếc tàu đánh bắt với tổng công suất 57.700 CV (trong đó có 300 chiếc tàu đánh bắt xa bờ với tổng công suất 47.689 CV, sản lượng thủy sản khai thác đạt hơn 100.000 tấn).

Ngư dân phường Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) đầu tư lưới mới để đánh bắt xa bờ. Ảnh: L.D

Tổ chức lại sản xuất

Để đưa kinh tế biển của thành phố phát triển nhanh, bền vững. TP. Bạc Liêu sẽ quy hoạch lại các vùng nuôi trồng thủy sản, đặc biệt đối với các vùng nuôi sản phẩm chủ lực theo hướng tạo mối liên kết chặt chẽ; khuyến khích nuôi công nghiệp, áp dụng quy trình nuôi có chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, ASC); áp dụng sản xuất nuôi theo hướng công nghệ cao, từng bước đưa ngành nuôi tôm của thành phố đi theo hướng thâm canh sâu (áp dụng nuôi tôm trong nhà kín) và thực hiện quy trình nuôi tôm khai báo tại các địa bàn có nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh. Từ đó tạo ra các vùng nuôi có sản lượng hàng hóa lớn, có chất lượng cao và ổn định, đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc. Tập trung chỉ đạo phát triển các mô hình tổ chức sản xuất (theo nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi trồng thủy sản); nhân rộng mô hình đồng quản lý trong nuôi trồng thủy sản gắn với xây dựng và bảo vệ các thương hiệu sản phẩm thủy sản chủ lực của thành phố (tôm sú sạch bệnh, tôm sinh thái, cá kèo, cua biển…). Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư gây nuôi các đối tượng thủy sản có tiềm năng thay thế tôm sú để thực hiện đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng thủy sản, ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và phòng chống dịch bệnh do nuôi tôm sú độc canh kéo dài.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ tập trung phát triển các đối tượng nuôi chủ lực như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển; đồng thời kết hợp nuôi một số đối tượng nghêu, sò, hàu, cá kèo, Artemia. Tăng cường quản lý, giám sát và quy hoạch vùng nuôi phù hợp với đặc điểm phát triển thủy sản và điều kiện tự nhiên của từng tiểu vùng sinh thái trên địa bàn thành phố; giám sát vùng nuôi và môi trường nuôi chặt chẽ; dự báo những sự cố môi trường gây bất lợi cho các vùng nuôi trồng thủy sản để ngăn chặn và khắc phục kịp thời.

Về khai thác, đánh bắt thủy hải sản, thành phố sẽ cơ cấu lại tàu thuyền đánh bắt ven bờ theo hướng giảm dần số lượng phương tiện có công suất nhỏ; ngăn chặn đà suy giảm nguồn lợi hải sản vùng biển ven bờ; thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp hành chính và kinh tế để cắt giảm số tàu khai thác ven bờ; xây dựng lộ trình thực hiện và chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề phù hợp, đảm bảo tăng thu nhập, ổn định đời sống để hạn chế đánh bắt lạm sát nguồn lợi thủy sản. Xây dựng mô hình quản lý khai thác thủy sản ven bờ dựa vào cộng đồng nhằm bảo vệ, khôi phục và tái tạo nguồn lợi thủy sản, nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái. Thực hiện chuyển đổi đối tượng, mùa vụ, ngư trường khai thác theo hướng khai thác các loài hải sản có giá trị cao, thị trường tiêu thụ tốt, đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu có sản lượng ổn định và được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng giá trị và chất lượng sản phẩm khai thác thủy sản trên cơ sở đầu tư, áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ bảo quản nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch. Huy động mọi nguồn lực (vốn vay tín dụng ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân, vốn tự có trong dân và chính sách hỗ trợ của Nhà nước…) để đầu tư xây dựng đội tàu đánh bắt xa bờ có công suất lớn, được đầu tư trang thiết bị hiện đại để khai thác dài ngày trên biển. Khuyến khích phát triển mô hình quản lý nguồn lợi ven bờ nhằm năng cao khả năng tự phục hồi và tính bền vững của nguồn lợi thủy sản.

Nguyễn Hoàng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.