Để phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vốn có, UBND TP. Bạc Liêu đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản TP. Bạc Liêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với quyết tâm làm giàu từ biển.
TP. Bạc Liêu phát triển mạnh nghề nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.
TẬP TRUNG SẢN XUẤT HÀNG HÓA LỚN
Với khát vọng thực hiện thắng lợi chiến lược này, UBND TP. Bạc Liêu đề ra mục tiêu đến năm 2030 tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững ngành Thủy sản, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phấn đấu trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn. Đồng thời, có cơ cấu và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, có năng suất, chất lượng, thương hiệu uy tín và khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong, ngoài nước. Tập trung khai thác và vận dụng tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, các nguồn lực xã hội để phát triển ngành Thủy sản, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Riêng tầm nhìn đến năm 2045, thành phố phấn đấu đưa thủy sản là ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học - công nghệ (KH-CN) tiên tiến; giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu các ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển, góp phần bảo đảm an ninh dinh dưỡng, thực phẩm; bảo đảm an sinh xã hội; làng cá xanh - sạch - đẹp, văn minh; lao động thủy sản có mức thu nhập ngang bằng mức bình quân chung cả tỉnh và cả nước; góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc…
Để hoàn thành các mục tiêu chiến lược này, TP. Bạc Liêu sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh xây dựng thương hiệu cho “Tôm giống Bạc Liêu” và “Tôm Bạc Liêu” theo Quyết định 214 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. Tiếp tục phát triển nuôi hiệu quả các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) và ưu tiên phát triển diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, nuôi tôm quảng canh kết hợp...
Ngư dân khai thác và đánh bắt thủy sản xa bờ. Ảnh: T.A
ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO
Xây dựng vùng nuôi tôm thương phẩm theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, thâm canh phát triển bền vững. Tập trung phát triển hệ thống sản xuất giống thủy sản chất lượng cao, giống sạch bệnh, giống tăng trưởng nhanh và có khả năng kháng bệnh. Ưu tiên phát triển giống các đối tượng nuôi chủ lực, giá trị kinh tế cao, các loài mới có tiềm năng phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, sẽ phát triển nuôi các loài cá truyền thống, cá bản địa, ở vùng có điều kiện sinh thái phù hợp, nhằm chủ động nguồn cung thực phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ gia đình nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo. Ưu tiên phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, giảm giá thành sản xuất, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; các mô hình nuôi hữu cơ, nuôi sinh thái, áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt trong nuôi trồng thủy sản để nâng cao giá trị và phát triển bền vững gắn với cấp mã số truy xuất nguồn gốc.
Cùng với quan tâm phát triển sản xuất, TP. Bạc Liêu sẽ tổ chức điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống các loài thủy sản làm cơ sở bảo vệ, tái tạo và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản. Tập trung đổi mới cơ cấu nghề khai thác hải sản, phát triển hiệu quả các nghề khai thác hải sản vùng khơi gắn với các ngư trường. Đầu tư KH-CN, nâng cấp đội tàu khai thác, phát triển khai thác vùng khơi hiệu quả…
Song song đó, áp dụng KH-CN tiên tiến, cơ giới hóa, hiện đại hóa tàu cá; giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch và đảm bảo an toàn thực phẩm cho tàu cá; hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển, tham gia hiệu quả công tác hỗ trợ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Đặc biệt, lĩnh vực chế biến thủy sản sẽ rà soát, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm của các cơ sở chế biến thủy sản phù hợp với các vùng nguyên liệu các loài thủy đặc sản, đầu tư xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, xúc tiến thương mại sản phẩm thủy đặc sản. Khuyến khích các cơ sở chế biến thủy sản đầu tư KH-CN tiên tiến nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị sản phẩm thủy sản. Đầu tư phát triển các công nghệ chế biến và bảo quản sản phẩm theo hướng ứng dụng công nghệ cao như công nghệ cấp đông nhanh, đông siêu tốc; tự động hóa trong các công đoạn để giảm bớt nhu cầu lao động; áp dụng công nghệ CAS trong bảo quản sản phẩm; sử dụng các phụ gia, hóa chất không độc hại nhằm nâng cao tỷ trọng sản phẩm chế biến có chất lượng, sức cạnh tranh cao phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; chuyển dịch hợp lý cơ cấu sản phẩm theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm chế biến sâu, có giá trị tăng cao đạt chứng nhận an toàn thực phẩm của Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, các tiêu chuẩn quốc tế và của từng thị trường xuất khẩu. Sản xuất thực phẩm làm sẵn, ăn liền, sản phẩm từ phụ phẩm, có thể truy xuất nguồn gốc…
CHÍ THIỆN
* Một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030
- Tổng sản lượng thủy sản: 667.926 tấn (tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 là 4,21%/năm). Sản lượng nuôi trồng là 343.982 tấn; sản lượng khai thác là 323.944 tấn. Trong đó, sản lượng tôm là 388.733 tấn, cá và thủy sản khác: 279.193 tấn.
- Diện tích nuôi trồng thủy sản: 5.993ha. Trong đó, diện tích đất nuôi tôm theo mô hình thâm canh - bán thâm canh là 5.068ha, quảng canh cải tiến là 620ha, cá và thủy sản khác là 305ha.
- Số tàu cá: 312 chiếc, tổng công suất 65.898CV với tổng số 2.471 thuyền viên.