Nhịp sống đô thị
TP. Bạc Liêu: Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh cho tăng trưởng kinh tế
TP. Bạc Liêu vừa tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2020, với quyết tâm tập trung khắc phục khó khăn và đưa sản xuất tiếp tục tăng trưởng. Đây được xác định là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần vào thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế với hơn 16%.
Người tiêu dùng đi mua sắm trên địa bàn TP. Bạc Liêu.
QUYẾT TÂM TĂNG TRƯỞNG
Nhìn lại phát triển sản xuất, kinh doanh năm qua cho thấy, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) và sản xuất nông nghiệp của thành phố được duy trì, tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Cụ thể, giá trị sản xuất CN-TTCN cả năm trên 1.973 tỷ đồng; đạt 100,3% so với kế hoạch, tăng 13,6% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa - dịch vụ trên 13.211 tỷ đồng, đạt 100,2% so với kế hoạch, tăng 17,1% so với cùng kỳ; tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác đánh bắt thủy sản 52.973 tấn, đạt 105% so với kế hoạch và tăng 9,3% so với cùng kỳ…
Tuy nhiên, bước sang năm 2020, do ảnh hưởng dịch COVID-19 và hạn hán, xâm nhập mặn nên dự báo sản xuất, kinh doanh trên địa bàn sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong đó, sức tiêu thụ thông qua hệ thống thương mại, dịch vụ - du lịch giảm sâu, do lượng khách du lịch trong, ngoài tỉnh đến TP. Bạc Liêu giảm.
Thế nhưng, với quyết tâm thực hiện tốt kịch bản tăng trưởng kinh tế và góp phần cùng với tỉnh hoàn thành các chỉ tiêu của năm cuối nhiệm kỳ, TP. Bạc Liêu đã đề ra mục tiêu tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ từ 5 - 10%. Trong đó, thành phố tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế gắn với tái cơ cấu ngành thương mại - dịch vụ, phát triển CN-TTCN và sản xuất nông nghiệp, thủy sản theo mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Nông dân xã Vĩnh Trạch thu hoạch tôm nuôi công nghiệp. Ảnh: K.T
ĐẨY MẠNH ĐẦU TƯ
Để hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và góp phần lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp, lãnh đạo TP. Bạc Liêu yêu cầu các ngành, địa phương tích cực làm tốt công tác chỉ đạo phát triển sản xuất. Theo đó, thành phố sẽ phối - kết hợp với các ngành tăng cường đầu tư công nghệ phục vụ phát triển CN-TTCN và đảm bảo điện phục vụ sản xuất hàng hóa gắn với phát triển mạnh hệ thống thương mại - dịch vụ và du lịch.
Đặc biệt, trong sản xuất nông nghiệp sẽ đầu tư nạo vét các kênh, mương thủy lợi - thủy nông nội đồng bị bồi lắng, nhất là kênh cấp 2, cấp 3 và cấp 3 vượt cấp. Đào đắp các đê bao khép kín vùng sản xuất rau màu, trùng tu sửa chữa và xây dựng mới các cống, bọng để ngăn chặn triều cường, đảm bảo tiêu thoát nước khi trời mưa to ở các vùng sản xuất nông nghiệp thường xuyên bị ngập úng.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ đẩy mạnh phát triển nhanh mô hình nông nghiệp đô thị như: Xây dựng và phát triển vùng rau màu, hoa kiểng, sinh vật cảnh ở nội, ngoại ô thành phố, nhất là hai bên đường Tỉnh lộ 38, tuyến đường Nhà Mát, Vĩnh Trạch Đông... vừa phục vụ du khách, vừa cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Thực hiện đồng bộ các giải pháp và chính sách, khuyến cáo các nhà vườn bảo tồn vườn nhãn cổ và cây xoài cổ để phục vụ tham quan du lịch.
Trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sản xuất, kêu gọi các nhà đầu tư (doanh nghiệp, ngân hàng, các quỹ tín dụng...) đầu tư nguồn vốn cho nhân dân mở rộng diện tích vùng sản xuất rau màu hàng hóa chủ lực như: măng tây, hẹ, ngò rí, cải rổ, củ hành tím theo chương trình VietGAP và hoa kiểng, sinh vật cảnh... Tiếp tục chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo chương trình VietGap cho người sản xuất, kết hợp với kiểm tra chất lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau - củ - quả để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN CON TÔM
Thực hiện kế hoạch tăng trưởng kinh tế, TP. Bạc Liêu sẽ tăng cường chỉ đạo các phường, xã và ngành chuyên môn quản lý chặt chẽ tình hình sản xuất tại địa phương. Theo đó, khuyến cáo nông dân chủ động trong việc quản lý các thông số môi trường ao nuôi, không sử dụng hóa chất cấm, phải xử lý mầm bệnh trước khi xả thải ra môi trường để tránh lây lan dịch bệnh. Hướng dẫn các phường, xã và nông dân thực hiện tốt kế hoạch và có biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Khuyến khích người nuôi tôm thành lập các tổ hợp tác, đội tự quản nhằm phát huy sức mạnh cộng đồng hỗ trợ nhau trong sản xuất. Đồng thời, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của toàn xã hội, phát huy cao nội lực, tranh thủ sự giúp đỡ của tỉnh, phối hợp với các sở, ngành để đầu tư vào các chương trình, dự án động lực (các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các vùng nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh, nuôi tôm công nghệ cao, khu sản xuất giống thủy sản tập trung, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu...); đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cấp điện, lắp đặt lưới điện 3 pha phục vụ sản xuất, nhất là các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, các trạm bơm điện; ưu tiên các nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, bảo đảm sinh kế cho người dân nông thôn. Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng (thủy lợi, giao thông, lưới điện, chợ thủy sản đầu mối) phục vụ nuôi trồng thủy sản, nhất là các vùng nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh tập trung, đảm bảo các điều kiện nuôi an toàn dịch bệnh trên địa bàn thành phố.
Tập trung phát triển các đối tượng nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ, cua biển, nhuyễn thể); xây dựng khu vực nuôi tôm công nghệ cao, công nghiệp - bán công nghiệp tập trung, sản xuất hàng hóa lớn, trên tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của thành phố là 5.993ha (mô hình thâm canh - bán thâm canh là 4.837ha, quảng canh cải tiến 1.156ha); đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề nuôi, đa dạng hóa đối tượng nuôi và phương pháp nuôi; đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật, các biện pháp quản lý tiên tiến (VietGAP, GlobalGAP, BMP, CoC, ASC…) vào các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung để tăng năng suất, sản lượng và đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư gây nuôi các đối tượng thủy sản mới có hiệu quả kinh tế cao; ưu tiên đầu tư xây dựng cơ bản hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản, nhất là khu vực nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh, nuôi tôm công nghệ cao. Chủ động theo dõi việc sản xuất giống thủy sản chất lượng cao đối với các đối tượng nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ, cua biển, nhuyễn thể), đảm bảo 100% giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng đạt các tiêu chuẩn về chất lượng, đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong tỉnh và thành phố; cung cấp một phần nhu cầu tôm giống chất lượng cao cho các tỉnh trong khu vực; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất tôm giống chất lượng cao, sạch bệnh tại các vùng quy hoạch sản xuất giống thủy sản tập trung của tỉnh (phường Nhà Mát); từng bước xây dựng và phát triển thành trung tâm sản xuất tôm giống có quy mô lớn, chất lượng cao, có uy tín ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, góp phần vào việc thực hiện chủ trương xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước...
LÂM VĨNH CHÂN
----------------------------------------------------------
Một trong những giải pháp quan trọng trong chỉ đạo phát triển sản xuất của TP. Bạc Liêu năm 2020 là tập trung và ưu tiên cho phát triển thế mạnh nuôi trồng thủy sản. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đạt hơn 200.000 tấn tôm và góp vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 800 triệu USD.
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ